Đường đến di tích từ thành phố Vinh đi xuống theo Quốc lộ 46 xuống cảng Cửa Lò đoạn cắt đường Nam Cấm rẽ trái khoảng 1km là đến nơi. Hoặc từ Từ QL1A rẽ theo đường Nam Cấm (đi Cửa Lò) khoảng 5km rẽ trái là đến nơi.
Khu di tích là một thắng cảnh thuộc xã Nghi Hợp (xưa là Thượng Xá), huyện Nghi Lộc (xưa là Chân Phúc, Chân Lộc). Tọa trên một khu đất cao ráo, nằm tách riêng với khu dân cư về phía tây. Trước đây khu đền rộng hơn bao gồm có cả một khu vực lùm cây vây mọc xung quanh, tới mức có lần đã có hổ lạc rừng vào trú ngụ. Hiện tại thì diện tích của khu di tích khoảng 1,6ha. Hướng chính của di tích là hướng Nam. Phía sau là một quần thể núi non gồm núi Mão, núi Gươm, núi Cồn Thông, núi Voi làm điểm tựa, trông thật hùng vĩ và khoáng đạt. Riêng núi Cờ nằm phía Đông, xưa có tượng đá thần đồng, cũng góp phần tăng thêm vẻ hùng vĩ.
Có 2 cách gọi tên khu di tích: Theo Hán ngữ là Cương Quốc Công Từ (Đền thờ Cương Quốc Công). Gọi theo tiếng Hán Nôm là Đền Nguyễn Xí dân gian còn quen gọi là đền thờ họ Nguyễn Đình.
Khu đền được khởi công theo lệnh của vua Lê Thái Tông vào năm 1467. Nhưng trải qua binh hỏa trong thời kỳ chiến tranh phong kiến Lê – Mạc, rồi Trịnh – Nguyễn, chống Pháp, Chống Mỹ đền thờ đã bị thiêu hủy, có lúc chỉ trơ lại một số cây cột ở nhà thượng điện. Nhưng rồi sau đó được trùng tu lại. Đợt trùng tu năm 1990 -1902 làm ngôi Thượng điện 3 gian, lợp ngói xây tường và được giữ nguyên cho đến nay. Kế đó là đợt trùng tu kéo dài trong nhiều năm thuộc thập kỷ 20.
Năm 1926 lại tiếp tục trùng tu với nội dung là: xây công trình Nghi môn, Tam quan, cột đại đăng, cầu vồng, khai hồ bán nguyệt. mọi công việc được hoàn thành vào mùa hè năm 1928. Năm 1933, đúc chuông – niên đại Bảo Đại thứ 8.
Trong di tích có:
– Khu Hoa biểu ( Bảng hổ, Tứ trụ ).
– Cầu ao ( Cầu vồng, Ao bán nguyệt).
– Tam quan ( Cột đèn, Tả môn và hữu môn, chính môn ).
– Khu chính điện ( Nhà Bái đường, Trung điện, Gác Chuông – Khánh, Nhà Tả vu- Hữu vu, Nhà Thượng điện )
Các hiện vật trong di tích: Có giá trị điêu khắc gồm.
– Có 3 bia đá ” Thái sư Cương Quốc Công di Huấn”, ” Thái sư Cương Quốc Công bi ký” do trạng nguyên Nguyễn Trực theo lệnh vua Lê Thánh Tông soạn ” Tự điền cận hiệu tịnh miếu quy chế”.
– 1 Kiệu Rồng
– 2 Con hạc (đứng trên lưng rùa)
– Hai bức cuốn thư sơn son thiếp vàng (một ở trung điện, một ở bái đường)
– Hai tương hổ sư bằng gỗ mít,(đặt ở hai bên trước thượng điện)
– Chuông đồng.
– Đồ tế khí hoặc bằng gỗ sơn son thiếp vàng hoặc bằng sứ, đất nung hoặc bằng ngà hoặc bằng kim loại hoặc bằng vải thêu…
– Câu đối, hoành phi, văn bia…
( Dựa theo hồ sơ di tích đền thờ Nguyễn Xí xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh nghệ Tĩnh, sở Văn Hoá và thông tin tỉnh Nghệ Tĩnh. Bảo tàng tổng hợp, người lập hồ sơ: Nguyễn Đức Kiểm, 1989)
Theo: Cửa Lò