Liên kết “3 nhà” đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Đăng ngày 17/11/2014

(Baonghean) – Chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề bức bách của du lịch Nghệ An, đặc biệt trước yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần sớm có giải pháp để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Du lịch, mà trước hết phải phát huy được mối liên kết giữa mục tiêu và yếu tố thực chất trong công tác đào tạo… 
 
Thực trạng 
 
Theo thống kê sơ bộ, tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay khoảng 11.300 người, chưa kể lao động có tham gia làm du lịch trong lĩnh vực vận chuyển khách và lao động thời vụ. Trong đó, trình độ thạc sỹ trở lên có 38 người (chủ yếu ở các cơ sở đào tạo); đại học, cao đẳng khoảng 1.700 người, trung cấp và sơ cấp nghề du lịch khoảng 5.500 người. Số lượng lao động hầu hết tập trung trong cơ sở lưu trú du lịch khoảng 7.470 người (chưa kể lao động thời vụ), nhà hàng và dịch vụ khoảng 3.500 người, lữ hành 120 người, còn lại là trong cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo du lịch. Tính đến 30/9/2014, trên địa bàn tỉnh có 662 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao và trên 60 khách sạn từ 1 – 2 sao; có 32 trung tâm lữ hành quốc tế và nội địa. Các trung tâm lữ hành, khách sạn này đang rất cần một đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp. 
Lễ ký kết hợp tác du lịch giữa Nghệ An và Đà Nẵng, ngày 18/4/2014. Ảnh: Đ.T
Lễ ký kết hợp tác du lịch giữa Nghệ An và Đà Nẵng, ngày 18/4/2014. Ảnh: Đ.T
 
Tiết thực hành ở Trường CĐ nghề Du Lịch - Thương mại Nghệ An. 	Ảnh: Văn Đoàn
Tiết thực hành ở Trường CĐ nghề Du Lịch – Thương mại Nghệ An. Ảnh: Văn Đoàn
 
 

Nhìn chung, các cơ sở lưu trú du lịch đều ở trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng. Hầu hết số công nhân lao động có chất lượng và tay nghề cao được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp chủ yếu tập trung ở những khách sạn hạng 3 sao trở lên. Còn các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, số lao động không đúng chuyên ngành, lao động phổ thông còn chiếm tỷ trọng khá lớn. Một số khách sạn, doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của mình. Ví dụ tại Công ty CP Sài Gòn – Kim Liên, để đáp ứng theo tiêu chuẩn khách sạn 4 sao, việc tuyển chọn nhân lực vào những vị trí quan trọng đang được khách sạn hết sức quan tâm. Ngoài tuyển tại chỗ (các cơ sở đào tạo trong tỉnh), hàng năm, ban lãnh đạo công ty còn lựa chọn và gửi đi đào tạo lại, mỗi năm khoảng 3 đợt tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước như Hà Nội, Sài Gòn.

 
Hầu hết các vị trí như bếp trưởng, trưởng bộ phận bàn, buồng, lễ tân sau khi tuyển dụng vào làm việc đều được học qua lớp đào tạo tại Trường Cao đẳng Nghề du lịch Saigontourist. Các khách sạn như Phương Đông, Hữu Nghị, Giao tế, Duy Tân, Xanh Cửa Lò… cũng có những chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho người lao động. Tuy nhiên, đa số cơ sở lưu trú chưa quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực trong chiến lược kinh doanh của đơn vị mình, mà chỉ ngồi chờ “ăn sẵn” lao động của đơn vị khác. Vì vậy, thời gian qua, tình trạng lôi kéo, tranh chấp lao động có chất lượng cao, nhất là đối tượng cán bộ quản lý, điều hành khách sạn, quản lý nhà hàng, nhân viên lễ tân, thị trường, bếp trưởng và kỹ thuật bếp có tay nghề cao… giữa các khách sạn diễn ra khá phổ biến, làm cho môi trường kinh doanh du lịch bị xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chung của toàn ngành. 
 
 
Bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Đ.T
Bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Đ.T
Đối với các đơn vị lữ hành, hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 72 hướng dẫn viên du lịch (có 36 hướng dẫn viên quốc tế), bình quân 2,25 hướng dẫn viên/trung tâm lữ hành, trong đó, 60% có trình độ đại học, còn lại 40% là trình độ từ trung cấp đến cao đẳng. Hầu hết các trung tâm lữ hành quốc tế của Nghệ An luôn trong tình trạng thiếu hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ. Do vậy, nhiều trung tâm buộc phải thuê hướng dẫn viên của các tỉnh khác để đưa, đón khách. Trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng nghiệp vụ yếu, dẫn tới việc không khai thác triệt để được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài. Mặt khác, trình độ ngoại ngữ còn là một rào cản làm hạn chế việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng tới bạn bè quốc tế. Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, một vài trung tâm lữ hành đã tổ chức tuyển chọn kỹ lưỡng hướng dẫn viên và phải qua thời gian đào tạo, huấn luyện thực tế, gửi đi đào tạo thêm về ngoại ngữ và kinh nghiệm tại các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước. Thế nhưng, khi trở thành hướng dẫn viên giỏi, các trung tâm lữ hành lại phải chịu một áp lực lớn là khó “giữ chân” lao động, bởi mức thu nhập chưa hấp dẫn hơn ở các thành phố trung tâm du lịch. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng vừa thiếu, vừa yếu về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở Nghệ An.
 
Về thực trạng các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở, trong đó, có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp nghề. Hàng năm, có khoảng trên 2.000 sinh viên ra trường từ các trung tâm đào tạo này. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực này hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là những chuyên ngành quan trọng như hướng dẫn viên du lịch, quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng, bếp trưởng, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn… Trường Cao đẳng Nghề Du lịch – Thương mại Nghệ An là cơ sở vừa đào tạo hệ chính quy, vừa học, vừa làm; liên kết đào tạo, đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học; đào tạo các bậc trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề. Hàng năm, trường có hơn 1.000 sinh viên ngành Du lịch, khách sạn tốt nghiệp.
 
Ngoài cung ứng cho Thị xã Cửa Lò, Thành phố Vinh, lực lượng lao động này còn phục vụ nhu cầu của các tỉnh khác như Cát Bà (Hải Phòng), Nha Trang… trong đó, khoảng 1/3 số lao động có việc làm ổn định, còn lại chỉ làm việc thời vụ. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An bắt đầu tuyển sinh chuyên ngành Du lịch thuộc Khoa Quản lý văn hóa từ năm học 2001 – 2002. Đây là cơ sở đầu tiên trên địa bàn tỉnh đào tạo trung cấp hệ chính quy về hướng dẫn viên du lịch, nhưng số lượng sinh viên đăng ký học ngày càng ít đi. Bắt đầu từ năm 2012, trường mở thêm chuyên ngành đào tạo nghề như quản trị kinh doanh, quản trị lữ hành, quản trị nhà hàng, hướng dẫn viên ngắn hạn… Với mô hình đào tạo ưu tiên cho thực hành nghề nhiều hơn (chiếm 2/3 thời gian đào tạo), chú trọng vào nghiệp vụ hướng dẫn, lữ hành, bàn, buồng, bar. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất của trường là cơ sở vật chất dành cho thực hành còn chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu thực tế. Khi cần, trường phải thuê theo giờ tại các khách sạn, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thực hành của sinh viên.
 
 
 
Chùa đảo Ngư. Ảnh: Đ.T
Chùa đảo Ngư. Ảnh: Đ.T
 
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Ảnh: Sỹ Minh
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Ảnh: S.M
Du lịch sông Giăng vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: S.M
Du lịch sông Giăng vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: S.M
 
 
Một bất cập nữa trong đào tạo du lịch tại Nghệ An là kỹ năng nghề của lao động sau đào tạo không đáp ứng được yêu cầu thực tế tại các cơ sở kinh doanh du lịch. Sinh viên trong các trường thường được đào tạo đa nghề, từ buồng, đến bàn, bar, bếp… nhưng không chuyên sâu một nghề nào. Ngoài ra, mỗi trường lại đào tạo nhân lực du lịch theo một giáo trình riêng, nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đầu ra. Phần lớn sinh viên ra trường đều thiếu kỹ năng cần thiết để có thể tiếp cận ngay vị trí công việc được giao. Ðiều này đang gây lãng phí về thời gian, kinh phí… cho cả doanh nghiệp, người học và cơ sở đào tạo.
 
Mối liên kết “3 nhà” 
 
Để giải quyết một cách đồng bộ những tồn tại, hạn chế trên, cần một giải pháp mang tính tổng hợp là tăng cường vai trò liên kết “3 nhà” là: Nhà nước (định hướng phát triển nguồn nhân lực, quản lý nhà nước trước hết cấp tỉnh và ngành Du lịch); nhà trường (cơ sở đào tạo) và nhà doanh nghiệp (hoạt động trong lĩnh vực du lịch). Mục tiêu chính của sự kiên đết đó là từng bước phát triển mô hình đào tạo theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng. Trên cơ sở tìm hiểu thực trạng hoạt động của ngành Du lịch Nghệ An thời gian qua và trong năm 2014 này, chúng tôi mạnh dạn đưa ra các góp ý sau:
 
Trước hết, “Nhà nước” cần xây dựng định hướng đúng, rõ ràng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng giai đoạn; tăng cường năng lực hoạch định chính sách, hình thành khung pháp lý và cơ chế cho phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành Du lịch. Đồng thời, chú trọng đến việc đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước; các cơ sở nhà nước về phát triển bền vững nhân lực chất lượng cao, nhà trường, các doanh nghiệp về đào tạo (gọi chung là nhà trường) và doanh nghiệp kinh doanh du lịch (nhà doanh nghiệp) trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch. 
 
Đối với “nhà trường”, cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển chuyên sâu đối với đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm và thực tế, đặc biệt là về lĩnh vực du lịch mà họ đang đảm trách dưới mọi hình thức trong nước cũng như nước ngoài. Hoàn thiện khung chương trình đào tạo với định hướng tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới kết hợp với phát triển các hình thức đào tạo, bồi dưỡng (đào tạo liên thông, sau đại học, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn,…). Thường xuyên tổ chức cho học viên tham quan tìm hiểu môi trường thực tế và tăng cường hợp tác, trao đổi với các dự án quốc tế trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, thực hành, thực tập của sinh viên ngành Du lịch, tránh tình trạng học “chay”, làm “mặn” như hiện nay. 
 
Cuối cùng, là “nhà doanh nghiệp du lịch” phải xây dựng cơ chế lương, thưởng linh hoạt để thu hút, giữ chân và phát huy vai trò nhân lực chất lượng cao làm việc tại doanh nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại thông qua việc liên kết với các nhà trường tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn (cử cán bộ đi học hoặc mời chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch) để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Có chính sách thích hợp nhằm tạo môi trường học tập thực tế cho sinh viên của các cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng) về du lịch trên địa bàn cũng như tích cực trong việc hợp tác với các cơ sở đào tạo nhằm hỗ trợ, tài trợ cho một số dự án đào tạo phát triển nhân lực du lịch tại cơ sở đào tạo. 
 
Để có được số lượng sinh viên ra trường có chung mặt bằng đào tạo, đảm bảo đáp ứng được công việc, ngành Du lịch nhất thiết phải đưa ra được các tiêu chuẩn kỹ năng nghề mang tính nền tảng cơ bản, phục vụ cho việc xây dựng tài liệu giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch cũng như căn cứ để huấn luyện, đánh giá kỹ năng và bậc nghề của công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Vừa qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã ban hành và giới thiệu Bộ “Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam” (gọi tắt là VTOS) do EU tài trợ. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho các trường bổ sung, hoàn chỉnh giáo trình giảng dạy, hay nói cách khác, các tiêu chí này sẽ làm kim chỉ nam giúp cho việc đào tạo nhân lực ngành Du lịch đi theo chuyên nghiệp, hiệu quả và từng bước hội nhập quốc tế. So với các tài liệu khác, tài liệu này hướng dẫn được những kỹ năng nghề, kỹ năng đào tạo cần thiết cho một số nghiệp vụ ngành Du lịch. Và nhờ áp dụng bộ hướng dẫn này, kết quả đầu ra của sinh viên một số trường đã đáp ứng được nhiều yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Nguyễn Mạnh Cường
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nghệ An
 
Một số hình ảnh các điểm du lịch ở Nghệ An:
Bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Đ.T
Bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Đ.T
 
Chùa đảo Ngư. Ảnh: Đ.T
Chùa đảo Ngư. Ảnh: Đ.T
 
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Ảnh: Sỹ Minh
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Ảnh: S.M
Du lịch sông Giăng vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: S.M
Du lịch sông Giăng vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: S.M