Những điểm văn hóa tâm linh không thể bỏ qua khi đến phố biển Cửa Lò

Đăng ngày 15/04/2021

Cùng với bãi tắm đẹp, hải sản tươi ngon và cơ sở vật chất khang trang, khu du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An) còn có hệ thống đền, chùa đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của du khách.
Thị xã biển Cửa Lò có lịch sử khai phá hàng trăm năm, thể hiện qua những công trình kiến trúc tâm linh, hệ thống di tích lịch sử chứa đựng bề dày văn hóa. Những công trình này là điểm đến lý tưởng cho những du khách có nhu cầu gửi gắm đời sống tâm linh và tìm hiểu, khám phá mạch nguồn văn hóa của khu du lịch biển nổi tiếng miền Trung này. Bắt đầu từ đền Làng Hiếu thuộc khối Lan Thịnh, phường Nghi Hải. Đền có lịch sử hơn 300 năm, là nơi thờ Đức Thánh Mẫu, thần Cao Sơn Cao Các, Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn và thờ Phật. Ảnh: Đức Anh
Đặc biệt, trong khuôn viên đền Làng Hiếu có 88 ngôi mộ cá voi (cá ông) và am thờ, là tín ngưỡng mang đậm bản sắc của cư dân vùng biển. Mỗi khi có cá voi bị chết dạt vào bờ, bà con phường Nghi Hải tổ chức nghi lễ mai táng. Đình Làng Hiếu là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, nơi hội tụ tín ngưỡng của người dân vùng biển, quanh năm đối mặt với sóng gió. Ảnh: Đức Anh
Từ phường Nghi Hải, ngược lên phường Nghi Thủy, du khách dừng chân ở đền Mai Bảng, ngôi đền còn lưu giữ được nét kiến trúc cổ kính và không gian khá rộng rãi nằm giữa khu dân cư khối 4. Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê, là nơi thờ các vị thần: Chiêu Trưng Vương Lê Khôi (người có công lớn dưới triều đại nhà Lê, từng giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh); Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (một quý phi tài sắc vẹn toàn, được nhân dân suy tôn làm nữ thần biển); Thủy Tinh phu nhân (cai quản vùng sông nước) và thờ 6 vị thần khai cơ. Ảnh: Đức Anh
Cũng như đền Làng Hiếu, đền Mai Bảng thể hiện đậm nét tín ngưỡng của cư dân vùng biển là thờ các vị thần cai quản vùng sông, biển, che chở cho bà con ngư dân trước sóng gió biển khơi. Mỗi khi ra khơi, vào lộng, người dân phường Nghi Tân thường đến đền cầu an. Ảnh: Đức Anh
Đền Mai Bảng hiện còn lưu giữ nhiều loại đồ tế khí có niên đại hàng trăm năm, góp phần tô đậm nét cổ kính, linh thiêng của ngôi đền làng biển. Ảnh: Đức Anh
Từ phường Nghi Thủy, du khách có thể di chuyển sang địa bàn phường Nghi Tân viếng đền Vạn Lộc, là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Đền Vạn Lộc được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô. Đền là nơi thờ tự Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (1444 – 1506) – con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Ông là người có công lớn trong việc giúp triều đình nhà Lê đánh đuổi giặc ngoại xâm và có công chiêu dân, lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc (thị xã Cửa Lò ngày nay). Ảnh: Đức Anh
Đền Vạn Lộc có vị trí rất đẹp, trước mặt đền là dòng sông Cấm êm đềm, sau lưng là núi Lò, bên phải có núi Rồng, bên trái có núi Tượng Sơn tạo thế “rồng chầu, hổ phục”. Qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính. Đến đây, du khách sẽ hiểu thêm về lịch sử hình thành phố biển Cửa Lò qua dòng chảy hàng trăm năm. Ảnh: Đức Anh
Cách đền Vạn Lộc không xa là chùa Lô Sơn, di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, tọa trên một địa thế khá đẹp, tựa lưng vào núi Lô Sơn, hướng về phương Bắc. Đến đây, du khách có dịp thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình và cầu bình an, phúc, lộc. Ảnh: Đức Anh
Nếu có thêm nhu cầu khám phá trải nghiệm đời sống văn hóa tâm linh, du khách có thể đi ca nô khoảng 30 phút để ra vãn cảnh chùa Song Ngư. Ngôi chùa năm trên đảo Song Ngư, được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII – XIV, là nơi thờ Phật và phối thờ thần Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Tựa mình vào hòn đảo vững chãi, mặt hướng vào bờ, chùa Song Ngư là điểm lý tưởng để vãn cảnh và gửi gắm đời sống tâm linh. Ảnh: Công Khang
Phía trước chùa có giếng ngọc hơn 700 năm tuổi và đôi cây lộc vừng vươn cành, tỏa bóng sum suê, thể hiện bề dày lịch sử kết tinh truyền thống văn hóa của vùng đất tươi đẹp. Ảnh: Công Khang
Năm 2021, thị xã đặt mục tiêu đón 3.150.000 lượt khách (trong đó, có 1.610.000 lượt khách lưu trú), tăng 42,5% so với năm 2020; doanh thu du lịch đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2020. Ảnh tư liệu