Hội thảo đánh giá hiện trạng và lựa chọn các sản phẩm để phát triển thành sản phẩm OCOP

Đăng ngày 03/11/2022

Sáng ngày 3/11, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND thị xã; Võ Văn Lý – Trưởng phòng kinh tế thị xã, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức hội thảo đánh giá hiện trạng, tiềm năng và lựa chọn các sản phẩm để phát triển thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Quý Hiếu – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An; Đại diện Chi cục phát triển nông thôn tỉnh; Đại diện các phòng ban; các phường; Đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao. Thời gian qua, UBND thị xã đã phối hợp hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường; Tổ chức cho các chủ thể tham gia, trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến, quảng bá và mở các điểm trưng bày, bán tại dọc đường Bình Minh. Nhìn chung, phần lớn cơ sở sản xuất sau khi có sản phẩm OCOP đều tăng quy mô về diện tích, mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc, dụng cụ sản xuất, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm vì thế nên sản lượng, doanh thu tăng rõ rệt, bình quân từ 20 – 45%/năm.

Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến xoanh quanh những khó khăn trong công tác tiêu thụ và tìm đầu ra cho sản phẩm và một số kiến nghị đề xuất tìm giải pháp thiết thực hiệu quả nhất để nâng tầm thương hiệu OCOP. Hội thảo cũng đưa ra những sản phẩm tiềm năng để lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP mới như tôm nõn, chả cá Thu, mực 1 nắng, Trứng gà và các sản phẩm từ trồng trọt và đặc biệt là du lịch cộng đồng (lựa chọn làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1, phường Nghi Hải) để thu hút du khách tham quan và trải nghiệm sản phẩm.

Khẳng định muốn tìm được thị trường thì chất lượng phải tiên phong, mẫu mã phải đẹp mắt, phát triển các sản phẩm OCOP phải gắn với việc giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hoá địa phương, bảo đảm vệ sinh môi trường và công tác an sinh xã hội. Điều này cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ hợp tác; tạo các combo dịch vụ mới lạ, hấp dẫn để thu hút khách đến với cơ sở sản xuất, các làng nghề.

Thị xã Cửa Lò cũng đã có nhiều kiến nghị cần sự hỗ trợ của tỉnh trong đó các sản phẩm tiềm năng chất lượng Cửa Lò cần có một cánh tay chắp nối để vươn xa hơn vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài

                                                Nguyễn Hương – Duy Quý