Mùa xuân là mùa của lễ hội, lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa lâu đời, lễ hội là dịp để các cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ mai sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc và của địa phương.
Đền Làng Hiếu
Mảnh đất Nghi Hải được gọi là vùng Cửa Hội (là tên gọi tắt của cửa biển Hội Thống, mà trước đó nữa được gọi là cửa biển Đan Nhai). Từ xa xưa cửa Hội Thống đã là một thương cảng nổi tiếng, tàu thuyền các xứ Đằng trong, Đằng ngoài và các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ ra vào buôn bán nhộn nhịp. Cảnh đẹp của vùng biển Cửa Hội đã đi vào thơ văn với nhiều hình ảnh lung linh huyền diệu như “Song ngư hí thủy” có nghĩa là Đôi cá đang đùa giỡn trên mặt nước hay “Đan Nhai quy hàm” nghĩa là thuyền về cửa biển Đan Nhai.
Trên địa bàn phường hiện nay có Đền Làng Hiếu – Một trong những ngôi đền cổ nổi tiếng với danh xưng – Ngôi đền cổ linh thiêng thờ nhiều cá voi nhất ở Nghệ An. Phát huy những giá trị truyền thống có từ lâu đời của cha ông, đặc biệt là gìn giữ di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Làng Hiếu, hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, Ủy ban Nhân dân phường cùng Ban quản lý Đền tổ chức các hoạt động văn hóa Lễ hội tại Đền đó là:
Trước tết tổ chức chỉnh trang, tu sửa, trang trí tại Đền Làng Hiếu; vào tối ngày 25/12ÂL sẽ tổ chức Lễ tất niên với sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân trong và ngoài phường để cảm tạ công đức bảo hộ của các vị Bản Cảnh Thành Hoàng, Sát Hải Đại Vương, Tam Tòa Thánh Mẫu, Thần Cô, Thần Cậu trong một năm qua.
Vào đêm giao thừa, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, sau khi các gia đình tổ chức Lễ cúng gia tiên tại gia đình mình thì bà con nhân dân trong và ngoài phường nô nức du xuân ra tại Đền Làng Hiếu để thắp hương cảm tạ công đức của các vị Thành Hoàng đồng thời cầu yên, cầu tài và xin xăm, hái lộc, hoạt động này sẽ được diễn ra cho đến hết tháng giêng. Song song với các hoạt động tâm linh tại Đền Làng Hiếu, trong dịp tết Nguyên đán Ủy ban Nhân dân phường chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao “Mừng Đảng – Mừng Xuân” như: giải cờ tướng, giải bóng chuyền, tết trồng cây, lễ mừng thọ….
Lễ hội Cầu Ngư được diễn ra vào ngày 15 tháng 3 âm lịch. Lễ hội cầu ngư gồm có 2 phần: Phần lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống bao gồm lễ yết cao, lễ đại tế, lễ rước, lễ phụng nghinh, lễ cầu ngư trên biển…. nhằm thể hiện lòng tôn kính đối với những vị thần của biển cả đồng thời là dịp để cộng đồng ngư dân tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, thắt chặt tình đoàn kết của ngư dân vùng biển. Phần hội là những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính cộng đồng, phù hợp với cư dân vùng biển, đua thuyền truyền thống, bóng chuyền hơi.
Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến lễ phụng nghi và cầu ngư trên biển. Ngư dân trong vùng tổ chức rước kiệu của các vị thần trong đền ra bến, rước lên thuyền ngự. Thuyền ngự là những con thuyền dùng bài trí ban thờ và các kiệu và long ngai bài vị của các vị thần, thường nhân dân sẽ chọn những con thuyền may mắn có thu nhập cao nhất trong năm, trên thuyền được trang trí cờ, lọng, trống chiêng đầy đủ, tiếp theo là những chiếc thuyền rước của ngư dân trong vùng, trên mỗi chiếc thuyền đều được trang trí cờ hoa lộng lẫy. Sau khi đoàn rước lên thuyền, đoàn thuyền xuất phát từ bến Phụng Nghinh chạy dọc cửa sông ra ngoài biển cách bờ khoảng 2km thì neo lại làm lễ phụng nghinh và cầu ngư trên biển. Lễ hội Cầu ngư nhằm cầu cho sóng yên biển lặng, ngư dân ra khơi vào lộng thuyền đầy cá tôm.
Lễ cầu ngư (Ảnh tư liệu)
Để phát huy những giá trị đích thực của lễ hội Cầu Ngư Đảng ủy, Chính quyền địa phương luôn xác định vị trí, vai trò chủ đạo trong công tác tham mưu của Ban tổ chức lễ hội, BQL di tích trong việc quản lý, tổ chức và giải quyết các vấn đề phát sinh tại lễ hội và tại di tích, hạn chế mức thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra trong lễ hội. Tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội. Tăng cường vận động nhân dân và du khách tham gia lễ hội, có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, ứng xử văn minh trong hoạt động tâm linh, lễ hội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa “Văn hóa còn là dân tộc còn”, chính vì vậy việc phát huy, gìn giữ các giá trị truyền thống lễ hội tại địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với sự phát triển kinh tế – xã hội của phường góp phần xây dựng con người Nghi Hải giàu lòng nhân ái, văn minh, lịch sự và hiện đại.
Lê Ngọc Minh – PCT UBND phường Nghi Hải