Về với đền Vạn Lộc trong năm 2022

Đăng ngày 17/02/2022

Về với vùng đất Thượng Xá xưa, này là một phần của huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò chúng ta không thể không nhắc đến một danh gia vọng tộc với hàng trăm năm vinh hiển, nhân tài dòng họ, là rường cột của nước nhà, đó là dòng tộc họ Nguyễn Đình gắn với tên tuổi của Cương Quốc Công Nguyễn Xí ở thế kỷ XV. Với vùng đất này, hầu như mỗi tất đất, mỗi tên gọi địa danh đều gắn liền với những tên tuổi lớn của con cháu ngài Nguyễn Xí, hôm nay chúng ta vinh dự về thăm quan di tích đền Vạn Lộc, thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò. Đây chính là vùng đất mà Nguyễn Sư Hồi người con trai cả của Nguyễn Xí đã có công khai phá từ mấy trăm năm về trước, khi ông về trấn thủ vùng Cửa Xá (nay là Cửa Lò), Nghệ An.

Vị trí, quy mô, kiến trúc của Đền Vạn Lộc

Điểm đặc biệt đầu tiên của ngôi đền Vạn Lộc chính là vị trí tọa lạc: Đền Vạn Lộc ngoảnh mặt về phía Bắc, soi bóng dòng sông Cấm và nằm giữa một quần thể núi non sống động “Nhân Sơn quần tụ”. Núi Bảng Nhãn án ngự trước mặt; bên phải có núi Đầu Rồng (Long Thủ); bên trái có núi Voi (Tượng sơn), tạo nên thế “Rồng chầu, Voi phục”; sau lưng là núi Lò (Lô Sơn); phía Đông và Nam có đảo Lan Châu và Song Ngư, đảo Mắt như những viên ngọc đẹp nổi lên giữa biển Đông xanh ngát. Chính trên mảnh đất này vào đầu thế kỷ XV, Nguyễn Sư Hồi đã đặt đại bản doanh của lực lượng thủy binh nhằm bảo vệ vùng biển Cửa Xá. Cảng Cửa Lò và các cảng cá du lịch mà chúng ta thấy được ngày hôm nay đều gắn với công lao của Nguyễn Sư Hồi với một nhãn quan quân sự, kinh tế vượt thời đại, chính ông đã đặt nền móng cho việc thành thành một hệ thống cảng biển ở vùng Cửa Lò của chúng ta ngày nay.

Di tích đền Vạn Lộc là công trình kiến trúc cổ kính được khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay di tích vẫn trường tồn cùng với núi Lô, sông Cấm.

Hiện nay, đền Vạn Lộc có quy mô lớn với các hạng mục công trình như: Hạ điện,Trung điện, Thượng điện; sát bên cạnh còn 2 tòa Bái đường, Hậu cung thờ 3 cha con Quận công họ Nguyễn, có bia đá 4 mặt được dựng từ thời Lê Trung hưng; có bia ghi công của danh y Phạm Đức Dụ; có mộ cá Ông và cây bàng cổ thụ hơn 500 tuổi.

Mặt trước Đền Vạn Lộc là dòng sông Cấm hiền hòa. Đây cũng là nơi trú ngụ của những đoàn thuyền nối dài vô tận mỗi khi tránh bão hay vào những ngày biển động, ngư dân không thể ra khơi. Còn vào những ngày nắng đẹp đứng nơi đây nhìn ra xung quanh chúng ta sẽ cảm nhận được một bức tranh sơn thủy hữu tình với non xanh nước biếc như chốn bồng lai. Về với vùng đất này, hòa vào cảnh quan thiên nhiên chúng ta sẽ như trút bỏ đi những áp lực cuộc sống thường nhật để cảm nhận sự thanh thản nơi tâm hồn cùng gội rửa trong chốn tâm linh giúp cho tầm hồn ta luôn tươi mới, thanh tịnh.

Để vào di tích , du khách sẽ phải đi qua cửa tam quan với 4 cột nanh tạo nên 3 lối ra vào. Trên đỉnh các cột nanh trang trí nghê chầu, hai bên đắp tượng Hộ pháp. Nghê chầu và Hộ pháp được xem là những vị thần gác cổng nhằm kiểm tra tư cách của người vào đền, chính vì vậy, khi đến những chốn tâm linh mỗi chúng ta nên chú ý đến trang phục và tác phong của mình.

Cửa ra vào của Hạ điện được thiết kế kiểu vòm cuốn, phía trên trang trí các đề tài “lưỡng long triều nguyệt”, “hổ phù”, “ngũ phúc” với tâm thức cầu cho muôn dân được hưởng thái bình, phúc ấm, cũng đồng thời ban phát những phúc lộc cho mỗi du khách khi về đây thắp nén tâm hương.

Nhà Hạ điện, là nơi bài trí ban thờ công đồng và dành không gian cho du khách hành hương về bái lễ, tuy nhiên ở đây còn bài trí rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như câu đối gỗ có lịch sử tồn tại hơn 100 năm với nội dung ca ngợi công lao của vị thần chủ Nguyễn Sư Hồi.

Dẹp giặc, yên dân, nghĩa khí ngàn năm ghi nhớ

Khai cơ, lập nghiệp công ơn muôn thủa lưu truyền

Trung điện gồm 3 gian 2 hồi, nơi đây bài trí rất nhiều hiện vật quý có giá trị, đáng chú ý là đôi câu đối ca ngợi công lao của Thái úy Nguyễn Sư Hồi

Khai cơ lập ấp lưu đại đức

Phù bang bình tặc hiến anh linh

Tạm dịch:

Mở đất đai, lập nên làng mạc để lại đức lớn lao

Giúp nước, đánh giặc công lao hiển hách, oai hùng.

Câu đối treo ở cột trụ phía sau này có nội dung:

Hoan miếu thiên thu lưu thánh bút

Hải trình nhất mộng hiển thần công

Tạm dịch:

Miếu ở Hoan Châu ngàn năm lưu thành bút

Đường biển một giấc mộng hiến thần công

Nhà Trung điện bài trí thờ theo kiểu 3 dòng; dòng giữ bài trí hương án, giường thờ để bày biện lễ vật, hai dòng hai bên bài trí nhìn vào giữa. Dòng bên trái bài trí thờ Đông vị chính thần và Tây vị chính thần. Dòng bên phải bài trí thờ Chánh ngự y Phạm Văn Dụ và 3 cha con quận công họ Nguyễn. Đây là những người có công với dân với nước được nhân dân nơi đây phối thờ tại đền nhằm phù hộ độ trì cho nhân khang vật thịnh.

Còn ở nhà Thượng điện là nơi còn lưu giữ được những đường nét cơ bản, cổ kính về cả chất liệu xây dựng, phong cách cấu trúc và sự bài trí trong nội thất. Ở đây treo 3 bức hoành phi.

Gian giữa: Thánh cung vạn tuế ( chúc bậc thánh linh mạnh khỏe muôn đời)

Gian trái: Trại khuyết linh ( lúc nào sự linh thiêng cũng sáng như sao)

Gian phải: Dương tại thượng ( trên cõi trần gian bậc thánh linh lúc nào cũng thiêng)

Trên cùng là khám thờ được trang trí đặc sắc với những đề tài truyền thống gắn với tứ linh: long, ly, quy, phượng được nghệ nhân vẽ bằng sơn ta, một loại sơn được chế tạo thủ công từ cây cỏ tự nhiên, màu sơn tươi đẹp, nước sơn bền với thời gian. Thượng điện thiết kế 2 khám thờ để bài trí long ngai bài vị của hai vị phúc thần. Khám bên trái bài trí long ngai bài vị của Chiêu Trưng Vương Lê Khôi. Khám bên phải bài trí long ngai bài vị của Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi.

Nguyễn Sư Hồi là con trai trưởng của Cương Quốc Công Nguyễn Xí, lúc nhỏ ông có tên là Nguyễn Đình Khôi, sinh ngày 26/5/1444 – mất ngày 21/5/1506. Mẹ là Lê Thị Ngọc Lân thuộc dòng tộc tôn thất nhà Lê. Nguyễn Sư Hồi được xem là người văn võ song toàn, nhiều lần theo cha đi chinh phạt nhiều nơi lập được công lớn. Đặc biệt, trong cuộc binh biến năm 1460, Nguyễn Sư Hồi là phụ tá đắc lực cho Nguyễn Xí, chỉ huy đội cấm binh lật đổ thể lực của Lê Nghi Dân, phò tá Gia vương Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông) lên ngôi trở thành vị minh quân nổi tiếng của nước ta thời Lê Sơ, nên được vua ban cho Quốc tính (mang họ Lê) và phong chức Nhập nội, Thiếu úy, Phò mã Đô úy, Tham dự triều chính về sau gia phong Thái bảo Tổng Đô đốc, Thượng tướng quân Thập nhị hải môn (trấn thủ 12 cửa biển từ Sầm Sơn cho đến Cửa Tùng), tước Quận công. Ông là Đô đốc chỉ huy hạm đội lớn nhất thời vua Lê Thánh Tông. Với nhãn quan sáng suốt của một nhà quân sự Nguyễn Sư Hồi đã chọn vùng Cửa Xá để “lập chỉ huy trấn thủ” nhằm chống lại các thế lực thù địch bên ngoài để bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Để đảm bảo có chỗ đứng chân vững chắc, ông đã chiêu tập nhân dân lập nên làng Vạn Lộc, lúc đầu gọi là trại cây Bàng (vì nơi đây trồng rất nhiều bàng, nếu chúng ta đến vùng đất này vào mấy chục năm trước chúng ta sẽ thấy có rất nhiều cây bàng cổ thụ). Trong thời gian chỉ huy lực lượng thủy quân ở đây ông đã huy động quân lính và nhân dân xây kè lấn biển hiện nay dấu tích đoạn kè đá được ông chỉ đạo xây dựng vẫn còn tồn tại. Từ trại Cây Bàng, sau khi nhân dân về đây định cư đông đúc ông thành lập ra làng Vạn Lộc với mong muốn “muôn lộc hội tụ về đây”(nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò).

Sau khi ông mất (năm 1506), để tri ân tưởng nhớ công lao của người, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ Ngài với tên gọi là đền Vạn Lộc. Phúc thần Nguyễn Sư Hồi thường hiển linh giúp dân độ thế nên được các triều đại phong kiến ban cấp sắc phong, phong đến cấp cao nhất là “Thượng đẳng thần”.

 Nguyễn Sư Hồi mất đi, nhưng tư tưởng và công lao của ông còn sống mãi với quê hương, đất nước. Đúng như lời ca ngợi ông trên đôi câu đối còn lưu giữ ở đền:

Dẹp giặc, yên dân,nghĩa khí ngàn năm ghi nhớ;

Khai cơ, lập nghiệp,công ơn muôn thuở lưu truyền.

Toàn cảnh Đền Vạn Lộc nhìn từ trên cao

 

Đền Vạn Lộc thờ những ai

Ở Thượng điện ngoài thần chủ Nguyễn Sư Hồi ở đây còn bài trí cung thờ tướng Chiêu Trưng Vương Lê Khôi. Lê Khôi tên thụy là Vũ Mục là công thần khai quốc nhà Lê Sơ ở thế kỷ XV. Ông là con trai của Lê Trừ- anh thứ 2 của Lê Lợi, tức cháu gọi Lê Lợi là chú ruột. Lê Khôi là người  văn võ toàn tài, ở ngoài chiến tuyến là một võ tướng oai hùng lấy uy lệnh để thu phục kẻ thù, đối với con dân lại vỗ về yêu quý. Chính vì vậy, Lê Khôi được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ phụng. Đền thờ chính của ông ở Cửa Sót, trên núi Long Ngâm ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Nhưng trên địa bàn Nghệ An có rất nhiều nơi thờ Ngài.

Sở dĩ tại thượng điện đền Vạn Lộc lại lại bài trí thờ 2 vị thần là Nguyễn Sư Hồi và Lê Khôi là bởi trong tâm thức của người dân Việt, luôn quan niệm “sống sao chết vậy” hay “dương sao âm vậy”. Lúc còn sống cả Nguyễn Sư Hồi và Lê Khôi đều được triều đình giao cho cai quản vùng cửa sông, cửa biển ở miền Trung nước ta. Chính vì vậy, sau khi mất các ông vẫn là người được giao cai quản những vùng này. Nên trong tâm thức của nhân dân, nhất là ngư dân vùng biển họ đều coi hai vị thần này là những vị thần, có uy quyền đối với các vùng sông nước nơi họ thường ra khơi vào lộng. Họ thờ các ngài để cầu mong các ngài luôn phù hộ độ trì cho ngư dân được bình an, may mắn, có thể gặp giữ hóa lành. Họ tin rằng mỗi khi gặp bất trắc trên biển chỉ cần cầu nguyện đến uy linh của các ngài thì tai qua nạn khỏi. Trong tâm thức của người dân Vạn Lộc họ đã xem thần Nguyễn Sư Hồi và Lê Khôi là hai vị thủy thần tiêu biểu trấn giữ vùng cửa sông, cửa biển xứ Nghệ.

Chiêm bái nhà Thượng điện chúng ta thấy các hiện vật bài trí ở đây phản ánh rõ nét phong tục tập quán thờ cúng của người Việt, với những cỗ kiệu long đình cổ quý, có giá trị thẩm mỹ cao, cùng với áo, mũ, kiếm thờ…đều là những cổ vật có thời gian tồn tại hàng trăm năm, đến nay vẫn được giữ gìn nguyên vẹn điều này có thể chứng minh trước đây ông cha ta đã đặc biệt quan tâm đến những hiện vật cúng tiến cho các vị thần tại bản đền. Tất cả đều phải là loại tốt nhất, gỗ tốt nhất, thợ tốt nhất, sơn tốt nhất để làm ra những sản phẩm tốt nhất dâng cúng cho các vị thần linh, điều này chứng minh vị thế rất quan trọng của các vị thần được thờ tại đền đối với đời sống tâm linh của các thế hệ cha ông ta trong quá khứ.

Thông qua các cổ vật, chúng ta có thể thấy được trình độ kỹ thuật của các nghệ nhân xưa thật sự xuất sắc. Chỉ bằng các thao tác đục đẽo cắt gọt nông sâu khác nhau đã để lại cho đời sau những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ và kỹ thuật chạm trổ tinh vi. Chính các nghệ nhân xưa đã thổi vào các đồ thờ, kiệu long đình, long ngai, đài đựng nước vốn là những vật vô tri nhưng lại có sức sống để đẹp mãi với thời gian. Điều này cho thấy nghệ nhân xưa vô cùng tài hoa và hiểu biết, bởi họ không chỉ biết cách bố cục đẹp, chạm khắc tinh xảo mà còn biết chọn đúng loại gỗ, tính toán tỉ lệ màu sơn để phủ lên các đồ thờ các lớp son thiếp vàng tạo ra sự rực rỡ mà vẫn trầm lắng, ấn tượng đồng thời hạn chế được mối mọt, và sự tàn phá của thời tiết khô nóng khắc nghiệt nơi đây mà tồn tại hàng trăm năm vẫn không thay đổi.

Mặt trước cổng Đền Vạn Lộc

Cây bàng cổ thụ và tấm bia đá cổ trong khuôn viên Đền Vạn Lộc

Cây bàng cổ thụ trong khuôn viên Đền Vạn Lộc có tuổi thọ hàng trăm năm là di sản còn lại để ghi dấu tên gọi xưa của vùng đất này là Trại Bàng bởi có rất nhiều bàng và đây là cây bàng duy nhất còn sống sót. Khoảng vài chục năm trở lại cây bàng cổ thụ này bị rỗng ruột, dưới gốc bị hở 1 lối lớn. Cây cao khoảng 12 m, chu vi gốc cây nơi lớn nhất khoảng hơn 4m. Cây bàng này từng bị các trận bão lớn đánh gãy hết nhánh, lâu dần trong thân chính của cây (khoảng 7m) bị mục, rỗng từ dưới lên trên, nhưng kỳ diệu thay, hàng chục năm qua, cây vẫn sống, xanh tươi, mỗi năm còn mọc thêm nhiều cành mới, khẳng định sức sống mãnh liệt mỗi độ Xuân về.

Cũng trong khuôn viên Đền Vạn Lộc có tấm bia đá cổ hơn 350 năm tuổi 4 mặt khắc đầy chữ Hán nói về thân thế, sự nghiệp của 3 vị Quận công họ Nguyễn. Trải qua thời gian dài chiến tranh, loạn lạc nhưng tấm bia vẫn nguyên vẹn không hề sứt mẻ, điều đó chứng minh sự quan tâm giữ gìn của con cháu hậu duệ đối với các cổ vật mà cha ông đã để lại.

Về Lễ hội Đền Vạn Lộc

Mỗi độ tết đến xuân về, thường 3 năm một lần, nhân dân vùng sông nước Cửa Lò lại tổ chức lễ hội đền Vạn Lộc để tưởng nhớ công ơn Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi cùng các vị thần được thờ trong đền và cầu mong sóng yên, biển lặng, mùa màng bội thu.

Lễ hội bắt đầu từ chiều ngày 11 và kết thúc vào tối ngày 16 tháng Giêng âm lịch, bao gồm 2 phần: là phần lễ tâm linh và phần hội:

Lễ hội đền Vạn Lộc là một trong những lớn hội lớn có nhiều nghi lễ đặc sắc được nhân dân thực hành từ xưa đến nay, trong đó có tục rước đức thánh vi hành thị sát và ban phát tài lộc cho dân làng. Để tổ chức đoàn rước tất cả nhân dân trong làng và du khách thập phương đều tập trung về đền, tất cả các dòng họ lớn trong vùng đều thiết lập kiệu rước thần tổ của dòng họ mình để rước phù thánh giá linh thần đi vi hành, đoàn rước kéo dài khoảng 2km – 3km. Trên cung đường rước thánh vi hành trước cổng của mỗi gia đình đều thiết lập bàn thờ với đầy đủ lễ vật để nghênh đón và bái tạ các thần với mục đích nhằm cầu xin sự ban phát tài lộc của thần cho gia chủ, nhiều dòng họ cũng thiết lập các ban thờ rất uy nghi trang trọng có tộc trưởng đúng thắp hương nghênh đón. Đây là tập tục được nhân dân nơi đây trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhờ nguồn”, “nhân sinh do tổ”. Đây vừa là một nét đẹp truyền thống có từ hàng trăm năm nay xuất phát từ tấm lòng thành kính của người dân địa phương vừa là một phần không thể thiếu để tạo nên nét riêng nhất, độc đáo nhất của một lễ hội làng. Người dân Vạn Lộc nói riêng, người dân Cửa Lò nói chung đều tin rằng vào năm tổ chức lễ rước là năm đó người người nhà nhà đều bình an, hạnh phúc bởi sự che chở phù hộ của ngài. Vì thế, thiết lập các ban thờ bái tạ mỗi khi đoàn rước đi qua gia đình hay dòng họ là để xin ngài chứng dám cho tấm lòng thành của con cháu trong gia đình, dòng họ. Người dân nơi đây có cái tâm hướng về lễ hội, hướng về vị thần hoàng mà không phải địa phương nào cũng có được. Nó tạo nên một nét văn hóa riêng biệt và không thể thiếu vào mỗi mùa lễ hội đền Vạn Lộc.

Thông qua lễ hội này thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hiểu về nền văn hóa sông nước của một vùng dân cư nơi cửa biển, được đắm mình trong không gian lễ hội thành kính và náo nức. Dù ba năm mới tổ chức lễ lớn một lần, nhưng đây thật sự là một lễ hội đáng để ta trải nghiệm dù chỉ một lần trong đời.

Hàng năm vào dịp 30/4 – 1/5, nhân dân làng Vạn Lộc còn tham gia tích cực vào “Lễ hội sông nước Cửa Lò”.Trước giờ khai mạc lễ hội nhân dân và du khách thập phương vào đền rước kiệu thần ra bãi biển Cửa Lò làm lễ tâm linh nhằm cầu xin các vị thần linh thiêng phù hộ độ trì cho nhân dân vùng sông biển một năm an bình, mùa du lịch thành công viên mãn. Giờ khai mạc cho lễ hội sông nước Cửa Lò được tổ chức long trọng, khi ngọn đuốc được lấy lửa từ ngôi đền thờ thần linh thiêng Vạn Lộc và được các vận động viên rước tới khán đài chính của lễ khai mạc mở đầu cho một mùa du lịch mới với nhiều thành công mới.

Làng Vạn Lộc xưa, Nghi Tân ngày nay từ một vùng đất bồi bãi hoang vắng của trại Cây Bàng được nhiều thế hệ người dân với công sức, trí tuệ, mồ hôi, máu và nước mắt đã kế tiếp nhau khai hoang, lấn biển, không ngừng bồi trúc, mở mang kinh tế để xây dựng nên một vùng đất văn hiến trọn vẹn “Văn dành đỉnh bút, võ chiếm đề đao, nền y học chưa nơi nào sánh kịp”. Trong công cuộc đổi mới ngày nay, con người trên mảnh đất văn hiến đó vẫn phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của tổ tiên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đưa Nghi Tân trở thành một phường sầm uất của thị xã Cửa Lò, mang dáng dấp của một đô thị soi bóng xuống dòng sông Cấm thơ mộng. Đền thờ Nguyễn Sư Hồi còn là một thắng cảnh đẹp để cuốn hút khách du lịch thập phương đến thăm và đến với bãi biển Cửa Lò ngày càng đông hơn, vui hơn, góp phần phát triển du lịch Cửa Lò.

Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Cửa Lò