Khai mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII

Đăng ngày 07/05/2018


Hình ảnh tại phiên khai mạc.

NDĐT – Sáng 7-5, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII khai mạc tại Trụ sở T.Ư Đảng. Hội nghị tập trung thảo luận cho ý kiến về các nội dung: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Tổng Bí thư phân tích và gợi mở các vấn đề, nội dung, chương trình của Hội nghị để các đại biểu tập trung thảo luận và quyết định.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ

Về vấn đề này, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muốn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Từ trước đến nay, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao,…

Gần đây, việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nêu rõ, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Cơ cấu giữa các ngành, nghề, lĩnh vực chưa thật sự hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, các ngành; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành.

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,… chậm được ngăn chặn và đẩy lùi, v.v.

Tổng Bí thư cho biết, thực hiện Chương trình làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, từ tháng 5-2016, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án để thực hiện nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra, tiến hành tổng kết 20 năm (1997 – 2017) thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trên cơ sở đó xây dựng Đề án và Dự thảo Nghị quyết để trình Hội nghị T.Ư lần này.

Đề án và Dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng, biên tập, chỉnh sửa nhiều lần, lắng nghe ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư; tham vấn ý kiến của nhiều đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành, các nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học.

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí T.Ư và các đồng chí tham dự Hội nghị nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản và xuất phát từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được, phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây, mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, ở cấp nào?

Đồng thời phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế trong thời gian tới; xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ mới, bối cảnh mới, nhất là những yếu tố tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực đến cán bộ và công tác cán bộ.

Từ đó, đi sâu thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài và những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế đã nêu, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ? Khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cải cách tiền lương tạo đột phá trong chế độ phân phối và động lực cho người lao động

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư khẳng định, chính sách tiền lương là một bộ phận rất quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế – xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống của người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nước ta đã trải qua bốn lần cải cách chính sách tiền lương, vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003. Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng và lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương; tiền lương trong khu vực doanh nghiệp từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan quyết định, bằng nhiều văn bản quy định khác nhau, làm phát sinh nhiều bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ; chưa động viên được người có chuyên môn, nghiệp vụ, năng suất lao động cao, v.v.

Cho rằng đã đến lúc phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí T.Ư nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu sắc, toàn diện các nội dung, vấn đề nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo Nghị quyết của T.Ư. Chú ý đánh giá khách quan, khoa học về tình hình và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tiến hành cải cách lần này, thấy hết những khó khăn, thách thức cũng như thời cơ, thuận lợi mới.

Phải chăng, về thời cơ, thuận lợi, có thể kể đến: Thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới, tiềm lực kinh tế và ngân sách nhà nước, thu nhập và đời sống của nhân dân đã được cải thiện, nâng cao đáng kể; những kết quả tích cực, khá toàn diện của việc triển khai thực hiện các kết luận của Hội nghị T.Ư 5, T.Ư 7 khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ban hành và đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, coi đây là những tiền đề rất căn bản để cải cách tiền lương?

Từ đó, thống nhất nhận thức về sự cần thiết, cấp bách và tính khả thi của việc tiến hành cải cách chính sách tiền lương lần này; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung xem xét, quyết định những vấn đề mới, có tính cải cách, đặc biệt là các vấn đề Bộ Chính trị xin ý kiến T.Ư.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội

Tổng Bí thư nêu rõ, bảo hiểm xã hội, bao gồm các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp,… là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm về chính trị – kinh tế – xã hội; có lịch sử phát triển lâu dài trên thế giới, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và phản ánh trình độ phát triển, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở mỗi nước.

Trong nhiệm kỳ khóa XI, tại các Hội nghị lần thứ năm và thứ bảy, Ban Chấp hành T.Ư đã xem xét, ban hành các kết luận về vấn đề này cùng với vấn đề tiền lương và trợ cấp ưu đãi người có công.

Thực hiện Kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp các ban đảng và các cơ quan có liên quan tích cực tiến hành tổng kết lý luận và thực tiễn về phát triển bảo hiểm xã hội ở nước ta, nghiên cứu xây dựng Đề án trình T.Ư tại Hội nghị lần này với mong muốn ban hành được một nghị quyết chuyên đề của T.Ư để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực bảo hiểm xã hội ở Việt Nam thực sự trở thành một động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tổng Bí thư đề nghị T.Ư bám sát vào Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào thực tiễn triển khai thực hiện để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thống nhất nhận định về tình hình phát triển lĩnh vực bảo hiểm xã hội ở nước ta, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và đặc biệt là nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thành công, chưa thành công trong lĩnh vực này.

Phải chăng nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là do: Nhận thức, tư duy lý luận và thể chế về bảo hiểm xã hội còn chậm được đổi mới, hoàn thiện; hệ thống luật pháp, chính sách, bộ máy tổ chức, cán bộ đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; số lượng lao động làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động còn lớn, dựa chủ yếu vào tiết kiệm của bản thân và mạng lưới an sinh gia đình truyền thống trong khi thu nhập còn thấp, không ổn định, áp lực chi tiêu trước mắt còn lớn; xuất phát điểm còn thấp, sự phát triển của nền kinh tế và thu chi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn?…

Từ tổng kết thực tiễn và sự phân tích, dự báo một cách khoa học, với tầm nhìn xa tình hình phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân trong trung và dài hạn, T.Ư cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính bảo hiểm xã hội trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu… Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội, v.v.

Khẳng định Hội nghị T.Ư lần này diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII, trong bối cảnh sau hai năm rưỡi nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, tốt đẹp hơn cho sự nghiệp đổi mới, Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Dự kiến Hội nghị làm việc đến ngày 12-5.

BẮC VĂN – Ảnh: ANH TUẤN(nhandan.com.vn)