Nghi Tân – 20 năm một chặng đường đổi mới

Đăng ngày 18/08/2014

Nằm ở hạ lưu sông Cấm – nơi có nền văn hóa truyền thống lâu đời gắn với lịch sử phát triển của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.  Từ một mảnh đất bồi của biển, phù sa của sông, các thế hệ cư dân đã kế tiếp nhau đem sức lực trí tuệ, cần mẫn khai hoang, lấn biển, không ngừng mở mang kinh tế để có một Nghi Tân sầm uất, khang trang đổi mới như ngày hôm nay.

Cảng Cửa Lò nằm ở Phường Nghi Tân, TX Cửa Lò

Ngược dòng lịch sử của 600 năm về trước,  vùng đất Vạn Lộc (mà nay là phường Nghi Tân), được Thái úy quận công Nguyễn Sư Hồi con trai cả của Cương quốc công Nguyễn Xí đến khai cơ, lập ấp. Từ vài chục hộ dân thuộc các dòng họ Hoàng, Lê, Nguyễn, Phạm…đến sinh tụ đầu tiên trên vùng đất có tên gọi trại cây Bàng, đến nay trên địa bàn Nghi Tân đã có gần 1,2 vạn dân thuộc hơn 70 họ tộc sinh sống. Được mệnh danh là mảnh đất có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, Nghi Tân có nhiều con em thành đạt trên lĩnh vực học hành khoa bảng; là nơi có nhiều quan văn, võ tướng và các nhà y học nổi danh. Và đặc biệt hơn, chính nơi đây, một trong 12 Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Nghi Lộc đã ra đời. Trong lớp đảng viên đầu tiên ấy đã có nhiều con em của quê hương Vạn Lộc. Tiêu biểu như đồng chí Hoàng Văn Tâm, Phạm Văn Tước…các đồng chí đã có những đóng góp xuất sắc vào phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo ở thời kỳ 1930-1931.

Đến những năm 1994, Nghi Tân là một trong hai đơn vị đầu tiên được tách ra khỏi huyện Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An để thành lập Thị trấn Cửa Lò và sau này cùng với 4 phường khác thành lập nên Thị xã Cửa Lò theo Nghị định số 113/CP ngày 29/8/1994 của Chính phủ .

          Từ một làng quê ven biển nghèo, đến nay, sau 20 năm thành lập, Nghi Tân đã có sự thay đổi rõ nét. Các loại hình dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đang phát triển một cách nhanh chóng. Đặc biệt người dân Nghi Tân đã biết phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, đầu tư xây dựng các ngành nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là ngành bảo quản và chế biển hải sản. Hiện nay, có 39 hộ kinh doanh kho đông lạnh, 39 hộ tham gia đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Tốc độ phát triển kinh tế đạt trên 11%, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 22 triệu đồng/năm. Chính nhờ sự cần cù lao động của người dân Nghi Tân mà đã làm cho vùng quê biển nghèo năm xưa khoác lên mình tấm áo mới. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều doanh nghiệp tư nhân do chính những người con Nghi Tân làm chủ đã được xây dựng nên…tạo nên một bức tranh đa sắc nơi vùng quê này.  Bên cạnh đó thì  những năm gần đây Nghi Tân còn có gần 1000 người lao động đi xuất khẩu lao động trên các nước khác nhau, hàng năm đưa về cho Nghi Tân hàng chục tỷ đồng, chưa nói đến hàng trăm lao động khác hiện đang làm việc tại các nhà máy xí nghiệp và các khu công nghiệp trên mọi miền đất nước đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của quê hương. Hiện nay, đời sống của người dân Nghi Tân đã thay đổi rất nhiều, hộ khá, giàu ngày càng tăng cao, hộ nghèo chỉ còn 8,8% (theo tiêu chí mới), hộ đói đã không còn. Về cơ sở vật chất có 98% hộ có nhà xây, trong đó nhiều nhà cao tầng kiên cố có giá trị trên 1 tỷ đồng. 99% hộ có ti vi, 95% hộ có xe máy, 97% hộ dùng điện thoại các loại, 100% hộ dùng điện ổn định trong sinh hoạt và kinh doanh sản xuất. Hệ thống đường giao thông liên khối, liên gia cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

          Song song với việc phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho nhân dân thì việc đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục cho con em địa phương cũng đã được quan tâm thực hiện. Bằng nguồn đầu tư của cấp trên và công tác xã hội hóa giáo dục, Nghi Tân đã xây dựng 03 ngôi trường ở 03 hệ học khang trang, sạch đẹp với số lượng phòng chức năng, phòng học đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Địa phương và nhà trường đã làm tốt công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ, huy động trẻ đúng độ tuổi đến trường và phổ cập giáo dục. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên rõ nét; chất lượng mũi nhọn đạt được nhiều thành tích nổi bật. Hiện nay, 3/3 trường đã đạt chuẩn quốc gia, riêng trường Tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đang trong lộ trình xây dựng trường anh hùng trong thời kỳ đổi mới, là một trong những ngôi trường đẹp, là địa chỉ tham quan học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị trong và ngoài Tỉnh. Chính vì vậy mà chất lượng giáo dục của Nghi Tân trong những năm qua được xếp ở tốp đầu của Thị xã Cửa Lò.

          Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng đã được chính quyền quan tâm thực hiện. Hiện tại, Trạm y tế phường đã có cơ sở vật chất quy mô tầm cỡ, có phòng làm việc chuyên môn và phòng điều trị bệnh nhân khang trang, rộng rãi, có đội ngũ bác sỹ, y tá, y sỹ được đào tạo chuyên môn cơ bản, có đầy đủ các trang thiết bị dụng cụ chuyên môn đáp ứng được công tác khám chữa bệnh và hàng ngày đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Nhờ đó mà trong năm 2013 vừa qua Phường Nghi Tân là đơn vị đầu tiên của Thị xã được công nhận đạt bộ chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020.

          Khi đời sống vật chất của người dân được nâng cao, chất lượng cuộc sống được đảm bảo thì các hoạt động văn hóa sẽ trở nên phong phú đa dạng hơn. Toàn Phường hiện có 4 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp Tỉnh đó là Di tích đền Vạn Lộc, di tích họ Hoàng Văn, di tích chùa Lô Sơn, di tích họ Hoàng Thế …. 9/9 khối của Phường đã có nhà văn hóa khang trang được trang bị các phương tiện phục vụ nhu cầu hội họp, vui chơi giải trí của nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn luôn được đảm bảo.

           Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Đảng bộ phường Nghi Tân không ngừng chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ phường đến khối phố ngày càng vững mạnh.

          Kế thừa những kết quả đã đạt được trong 20 năm xây dựng và đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Nghi Tân đang nỗ lực ra sức thi đua để xứng đáng với lịch sử hình thành của mảnh đất  Vạn Lộc có từ 600 năm tuổi, sánh ngang các phường bạn, xứng đáng là đơn vị tiêu biểu của thị xã Cửa Lò trong mọi phong trào,

Với kết quả trong 20 năm xây dựng và phát triển là tiền đề quan trọng để Đảng bộ chính quyền  và nhân dân Nghi Tân tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ, góp phần xây dựng Thị xã Cửa Lò văn minh và giàu mạnh./.

                                      Mỹ Hạnh