Mở rộng tuyến du lịch Vinh – Cửa Lò – Nam Đàn

Đăng ngày 26/09/2014

Chiều 26/9 tại Sở VHTT&DL diễn ra buổi tọa đàm Xây dựng chương trình du lịch tuyến Vinh – Cửa Lò – Nam Đàn. Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì buổi tọa đàm.
 
Đoàn khảo sát du lịch tham quan tại Khu di tích Kim Liên(Nam Đàn).
Đoàn khảo sát du lịch tham quan tại Khu di tích Kim Liên(Nam Đàn).
Tham quan nơi sinh sống thưở nhỏ của Nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Tham quan nơi sinh sống thuở nhỏ của Nhà yêu nước Phan Bội Châu.
 
Buổi tọa đàm được tổ chức sau khi Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Nghệ An phối hợp với hơn 15 công ty, đơn vị du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh tiến hành đợt khảo sát tuyến du lịch Vinh – Cửa Lò – Nam Đàn. Theo đó, ngoài một số điểm tham quan truyền thống của tuyến du lịch này, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch đã được tham quan một số điểm đến mới được đưa vào khai thác như: Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – ông nội Bác Hồ, nhà cử nhân Vương Thúc Quý (thầy dạy học của Bác Hồ những năm Người ở quê) tại Kim Liên (Nam Đàn); tượng đài nơi sinh sống thuở nhỏ của Nhà yêu nước Phan Bội Châu; Cụm đền, chùa Đức Sơn, cụm di tích Vua Mai ở Vân Diên (Nam Đàn); Đoàn cũng tiến hành khảo sát tại khu du lịch đảo Lan Châu, chùa Song Ngư, làng nghề nước mắm Hải Giang 1 ở thị xã Cửa Lò; khảo sát đền thờ  vua Quang Trung, Bảo tàng Quân khu IV, Bảo tàng Xô viết Nghệ – Tĩnh ở thành phố Vinh… Thực tế đây là các điểm đến có từ lâu, song chưa được nhiều người biết tới và đến thời điểm này nhiều công trình di tích đã được nâng cấp, phục dựng để vừa góp phần giáo dục truyền thống vừa đáp ứng yêu cầu khai thác du lịch theo hướng văn hóa – lịch sử – tâm linh.
 
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
 
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay các điểm đến trong chuỗi du lịch Vinh – Cửa Lò  – Nam Đàn vẫn ở dạng tiềm năng, chưa khai thác hiệu quả. Nhiều công trình có giá trị văn hóa lịch sử to lớn song chưa được quảng bá rộng rãi. Bên cạnh đó, các vấn đề như cơ sở hạ tầng,  công trình phụ trợ, vệ sinh môi trường, sự hạn chế của đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên cũng là những vấn đề mà đại diện các công ty du lịch, lữ hành bàn bạc sôi nổi. Điều này thực sự ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm du lịch, không giữ chân được du khách…
 
Mộc bản tại chùa Đức Sơn (Vân Diên - Nam Đàn).
Mộc bản tại chùa Đức Sơn (Vân Diên – Nam Đàn).
Đoàn khảo sát  nghe về xuất xứ của vỏ quả bom 5000 bảng anh được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu IV.
Đoàn khảo sát nghe về xuất xứ của vỏ quả bom 5000 bảng Anh
được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu IV.
Ông Phạm Hải Đường - Trưởng làng nghề tương Nam Đàn (khối Phan Bội Châu - Nam Đàn) giới thiệu về tương.
Ông Phạm Hải Đường – Trưởng làng nghề tương (khối Phan Bội Châu – Nam Đàn) giới thiệu về tương Nam Đàn.
Đoàn khảo sát trao đổi với ông Lê Minh Thưởng - người đang trông coi 5 cây thị di sản tại xã Nghi Thịnh - Nghi Lộc.
Đoàn khảo sát trao đổi với ông Lê Minh Thưởng – người đang trông coi 5 cây thị di sản tại xã Nghi Thịnh – Nghi Lộc.
 
 Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL khẳng định, với sự tham gia khảo sát và có những đánh giá thẳng thắn của các đơn vị làm du lịch, ngành du lịch Nghệ An sẽ tiếp thu và tìm mọi biện pháp để khắc phục. Kế hoạch trong thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 1 trung tâm văn hóa thể thao du lịch để trưng bày, giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm du lịch của Nghệ An; đầu tư xây dựng hơn 40 công trình vệ sinh công cộng tại các khu di tích, điểm đến trên địa bàn. Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành phải có trách nhiệm cùng phối hợp, liên kết để quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An. Có sự đầu tư, xây dựng thiết kế chương trình du lịch đáp ứng yêu cầu khách quan đặt ra. Tỉnh Nghệ An luôn đồng hành với các đơn vị kinh doanh du lịch, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp lữ hành mở rộng tour, tuyến phát huy hiệu quả.
 
 
Đào Tuấn