Xứng tầm du lịch Cửa Lò: Xây dựng biểu tượng, định hình thương hiệu du lịch Cửa Lò

Đăng ngày 04/04/2023

Xây dựng biểu tượng cho du lịch là yêu cầu gần như bắt buộc đối với tất cả các địa phương muốn phát triển du lịch. Biểu tượng du lịch đòi hỏi hình ảnh đó phải mang tính đặc trưng của địa phương đồng thời phải tạo ra những cảm xúc tích cực, kích thích mong muốn khám phá, trải nghiệm, sử dụng các sản phẩm du lịch. Năm 2022, Hoa cúc biển-loài hoa đặc trưng của Cửa Lò được chính quyền thị xã chọn làm biểu tượng du lịch.
Cuộc thi Lễ hội áo dài Hoa cúc biển 2023 góp phần quảng bá biểu tượng hoa cúc biển - biểu tượng du lịch Cửa Lò.
Hoa cúc biển – biểu tượng du lịch Cửa Lò đang được bảo tồn.

Đây là sự kiện có vai trò quan trọng không chỉ góp phần quảng bá, lan toả trong cộng đồng mà còn cho thấy sự chuyên nghiệp trong phát triển du lịch của chính quyền địa phương.

Loài hoa của sự viên mãn, trường tồn

Nói về nguồn gốc xuất xứ cũng như ý nghĩa của Hoa cúc biển hiện vẫn chưa có một tài liệu nào được chuẩn hóa. Tuy nhiên, có nhiều sự tích về hoa cúc được lan truyền trong dân gian từ thời xa xưa và đến nay vẫn được người dân Cửa Lò truyền tụng.

Từ xa xưa, người dân làng chài lạch Lò lưu truyền một câu chuyện tình yêu của một đôi tình nhân yêu nhau tha thiết. Một ngày, người con gái nhìn thấy bông hoa vàng đang sóng sánh dưới làn nước biển nên với tay muốn hái. Chiều lòng người yêu, người con trai vươn tay với bông hoa vàng nhưng khi bàn tay chưa kịp chạm thì bông hoa tan thành trăm ngàn mảnh, cơn sóng giữ đã cuộn đến cuốn chàng trai cùng bông hoa chìm vào đại dương. Người con gái ôm niềm hối hận, ngày tháng trôi qua, cô gái ấy vẫn thơ thẩn bên bờ biển âm thầm thả xuống biển những cánh hoa vàng để nhớ người yêu.

Người dân Cửa Lò trân trọng bởi lẽ đây là loài hoa dại, sống trên cát là biểu tượng của sự thủy chung “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (nghĩa là Lá có khô cũng không bỏ cành, hoa dù có tàn héo vẫn không rơi xuống đất).

Ngoài ra, nguồn gốc loài hoa cúc biển còn được người dân kể lại, trong một lần ngự giá biển Cửa Lò, Vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn) đã mang lại loài hoa sắc màu này và cho người dân nơi đây trồng.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực về đồ cổ, hiện đang sinh sống tại TP HCM, nói về hoa cúc là nói đến khát vọng về sự viên mãn, trường tồn bởi hoa cúc là biểu tượng của mặt trời, trên thế giới nhiều nước sử dụng biểu tượng hoa cúc. Ở nước ta, hình ảnh hoa cúc còn được sử dụng cho biểu tượng vương quyền như được trang trí trên ngai vàng, mũ miện và bảo kiếm thời xưa. Ngoài ra, cúc còn được xem là biểu tượng của ẩn sĩ và sự thanh cao và còn là nguồn cảm hứng trong thi ca được các nhà vua, nhà sư, nhà thơ đưa vào tác phẩm. Vì vậy, việc thị xã Cửa Lò lấy hoa cúc biển làm biểu tượng du lịch là một việc rất hay, rất có ý nghĩa và có giá trị văn hóa cao.

Cuộc thi Lễ hội áo dài Hoa cúc biển 2023 góp phần quảng bá biểu tượng hoa cúc biển – biểu tượng du lịch Cửa Lò.

Biểu tượng du lịch Cửa Lò

Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, hoa cúc biển là loài hoa đã có mặt ở thị xã Cửa Lò từ rất lâu. Thời thành lập thị xã cách đây gần 30 năm đã có công viên hoa cúc biển. Ngoài ra, logo du lịch Cửa Lò cũng có biểu tượng hoa cúc biển cũng đã có từ hàng chục năm trước. Vài năm trở lại đây, thị xã cửa Lò đã xây dựng đề án khôi phục và bảo tồn hoa cúc biển. Hoa cúc biển ngoài việc để nó phát triển tự nhiên thì hiện thị xã Cửa Lò đang nhân giống và bảo tồn loài hoa này. Trong đó, hoa cúc biển được trồng ở các công viên, các tuyến đường để tạo điểm nhấn cho thị xã Cửa Lò. Hiện UBND thị xã Cửa Lò đã giao cho Trung tâm vật tư nông nghiệp thực hiện đề án bảo tồn hoa cúc biển.

Theo đó, các đơn vị sẽ xây dựng khu bảo tồn giống hoa Cúc biển Cửa Lò tại Khu vực đồi hoa tự nhiên phía Nam ngoài khu vực cây xanh thảm cỏ lâm viên và một phần diện tích tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã với diện tích 10.000 m2. Một số khu vực khác cũng được trồng với diện tích khá lớn như khu vực đầu đường 72 thị xã với diện tích 2.000 m2; Khu vực Công viên Hoa Cúc biển với diện tích 500 m2, khu vực đường Bình Minh với diện tích 21.000 m2.

Bên cạnh đó, thị xã Cửa Lò đã thực hiện việc trồng và chăm sóc để nhân rộng mô hình hoa cúc biển tại các cơ quan, công sở, trường học và một số tuyến đường trung tâm của thị xã. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Cửa Lò có vườn hoa cúc biển rộng khoảng 42.000m2.

Ông Hoàng Thanh Sơn – Trưởng Phòng Văn hóa thông tin thị xã Cửa Lò cho biết, để phát huy và bảo tồn hoa cúc biển, biểu tượng du lịch Cửa Lò thì sắp tới thị xã đang hướng tới các sản phẩm địa phương sẽ in hình hoa cúc biển. Bên cạnh đó, biểu tượng này sẽ xuất hiện ở các khách sạn, nhà hàng, áo quần. Thị xã sẽ xây dựng các điểm check-in để tạo điểm nhấn cho Cửa Lò, để du khách khi đến Cửa Lò sẽ nhìn thấy hoa cúc biển.

Cùng với việc bảo tồn loài hoa cúc biển, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thị xã Cửa Lò đã phát động phong trào thi đua, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa, giá trị và trách nhiệm bảo tồn, phát triển loài hoa cúc biển. Một số chương trình văn hoá cũng được Cửa Lò khéo léo dàn dựng đưa hình ảnh hoa cúc biển đã tạo hiệu ứng tích cực. Tiêu biểu như đầu năm 2023, Cửa Lò tổ chức cuộc thi Lễ hội áo dài Hoa cúc biển Cửa Lò 2023. Cuộc thi đã thành công, hình ảnh hoa cúc biển-biểu tượng du lịch Cửa Lò được lan toa trong cộng đồng.

Có thể thấy việc xây dựng thành công biểu tượng du lịch Cửa Lò không chỉ góp phần quảng bá, lan toả du lịch mà còn giúp Cửa Lò có thêm một sản phẩm du lịch đặc trưng mỗi khi du khách ghé thăm.

Nguồn: Dương Hóa – Báo Công an thành phố Đà Nẵng