Nghệ An: Xuất khẩu tăng kỷ lục đạt mức 74,7% trong bối cảnh dịch COVID-19

Đăng ngày 11/01/2022

Vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, chỉ riêng năm 2021, tỉnh Nghệ An đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2,097 tỷ USD, vượt 130,4% so với kế hoạch và tăng 74,7% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay và trở thành điểm sáng của kinh tế địa phương.

Vượt nhiều chỉ tiêu

Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay các mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Trong 2021, tỉnh Nghệ An đã đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 3,36 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,097 tỷ USD, tăng 74,7% so với năm 2020, vượt 130,4% kế hoạch. Đây cũng là năm tỉnh Nghệ An đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất so với từ trước đến nay.

Năm 2021, xuất nhập khẩu của Nghệ An đạt trên 3,36 tỷ USD
Năm 2021, xuất nhập khẩu của Nghệ An đạt trên 3,36 tỷ USD

Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, rõ rệt nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến như: Linh kiện điện thoại tăng trưởng đột biến gấp 17 lần so với năm 2020; Vật liệu xây dựng tăng 87%; Hàng dệt may tăng 34,9%; Hạt phụ gia nhựa tăng 39%; Xơ sợi dệt các loại đạt tăng 75,7%; Bột đá vôi trắng siêu mịn tăng 19,3%; Đá ốp lát tăng 76,4%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản cũng tăng trưởng mạnh, như thủy sản tăng 170%; tinh bột sắn tăng 113,5%; lạc nhân tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, do tận dụng hiệu quả từ các hiệp định FTA mang lại, hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đã vươn tới 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc đạt 495 triệu USD, chiếm khoảng 23,6% tổng kim ngạch, tiếp đến là Hồng Kông đạt 268 triệu USD (chiếm 12,8%), Hàn Quốc đạt 231 triệu USD (chiếm 11%), Hoa Kỳ đạt 186,6 triệu USD (chiếm 11%), thị trường các nước Châu Âu đạt 347 triệu USD (chiếm 16,5%)….

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu năm 2021 dự ước đạt 950,2 triệu USD, tăng 13,09% so với năm 2020. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện thoại, xăng dầu, máy móc, thiết bị, thép các loại, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khác,… Hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng nhờ sự mở rộng của các lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Phạm Văn Hoá- Giám đốc Sở Công Thương nhận định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn với doanh nghiệp do tác động nặng nề của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình, hoãn, chậm trả, thậm chí dừng, hủy đơn hàng. Thế nhưng kết quả từ xuất khẩu trong năm qua đầy bất ngờ, kết quả đạt được vượt mức kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp bởi năm vừa qua, cùng với cả nước, Nghệ An đã phải chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19.

Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của chính các doanh nghiệp mang lại kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả các chương trình hành động, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế địa phương năm 2021
Xuất nhập khẩu là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế địa phương năm 2021.

Bên cạnh những thị trường truyền thốngg, bằng các hình thức xúc tiến thương mại mới, Nghệ An cũng đã phát triển một số thị trường xuất khẩu mới như, ĐôngTimor,Sierra Leone, Burundi, Marshall Islands, Luxembourg…

Tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu

Để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, Ngành Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ, thị trường mới…

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin thị trường xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do bằng nhiều hình thức như, tổ chức hội nghị, hội thảo; thông tin và kết nối doanh nghiệp tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia thực hiện quảng bá, tìm kiếm bạn hàng trên nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN)…Cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp khu vực Nghệ An đảm bảo kịp thời, đúng quy định trong điều kiện dịch bệnh covid bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tập trung đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến nhất là trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Phạm Văn Hoá cho rằng, trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Để hàng hóa Nghệ An tham gia xuất khẩu thuận lợi, phải có nhiều thay đổi trong đó có hạ tầng hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic và nhất là năng lực bốc dỡ cảng biển còn hạn chế nên chưa bứt phá được.

Chính vì vậy, bên cạnh ứng dụng công nghệ trong việc tìm kiếm, khai thác thị trường nước ngoài kết hợp với tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường, vận dụng có hiệu quả ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, cần tập trung củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; tiếp tục kịp thời nắm bắt và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp nhất là về vốn, lao động, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thuế, hải quan, đất đai, kiểm dịch. Đặc biệt, phải tháo gỡ “nút thắt” trong vận tải và dịch vụ logistics… để kích thích mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải hiểu rõ cách vận hành logistics, bảo quản hàng hóa và tính toán được phương án vận chuyển tối ưu, chi phí thấp để cạnh tranh tại thị trường hướng tới.

Hoàng Trinh