Nghệ An – Phát triển Du lịch từ thế mạnh ngành kinh tế tổng hợp

Đăng ngày 28/03/2014

    PV: UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An có tính đến năm 2020; quy hoạch “dài hơi” này có tạo được động lực kịp thời cho du lịch tỉnh nhà vượt qua những khó khăn hiện tại?

      Ông Nguyễn Mạnh Cường: Việc UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, đã tiếp tục khẳng định phát triển du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Quy hoạch qua những điều chỉnh, bổ sung, sẽ tạo những “biên độ” lớn hơn để ngành phát huy tính năng động, sáng tạo và quyết đoán từ nhiệm vụ quản lý nhà nước đến tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động liên quan; đồng thời tạo tinh thần mới cho hoạt động du lịch vượt lên từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn, phấn đấu cho những mục tiêu cụ thể trước mắt và những năm tiếp theo.

    PV: Theo ông, điểm đáng chú ý nhất trong Quy hoạch tổng thể nói trên là gì?

     Ông Nguyễn Mạnh Cường: Đó là giải pháp đầu tư có trọng điểm tạo hiệu quả tập trung và đủ “mạnh” trên cơ sở xác lập hình thành 2 đô thị du lịch là Thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò cùng các khu, điểm du lịch mới quan trọng như Đô Lương, Quỳnh Lưu và các vùng phụ cận.

    Như vậy sẽ mở ra nhiều điều kiện để phát triển đào tạo nguồn nhân lực, xã hội hoá du lịch và có thêm nhiều các sản phẩm du lịch mới để ngành và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động du lịch, các tổ chức lữ hành lựa chọn, xây dựng các tua, tuyến, điểm thực sự có chất lượng, hấp dẫn thu hút khách một cách bền vững; bước đầu tạo nguồn thu từ du lịch một cách ổn định, đồng thời tiếp sức cho giải pháp liên kết phát triển du lịch thời hội nhập. Tuy nhiên, theo tôi vấn đề cần lưu ý là công tác quản lý. Đầu tư xây dựng và hiện thực được các dự án là tiền đề phát triển; nhưng giả thiết từ đó du lịch sẽ có bước phát triển nhanh mà quản lý yếu kém sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Ở đây, đương nhiên đòi hỏi trách nhiệm chính của ngành dưới sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh…

     PV: Xin được hiểu ý ông là, nếu quá chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ các điểm đến, các cơ sở lưu trú, rồi cách làm du lịch có tính thời vụ hoặc nóng vội sẽ dẫn đến hệ quả khủng hoảng “thừa”, hay “bê tông hoá” và nhất là vấn đề môi trường.v.v… Vậy trách nhiệm cụ thể của ngành ở đây là gì?

     Ông Nguyễn Mạnh Cường: Cần phát huy tốt điều kiện sáp nhập ngành Du lịch với ngành Văn hoá, Thể thao để củng cố tư duy phát triển một ngành kinh tế tổng hợp, tiếng nói với Đảng, chính quyền các cấp, kiến nghị sự phối hợp cao của các ban ngành vì mục tiêu chung tạo điều kiện cho ngành nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong phát triển du lịch. Mà, một trong những giải pháp cụ thể trước mắt là nghiên cứu sớm áp dụng hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao có tính chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ cao; thực hiện phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững an toàn xã hội tỉnh và an ninh quốc gia.

     PV: Cảm ơn ông! Cuối cùng, xin ông điểm qua kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm?

     Ông Nguyễn Mạnh Cường: 6 tháng đầu năm 2009 lượng khách du lịch đến Nghệ An tăng trưởng khá với 994.595 lượt khách, bằng 103% so cùng kỳ 2008; công suất buồng phòng đạt 44,8%; mở được 9 lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho hơn 1000 cán bộ quản lý, công nhân viên du lịch; công tác nâng cấp chất lượng buồng phòng, quảng bá xúc tiến du lịch tiếp tục thực hiện tốt. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước được thực hiện tốt hơn từ chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, sự phối hợp hoạt động với Hiệp hội du lịch và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn…

 

Theo: Đình Sâm