Nghệ An: Không ứ đọng sản phẩm OCOP

Đăng ngày 11/01/2022

Mặc dù bị tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Nghệ An vẫn tập trung vào vụ sản xuất Tết. Không chỉ gói gọn ở thị trường trong tỉnh mà những mặt hàng này còn cung ứng cho các tỉnh thành khắp cả nước và xuất khẩu sang cả Lào, Campuchia và Thái Lan.

Hợp tác xã làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 là một trong số sản phẩm đặc trưng của Nghệ An đã nổi tiếng gần xa và quen thuộc với người tiêu dùng trong nước. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến sản lượng tiêu thụ sụt giảm nhiều. Theo người dân làng nghề, thời điểm cuối năm, hàng hóa lưu thông tốt hơn, thị trường hàng hoá ấm dần lên nên người dân làng nghề rất phấn khởi. Để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, 2 tháng trước Tết hoạt động sản xuất đã bắt đầu sôi động trở lại, sẵn sàng phục vụ cho mùa tiêu dùng lớn nhất trong năm.

Người dân làng nghề nước mắm Hải Giang 1 kiểm tra sản phẩm nước mắm hạ thổ chuẩn bị cung cấp cho thị trường Tết.

Theo ông Hoàng Đức Thương – Ban quản lý làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 (TX Cửa Lò), vốn là sản phẩm truyền thống của địa phương nên vào dịp cuối năm, lễ tết nhu cầu của thị trường làm quà biếu và sử dụng tăng cao. Từ khi được công nhận sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2021, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài nguyên liệu tươi, ngon, người dân làng nghề đã chuyển đổi từ ủ chượp trong bể xi măng sang các chum sành; công nghệ đóng gói cũng được thay thế bằng dây chuyền hiện đại; chai lọ đựng nước mắm bằng nhựa được thay thế bằng thủy tinh. Để đáp ứng nhu cầu làm quà biếu dịp Tết, các hộ sản xuất đưa ra nhiều mẫu mã như thùng quà tặng 5 lít, 10 lít hay giỏ quà 1 lít, 2 lít… đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Trước đây, những hộ dân trong làng chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu bán cho khách thân quen. Hợp tác xã làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 thành lập từ năm 2000 đã thu hút 84 hộ tham gia, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động, chỉ tính riêng năm 2020 thu nhập bình quân người lao động đạt 72 triệu đồng/người/năm, sản phẩm của làng nghề được tham gia ở nhiều hội chợ, đối tượng khách hàng mở rộng hơn…

Cùng với sản phẩm nước mắm Hải Giang 1 của Hợp tác xã làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1, TX Cửa Lò còn có thêm 2 sản phẩm nước mắm Tân Hội của Công ty CP Chế biến thủy sản và dịch vụ Cửa Hội và nước mắm Ngư Hải của Hợp tác xã dịch vụ Sông Lam đều đạt sản phẩm OCOP vào năm 2021.

 

Các cơ sở sản xuất nước mắm đang đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ cho các đơn hàng Tết

Vụ sản xuất Tết năm nay bắt đầu muộn hơn so với những năm trước, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tại TX Cửa Lò sẵn sàng nguyên liệu để tăng sản lượng khi hàng hóa Tết chuẩn bị lên kệ phục vụ người tiêu dùng. Dự kiến năm nay, sức mua tại chỗ sẽ không tăng, nên thời điểm này các cơ sở đang tập trung cho đơn hàng đi các tỉnh, thành và xuất khẩu.

Sản phẩm đặc sản vỏ bánh ram (bánh đa nem) với thương hiệu Kiu Kiu của cơ sở sản xuất bánh đa Lương Sơn, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, đã trở thành mặt hàng nổi tiếng và được tiêu thụ trên thị trường cả nước. Theo chị Hoàng Thị Phương (sinh năm 1991), từ năm 2018 chị đã mở xưởng sản xuất vỏ bánh ram phơi sương, nguồn nguyên liệu được làm từ chính thứ gạo thơm ngon của đồng ruộng quê nhà.

Theo chị Hoàng Thị Phương, dịp áp Tết, mỗi ngày cơ sở đỏ lửa từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối để có đủ lượng hàng phục vụ cho nhu cầu khách đặt, thời điểm này làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mỗi ngày từ 200 – 300kg gạo, ngày thường cơ sở sử dụng trên 10 thợ làm bánh, còn dịp này phải thuê thêm ít nhất 5 nhân công thời vụ và cho ra thị trường hàng trăm ngàn chiếc bánh các loại. Sản phẩm vỏ bánh ram Kiu Kiu là 1 trong 5 sản phẩm đầu tiên của huyện Đô Lương đạt OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Chị Hoàng Thị Phương cho biết thêm: “Sản phẩm của chúng tôi hiện đang bán và phân phối tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hải Dương, Quảng Ninh… Sản phẩm có khác biệt với các dòng sản phẩm khác đó là lá bánh rất dẻo, mềm, dai, dễ cuốn, khi chiên lên rất giòn. Đây là mùa vụ lớn nhất trong năm nên cơ sở phải chuẩn bị nguyên liệu cách đây từ 3 tháng, đến giờ cơ sở phải làm thêm cả ban đêm mới kịp hàng Tết”.

Để đáp ứng các đơn hàng đã đặt cho dịp Tết, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch hàng năm làng nghề làm hương trầm Tết Quỳ Châu tất bật làm ngày đêm cho vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Chị Trần Thị Loan – người làm hương lâu năm ở Quỳ Châu hào hứng nói, hương trầm Hà Loan đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và phấn đấu đạt 4 sao trong năm 2022. Năm nay gia đình làm hơn 5 triệu cây hương, cho doanh thu gần 2 tỷ đồng.

Để đáp ứng các đơn hàng đã đặt cho dịp Tết, cơ sở phải thêm công nhân thời vụ, hàng chục công nhân của cơ sở đang hối hả làm việc cả ngày lẫn đêm, trung bình mỗi ngày được trả công từ 250.000-300.000 đồng/người.

 

Mùa hương trầm được bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến giáp Tết, mỗi năm tại huyện Quỳ Châu có hơn 50 triệu que hương được sản xuất, cho doanh thu trên 20 tỷ đồng.

“Hương trầm Quỳ Châu được làm 100% những nguyên liệu tự nhiên đặc biệt gồm trầm hương, rễ trầm, nụ hồi, đinh hương, cam thảo, quế… Công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, làm chân hương và trộn bột hương cần nhiều sự khéo léo và chính xác nhất để tạo ra nét đặc trưng của hương trầm Quỳ Châu. Chân hương được làm từ những cây nứa có ở trong rừng, khi chọn cần phải lấy những mầm nứa vừa mới ra lá như đuôi én, không được non quá, cũng không được già quá. Sau khi lấy về, người ta sẽ ngâm trong nước khoảng 2 tháng, rồi phơi khô và chẻ nhỏ để tạo thành chu hương… nghề này nhìn thì đơn giản, nhưng thật ra rất công phu”, chị Trần Thị Loan nói.

Thị trấn Tân Lạc Huyện Quỳ Châu, hiện còn khoảng trên 200 hộ làm hương trầm Tết truyền thống. Sản phẩm của làng nghề đã vươn xa khỏi địa phương, được khách thập phương ưa chuộng nhờ cách làm mộc truyền thống và có mùi hương đặc trưng không thể lẫn. Làng nghề làm được hơn 50 triệu cây mỗi vụ, cho doanh thu trên 20 tỷ đồng.

Ông Lô Văn Thế, Trưởng phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Quỳ Châu – cho biết, những năm qua, hương trầm là sản phẩm chủ lực của huyện, mang lại giá trị kinh tế cao và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Để thương hiệu trầm hương Quỳ Châu lan tỏa và vươn xa, huyện Quỳ Châu đã triển khai nhiều nội dung để phát triển sản phẩm hương trầm theo chuỗi giá trị như tập trung nghiên cứu tạo giống cây, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức cho các làng nghề, hộ sản xuất tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng sản phẩm hương gồm hương vòng, hương thẻ, hương nụ…

Nghệ An hiện có 113 sản phẩm OCOP được sản xuất từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương theo công thức truyền thống. Thời gian này, ngành Công Thương và địa phương tiếp tục hỗ trợ quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường cho sản phẩm đặc trưng Nghệ An. Mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai và biến động của thị trường nhưng mỗi độ giáp Tết, các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống vẫn tất bật để đưa đặc sản của địa phương đến người tiêu dùng. Giữ hương vị đặc sản vùng miền để ngày Tết thêm đầm ấm.

Hoàng Trinh