Đền Diên Nhất

Đăng ngày 24/03/2014

Phường Nghi Hương, phía Bắc giáp P. Nghi Thu, phía Nam giáp P. Nghi Hòa, phía Tây giáp xã Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc), phía Đông là bãi tắm Cửa Lò, trước Cách mạng tháng 8 thuộc xã Hiếu Hạp, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, năm 1953 được thành lập gồm các làng: Văn Trung, Đông Quan, Thiêm Lộc, Kim Ổ. Vào thế kỷ XV, vùng đất này là đất hoang mà triều đình vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) phong cho Huyện hầu Nguyễn Xí, từ đó ông và con trai đầu là Nguyễn Sư Hồi đã có công chiêu dân khai khẩn đất hoang, lấn biển, lập ra các làng xã, nay thuộc thị xã Cửa Lò. Các họ triệu cơ đến đây lập làng Đông Quan, Văn Trung có: họ Nguyễn Đình (từ con trai cả Nguyễn Xí là Phò mã Nguyễn Sư Hồi, quan Trấn thủ Thập nhị Hải môn); họ Hoàng (ông tổ là Hoàng Bá Trọng và Hoàng Bá Mỹ từ Thu Lũng sang); họ Trần (ông tổ là di duệ của Trần Nguyên Hãn từ Yên Thành đến); họ Phùng (làng Thiêm Lộc và Thu Lũng, ông tổ là Đô đốc Phùng Phúc Kiều)…

Họ Hoàng vùng Nghi Lộc, Cửa Lò là di duệ của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn nguyên gốc ở làng Vạn Phần, huyện Diễn Châu. Con của ông là Hoàng Khánh về lập nghiệp ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) lấy vợ họ Hồ, sinh ra 8 người con trai. Con trai thứ 8 của Hoàng Khánh là Hoàng Tử Nhàn di cư về làng Vạn Lộc (phường Nghi Tân, Cửa Lò) lập nghiệp và là tổ họ Hoàng vùng này. Họ Hoàng có nhiều nhân vật nổi tiếng có công với đất nước như: Hoàng Nguyên Lễ – Chánh Ngự y, Phó sứ sang nhà Thanh; Hoàng Văn Cư – đậu Phó bảng, làm quan Đốc học Nghệ An; Hoàng Văn Tâm – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc năm 1930…

Bà Hoàng Thị Lê ở Văn Trung lúc còn trẻ là một cô gái vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang việc nội trợ. Bà đã lọt vào mắt của vua Lê Chân Tông trong một lần nhà vua hành quân đi đánh chúa Nguyễn, dừng nghỉ chân ở bãi biển Cửa Lò và trở thành hoàng hậu của vua Lê Chân Tông (1643-1649). Sau khi nhà vua mất, bà xin về quê tổ chức giúp dân mở mang, phát triển nghề đi biển và nông trang, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… Bà đã dùng tiền nạp thuế điền thổ mà triều đình cấp cho bà là đất Thượng Cầu Ngã, Hạ Bồi Mao, Bắc Lan Châu, Nam Đá Dựng… để làm việc thiện cứu giúp dân nghèo, xây dựng đền miếu, chùa chiền và các việc công ích khác trong làng, trong vùng. Do đó, sau khi mất (1690), bà được dân tôn thờ tại đền Diên Nhất (Văn Trung), mặt trước cổng chính của đền có ghi đôi câu đối cổ:

“Thượng Cầu Ngã, Hạ Bồi Mao, chiếu chỉ Lê Triều sáng nghiệp

Bắc Lan Châu, Nam Lập Thạch, thần dân Đông Bái yên cư”.

Di duệ của bà về sau có nhiều người làm quan như ông Hoàng Khắc Giòng được triều đình tin dùng, là Tổng Thái Giám dưới thời vua Lê Cảnh Hưng, cũng làm việc thiện trong vùng quê nhà nên được thờ làm Hậu thần, được khắc bia đá ghi công ơn ở đền Thu Lũng (Nghi Thu).

Đền Diên Nhất được xây dựng từ thế kỷ XVII, là ngôi đền duy nhất trong 8 đền, miếu, đình của P.Nghi Hương còn lại cho đến ngày nay và là nơi hợp tự thờ các thần phật chung của xã. Nghi Hương trước đây có các đền, đình, miếu: đình Văn Trung 5 gian ở xóm Ngọc Đình, do cụ Hoàng giáp người Diễn Châu lấy hướng; đền thờ thần Cao Sơn Cao Các ở Văn Trung, còn gọi là đền Thánh Cả; đền thờ Cao Sơn Cao Các ở Đông quan còn gọi là Cao Sơn Cồn Chói (ở cồn có nhiều cây Chói), gồm 3 tòa, mỗi tòa 3 gian bằng gỗ lim và do thợ ở Thu Lũng (chỉ huy là cụ Bờng) làm, được chạm trổ đầu rồng, phượng ngậm thư mỹ thuật, với nhiều tượng voi ngựa đặt trước đền; miếu xóm Đông Bái (làng Văn Trung) thờ Bảo Cảnh anh linh; miếu xóm Vĩnh Tường thờ Họ Cảnh Thành hoàng; miếu xóm Ngọc Đình thờ Bản Cảnh Cao Sơn Trung Túc; miếu xóm Tây Bèo thờ Đương Cảnh Lý Vực, Trung tín chính trực, Trung đẳng thần… Đền còn lưu các đại tự: Anh linh tại, Bản Cảnh Thành hoàng, Đức kỳ thịnh và một số đôi câu đối, tiêu biểu như:

“Nghi trượng bảo lưu linh tự cổ;

Miếu từ tu tạo hiển như sơ”.

Tạm dịch nghĩa:

Nghi trượng còn bảo lưu được dấu thiêng từ xưa;

Đền miếu tu tạo lại hiển linh như buổi đầu.

“Cổ kim hữu đức năng tỷ phúc;

Thượng hạ vô tư khả đạt thiên”.

Tạm dịch:

Xưa nay có nhân đức mới được hưởng nhiều phúc;

Trên dưới nếu vô tư sẽ cầu thấu tới trời.

Đền Diên Nhất thờ chính bà Hoàng hậu Hoàng Thị Lê gồm 3 tòa tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng, rộng 4.000m2, quay mặt về hướng Nam. Hai cột cổng (hoa biểu) của đền đồ sộ, liên kết một mạch với bức tường bọc ở hai bên có đắp nổi voi, ngựa, tượng quan văn, quan võ. Trước đây có các tượng voi, ngựa, phượng bằng đá chầu ngay hai bên trước cửa đền. Qua cổng là hồ nước hình vuông, có non bộ và đài phun nước; tiếp đến là tòa tháp có đặt lò hương trước khi vào tòa trung điện 3 gian. Thượng điện có thờ 13 bức tượng thần phật, nổi lên ở giữa và phía trước là tượng bà Hoàng hậu Hoàng Thị Lê thếp vàng, được tạc theo phong cách mỹ thuật triều Lê, khuôn mặt đẹp, đoan trang, với mắt phượng, mày ngài, môi son, đầu đội vương miện… Hai bên xà gian thờ chính có đôi Thanh xà và Bạch xà cuộn chầu hai bên. Nhà bái đường và tả vu, hữu vu dự định sẽ được xây dựng lại hoành tráng với sự đóng góp của các doanh nhân và nhân dân địa phương.

Làng Văn Trung cứ 3 năm tổ chức rước kiệu thần 1 lần. Lễ rất lớn và thu hút nhiều người dân trong vùng tham gia, thường là lễ kỳ yên (cầu yên và cầu được mùa làm ăn)… Nghi lễ rước thần từ các đền miếu trong vùng theo chiếu chỉ triều đình ban đất cho bà Hoàng hậu từ phía trên là Cầu Ngô của làng Long Trảo (nay thuộc xã Nghi Khánh), phía dưới là đất bồi bãi biển, phía Bắc giáp với đảo Lan Châu (nay thuộc phường Thu Thủy), phía Nam là núi đá dựng (nay thuộc xã Nghi Thạch và xã Nghi Xuân). Ngày rằm và 30 âm lịch hàng tháng, dân làng lại đến đây dâng hương hoa. Vào ngày 7 tháng giêng, mọi nhà lại đưa bánh trái, oản, hoa quả, trầu cau đến lễ, gọi là lễ Khai hạ đầu năm để cầu cho mọi nhà được yên vui, làm ăn thịnh vượng, quốc thái dân an… Lễ rước đông vui nhộn nhịp, với cờ lọng, kiệu hoa, có múa lân, nhạc cổ…, kiệu bát cống với hai ngựa đặt trên hai xe, về đến đình làng, tổ chức yến lão, rồi hát xướng 3 ngày 3 đêm, diễn chèo Quỳnh Tương và diễn các tuồng Trưng Trắc – Trưng Nhị, Kiều… Sau phần lễ rước, làng thường tổ chức hội đánh vật, cướp cù rất vui và sôi nổi, có khi thi đấu với các làng khác trong vùng…

Ngôi đền đã cùng với dân làng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Đặc biệt trong giai đoạn Đảng ta hoạt động bí mật, đền là nơi tổ chức các cuộc họp của tổ chức cách mạng, có sự tham gia của các đảng viên, như đồng chí Hoàng Văn Đường (tức ông Lạng) là đảng viên 1930, ông Nguyễn Bá Ngôn và Nguyễn Đình Mưu… (về sau, ông Mưu bị Pháp bắt và xử bắn, ông Ngôn bị đi đày và mất tích, còn ông Đường bị đày đi Kon Tum). Thời kỳ Cách mạng tháng 8/1945, đền là nơi tập luyện của dân quân, du kích (do ông Võ Văn Quảng chỉ huy). Cũng tại đây, Phân đoàn Cứu quốc mang tên danh nhân Bùi Ích Duệ đã ra đời do ông Đặng Văn Khính làm Phân đoàn trưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi đền Hạ được di dời đi nơi khác làm lớp học cho học sinh, còn đền Thượng trở thành kho vũ khí của Xã đội xã Nghi Hương. Đến năm 1994, nhân dân trong vùng đã góp công của tu bổ, tôn tạo lại để phục vụ cho việc cầu cúng tâm linh. Đền còn lưu đôi câu đối:

“Thần chi vi đức kỳ thịnh;

Dân giả trực đạo nhi hành”.

Tạm dịch:

Thần là làm đức nên phát thịnh;

Dân theo đường thẳng mà cùng đi.

Đền Diên Nhất, phường Nghi Hương linh thiêng từ xưa cho đến nay, do đó nhân dân vùng Cửa Lò, nhất là dân làm nghề biển vẫn ngày ngày đến đây dâng hương hoa cầu xin thần phù hộ cho làm ăn được yên lành, đánh bắt được nhiều hải sản… Vào đầu năm, nhiều người cũng đến dâng hương, xin lộc và đóng góp tiền của để tu bổ lại đền cho khang trang, đẹp đẽ hơn. Đền Diên Nhất chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi về với bãi tắm du lịch Cửa Lò./.

Theo: Đào Tam Tỉnh