Đi về phía biển

Đăng ngày 23/03/2014

 

divephiabien

Có lẽ thuở ấy, cũng như bao nhiêu vùng biển khác trên đất nước ta, Cửa Lò chỉ là một chấm nhỏ trên dải cát chữ S nghiêng bên biển Đông với làng chài nghèo, những tấm lưng trần đàn ông sạm trong gió nắng, những ngọn đèn đêm của bao người đàn bà chờ chồng trở về sau chuyến ra khơi để mai sớm xôn xao gánh gồng chợ phiên. Cái tên không đẹp, không phải dành cho sự mộng mơ, chỉ giản dị như lô xô những dãy thuyền thúng úp mặt lên cát ướt. Vậy nhưng lại gợi tò mò cho bao người khi một lần đến với nơi này.

Có rất nhiều cách lý giải, với những chứng cớ khoa học về địa lý, ngôn ngữ… nào mang nghĩa là cửa gió lùa, rồi cách gọi chệch âm, hay bắt nguồn từ danh từ gốc “kuala”…, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn muốn tin vào một cách lý giải dân dã hơn về tên gọi của Cửa Lò: cư dân vùng biển xưa có nghề nấu muối, ánh lửa đỏ tỏa rạng từ những lò nấu muối đắp cao trong đêm đen đã làm thành chùm đèn hải đăng cho tàu thuyền ra vào sông Cấm, và từ tên gọi “cửa lò muối” đã trở thành “Cửa Lò”.

Tôi cũng không biết đến Cửa Lò trong những tháng năm sôi động, làm bãi đáp của hàng “secondhand”, từ một vùng biển nghèo thưa vắng bỗng nhộn nhịp những chuyến hàng Nam – Bắc ở thập niên 90 thế kỷ trước. Anh bạn tên Sơn, đã có nhiều năm “đánh” hàng điện tử nội địa Cửa Lò mỉm cười khi nghe tôi hỏi chuyện thời ấy: Ừ, thời ấy, Cửa Lò “nổi tiếng” không phải vì du lịch, mà là “chợ điện tử”, nơi “hàng bãi” tỏa đi khắp cả nước. Tất cả các xe khách chạy Nam- Bắc hàng ngày, mỗi xe thể nào chả có từ 2-4 cái màn hình tivi, 5-6 cái đầu video chạy điện 110V. Nhà nhà dùng hàng bãi, nên có một đội quân, khá nhiều người Nghệ “săn hàng” ở các bãi rác điện tử bên Nhật, tập kết, chờ tàu đưa về. Cư dân Cửa Lò có nhiều người chuyển sang buôn hàng bãi.

Cái thuở ấy, cũng chưa xa, Cửa Lò chưa có đường Sào Nam, Bình Minh…, mà chỉ là con đường nhỏ ngoằn ngoèo men theo bờ biển, giữa rừng phi lao xao xác gió. Quán xá thưa vắng, chỉ lác đác vài cái khách sạn đìu hiu… Người dân xuống biển, chưa có tâm lý đi du lịch, thăm thú, mà chỉ mới giỡn nước ngại ngần. Mới biết hơn 20 năm qua, Cửa Lò đã kịp khác nhiều quá…

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác tiếc nuối vô cùng khi lần đầu đến với Cửa Lò, chứng kiến người ta đốn hạ rừng phi lao trên bãi cát hoang sơ để mở đường về với biển, tìm hướng đi từ du lịch. Vậy mà bây giờ đã biết mừng vui khi đi trên đường lớn thênh thênh gió, ngắm những hàng cây đủ sắc giờ đã vươn cao, và bước chân của người bốn phương nhộn nhịp những mùa hè. Mới biết, cảm xúc cũng thật khôn cùng… Nhưng cái điều cứ muốn về với biển, muốn đứng trước biển thì vẫn không thay đổi. Đâu chỉ riêng tôi, mà trong rất nhiều người, mỗi khi vui, buồn…

Là những bình minh, muốn thức dậy thật sớm chờ xem mặt trời nhô lên từ biển. Chân trần, cát mịn, gió còn mang hơi lành lạnh, và sóng đang rất dịu dàng. Những bình minh ấy có những người đàn ông, dường như xa lạ với chính những đổi thay trên quê hương, cũng có thể thư thái đến độ không để ý đến một thị xã ồn ã hàng ngày, vẫn miệt mài xếp đồ nghề đi biển sau một đêm thức cùng mắt lưới. Có người đàn bà còng lưng trên bãi cát cào nghêu, cái cào sắt vẽ lên cát những khuông nhạc chạy dài, uốn lượn…

Là những chiều êm ả, khi chớm hè, vừa mới có nắng lên, bãi biển còn thưa thớt người, cùng người bạn tâm giao yên lặng ngồi duỗi dài chân trên ghế bố trong vô vàn quán hàng sát biển, nhìn ra trùng khơi. Những lúc ấy, những đóa cúc biển kia cũng như nở vì hai người, đến cây dừa trồng trước quán cũng như để trồng riêng cho hai người. Chỉ kịp cãi nhau về một loài chim cánh trắng bay lấp lóa trong nắng, chỉ kịp kể về niềm tưởng tượng trên con tàu sơn trắng ngoài kia chở một giấc mơ biển cả ngày thơ bé, là vội vã về phố. ấy vậy nhưng buổi chiều đã lung linh hơn, khi bỏ quên những bận rộn, cáu gắt thường nhật…

Là những đêm, một mình tách ra khỏi đông đúc, chân bước xuống tới gần mép nước.

Nhìn những con sóng đuổi nhau, cùng vỡ òa trong niềm vui hội ngộ. Tiếng reo trắng xóa ập vào bờ bãi. Trên cao kia, nơi mênh mang xanh thẫm, có mảnh trăng lưỡi liềm cô lẻ. Cũng như mình, đối diện với cả một mặt biển ồn ã nhưng cũng vô chừng dịu êm. Thế rồi, chính mình cũng vỡ òa trước biển, không phải như niềm vui con sóng, mà là biết bao chất chứa. Hét lên thật to, để gió, để sóng nhòa đi tất thảy. Hình như đã tan chút gì trong bao la… Ngoài khơi xa, có những ngọn đèn câu mực nhấp nháy như sao sa bỗng nhòe đi trong đôi mắt ướt…

Không chỉ nắng, không chỉ hè, mà biển mùa đông cũng có nét hay riêng. Những quán hàng chơ vơ với những tấm biển gẫy gục trong gió lạnh. Chỉ mấy tháng trước thôi, còn đông vui, náo nhiệt là thế? Sóng thì ầm ào. Vẫn âm thanh đó, mà bây giờ như thấy được chiều sâu lòng biển. Có lẽ, cũng như con người vậy, chiều sâu nội tâm của một người chỉ đo được khi người ta cô độc, đối diện với sự ghẻ lạnh, mất mát? Không còn nữa phù hoa, giả dối, không còn nữa náo nhiệt, tung hô…

Tôi đã đến với biển như thế, có khi chỉ đơn thuần sau một ngày mệt mỏi muốn ngửi chút hương biển thanh thản sau cái mặn mòi. Như một thói quen khó cưỡng của khá nhiều dân công sở ở Vinh, sau một ngày nắng bơ phờ, rủ nhau: Đi về phía biển? Có khi để sẻ chia cùng sóng gió những sóng gió trong mình. Có khi chỉ để tìm giấc mơ con tàu trắng…

Như bao người đã đến, đã đi và trở lại. Trở lại, có thể vì biển, vì bãi cát, rừng phi lao, vì những bình minh, những chiều hôm muốn nghe tiếng sóng, nhưng có thể lắm đã vì một chiếu tẩm quất giác hơi của cậu bé nghèo tranh thủ xuống bãi sau giờ lên lớp, có thể vì tiếng hát đôi vợ chồng mù cất lên giữa hỗn tạp thanh âm, vì nỗi tò mò một chuyến câu mực đêm… Đã đôi lúc muốn cất lời trách cứ cái vẻ lóng ngóng, bất cẩn của cô bé phục vụ nơi một quán hàng mình ghé, nhưng rồi nhìn xuống bỗng thấy thương hơn đôi bàn tay hôm qua vừa mới rời tấm lưới vá, chưa kịp quen với ồn ã, chưa kịp quen những “chiến lược kinh doanh”, quảng cáo và tiếp thị… Thì thử một lần bao dung như biển, ôm chứa tất thảy mọi nỗi vui, buồn

Tôi có lời hẹn với một người lính đảo, rằng một ngày không xa sẽ tới đảo của anh, không, đảo của chúng ta chứ, nơi chỉ cách bãi biển xinh đẹp và đông đúc này khoảng nửa giờ tới một tiếng rưỡi tàu chạy từ Lan Châu. Thôi thì cứ biện minh bởi những cơn say sóng mà lỡ hẹn với Đảo Mắt, Song Ngư, để luôn thấy trong mình mắc nợ một ân tình, để mỗi lần đi về phía biển, sải chân trên cát, mắt lại khắc khoải hướng về nơi ấy, để những bí ẩn, kỳ vĩ vẫn đang gọi ở xa kia, những con sóng bạc đầu…

Theo: Thùy Vinh