Theo thông tin do trạm Thú y Thị xã Cửa Lò cung cấp, tính đến thời điểm 14/3/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu phi đã xẩy ra tại hơn 220 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Sơn La và Nghệ An.Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên tới 23.500 con, dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan và diễn biến rất phức tạp.
Số liệu thống kê gần nhất cho biết, hiện nay thị xã Cửa Lò có tổng đàn lợn là 2.095 con. Mặc dù là địa phương chưa có dịch bệnh, nhưng để kịp thời ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND Thị xã Cửa Lò đã ban hành Chỉ thị số 04/CT- UBND ngày 26/02/2019 về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống và ngăn chặn xâm nhiểm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn thị xã Cửa Lò và Kế hoạch số 31/KH- UBND ngày 28/ 02/2019 về hành động ứng phó khẩn cấp với Dịch tả lợn Châu Phi xuống 7 phường trên địa bàn. Chỉ đạo Trạm thú y thị xã kịp thời có những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan rất nhanh trên loài lợn ( gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã ); bệnh xẩy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến 100% . Vi rút gây ra dịch tả lợn Châu Phi có sức đề khang cao trong mọi môi trường; Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, do vậy nếu dịch bệnh xẩy ra rất khó cỏ thể loại trừ mầm bệnh. Vi rút mang bệnh sẽ tồn tại trong môi trường chăn nuôi rất nhiều năm. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và xử lý kịp thời triệt để ngay từ khi dịch chưa lây và còn ở phạm vi nhỏ.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh đó là: Lợn không ăn, lười vận động, ủ rủ, nằm chồng đống, có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong; Da trắng chuyển sang màu đỏ; Xuất huyết vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có màu xanh tím; Hạch màng treo ruột xuất huyết, lá lách sưng to, màu đen do nhồi huyết; nhiều nước trong khoang bụng; Máu ứ đọng trong tim, lợn sẽ chết nhanh chóng sau khi nhiễm bệnh.
Biện pháp phòng bệnh:Bà con chăn nuôi lợn cần quét dọn vệ sinh cơ giới sạch sẽ, khử trùng chuồng trại dụng cụ chăn nuôi bằng hóa chất như: dùng vôi bột, chlorine, Benkocid; Con giống đưa vào chăn nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; Tuyệt đối không mua con giống nhỏ lẽ, không rõ nguồn gốc; Thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh; Phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm lợn phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Hiện nay, Trạm thú y thị xã Cửa Lò đang phân bổ 300 lít hóa chất Benkocid cho các phường để các phường sẻ triển khai phun độc, khử trùng tại các vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao như các chợ trên địa bàn, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các hộ chăn nuôi.
Ảnh minh họa, nguồn : Báo Nghệ An
Để phòng chống hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi, người chăn nuôi ở Cửa Lò cần thực hiện nghiêm các biện pháp sau: Không dấu dịch; Khi có lợn ốm, chết hoặc có triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cần báo ngay cho các cơ quan chức năng như khối trưởng, thú y phường để kiểm tra, xử lý; Không điều trị lợn ốm nghi mắc bệnh dịch tả lợn; Không mua, bán, giết thịt, ăn thịt lợn bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh, hoặc không rõ nguồn gốc; Không vứt bừa bãi lợn ốm chết ra môi trường xung quanh (nếu có); Không cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín; Tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp lợn ốm không rõ nguyên nhân.
Nhằm giảm thiểu những thiệt hại to lớn về kinh tế do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng như ý thức tự giác cao của bà con nhân dân trong việc phòng và chống dịch bệnh này, góp phần vào mục tiêu ngăn chặn và giữ an toàn cho đàn lợn trên địa bàn thị xã Cửa Lò./.
Phan Thành