SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
TÓM TẮT THÀNH TÍCH CỦA LIỆT SỸ, NHÀ GIÁO
NỮ BIỆT ĐỘNG THÀNH: LÊ THỊ BẠCH CÁT
– Họ và tên: Lê Thị Bạch Cát
– Bí danh: Sáu Xuân
– Quê quán: Nghi Thuỷ – Nghi Lộc – Nghệ An
– Năm sinh: 1940
– Ngày mất: 5 – 5 – 1968
– Chức vụ đã kinh qua: Quận uỷ viên, Bí thư Quận Đoàn 2 (nay là Quận1)
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Lê Thị Riêng
– Khen thưởng: Huân chương kháng chiến hạng nhất.
Năm 1961, Lê Thị Bạch Cát (bí danh Sáu Xuân) là một trong những giáo viên đầu tiên của trường trung cấp Sư phạm TDTT (nay là Trường Đại học Sư phạm TDTT) Hà Tây
Giai đoạn từ tháng 6- 1964 đến cuối năm 1966, thực hiện chỉ thị 05/TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển hướng hoạt động trong thời kỳ chống Mỹ, nhà trường tạm ngừng nhiệm vụ đào tạo, chuyển sang phục vụ cho tiền tuyến. Vì vậy, năm 1964, cùng với thầy Hoàng Đình Ái, Lê Văn Lý, Trịnh Sâm, … Chị được điều động sang công tác ở trường đại học TDTT 1 – Từ Sơn với vai trò huấn luyện viên bộ môn thể dục dụng cụ.
Đúng vào lúc giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Miền Nam và đem không quân, hải quân phá hoại Miền Bắc. Tổ Quốc lâm nguy. Chị cùng các anh chị Đinh Thị Tâm (Tức Hai Nguyệt, sau này là Chánh văn phòng Sở TDTT Hà Nội), Phạm Thị Lăng, các anh Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Hoài Vân là những cán bộ TDTT đầu tiên tình nguyện đi vào Nam chiến đấu.
Tháng 8 – 1964 chị về Phú Thọ để chuẩn bị lên đường vào Nam.
Ngày 22 – 12 – 1964, đoàn K33 gồm 200 cán bộ từ Phú Thọ vượt Trường Sơn trong vòng 3 tháng vào Nam.
Ngày 17 – 3 – 1965, họ đã đến trạm đón tiếp của “Ông Cụ” (Trung ương Cục Miền Nam ).
Tháng 8 – 1965, chị Sáu Xuân cùng chị Sáu Dung (Phạm Kim Dung – Nguyên Chánh Văn phòng Thành Đoàn) được Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định phân công về công tác ở Khu đoàn phụ trách cánh sinh viên (S 13), đóng ở vùng Bến Cát. Chị làm nhiệm vụ phục vụ cho anh chị em sinh viên trong nội thành được ra căn cứ học (đào địa đạo, làm hậu cần…đặc biệt với công tác tuyên truyền, bằng giọng hát hay truyền cảm của mình những bài hát cách mạng chị đã thể hiện rất được sinh viên và học sinh yêu thích).
Năm 1966, chị vào thành hoạt động hợp pháp trong vai công nhân nhà máy sản xuất vỏ đồ hộp. Nhiệm vụ là xây dựng lực lượng quần chúng để sẳn sàng phục vụ cho các hoạt động chính trị, quân sự sau này. Chị hoà mình gắn bó với anh em công nhân và công tác rất hiệu quả. Cuối tháng 12 – 1967, nhiều nữ công nhân, học sinh, sinh viên Sài Gòn được chị Sáu Xuân dẫn ra “cứ”, họ mới biết chị là chiến sỹ cách mạng …
Trong chiến dịch này chị nhận nhiệm vụ phát động quần chúng nổi dậy võ trang đánh dấu hẻm Hiệp Thành (bến Vân Đồn, Quận 1). Sau chuyến về căn cứ ở Cần Đước – Long An họp, chị được bổ sung cho Quận 2 cũ, với vai trò quận uỷ viên Quận 2, cán bộ phụ trách thanh niên, chỉ huy cánh quân thanh niên võ trang tuyên truyền (khu vực hẻm 83 – Đề Thám – quận 2 cũ) trong chiến dịch tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 – đợt 2.
Để có thể hợp pháp hoạt động, chị Sáu Xuân được bố trí vào ở trọ nhà Tô Thanh, một người đồng hương Nghệ An, làm nghề thợ may kiếm sống. Từ gia đình Tô Thanh, chị quen với một đồng hương Nghệ An khác. Anh làm nghề lái xe ở hẻm 83, trở thành cơ sở hoạt động của chị. Từ đó, chị chuyển vũ khí ém trong những căn nhà này…
Theo ông Nguyễn Chí Nhân (Hai Nhân), phụ trách quân sự, Phó Bí thư quận uỷ, chị Bạch Cát chọn địa điểm Quận 2 cũ phát động khởi nghĩa nhằm mục đích tấn công vào Ty cảnh sát Quận 2 ở 72 Yersin. (ngày nay là trụ sở Công An Quận 1).
Tối mồng 4, rạng sáng ngày 5 – 5 1968, toàn trung đội phải gấp rút bí mật chuyển quân, cất dấu vũ khí và dự trữ lương thực … để sẳn sàng chiến đấu. Ngoài trung đội biệt động gồm 36 cán bộ, chiến sỹ nữ tuyển từ đồng Ông Cộ (nay là phường 12, 14, 24, Q. Bình Thạnh) chưa thể xâm nhập vào nội ô các đường Nguyễn Trãi, Bùi Viện, đề Thám, Nguyễn Cư Trinh, chung cư Cô Giang (lô C), chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh, cầu Khánh Hội, Nguyễn Công Trứ …
Đúng 4 giờ sáng ngày 5 – 5 1968, các cánh quân đã bung ra hành động theo kế hoạch đã định. Tại địa bàn Đề Thám – Cô Bắc – Cô Giang, lực lượng biệt động của quận đoàn thanh niên đã tập trung bọn liên gia trưởng, cảnh sát, lính nguỵ lại để cảnh cáo, phổ biến chính sách khoan hồng của cách mạng, phát loa kêu gọi nhân dân nỗi dậy diệt ác phá kềm, nghi binh trấn áp tinh thần bọn cảnh sát dã chiến chốt trên các cao ốc gần đó, thu sổ gia đình xé nát để phá rối địch lâu dài. Nhân dân tại khu vực này hưởng ứng lời kêu gọi đã dùng gạch đá lấp các ngõ hẻm, đem bàn ghế, các vật dụng cụ trong nhà ra các đường, làm phòng tuyến, hoặc làm chướng ngại vật ngăn chặn quân địch. Bà con đã lợi dụng ống cống kích thước lớn dọc đường Đề Thám (ngày nay) lăn ra giữa đường và tham gia các tuyến chiến đấu. Sau nhiều giờ bị đánh tổn thương, địch mới hoàn hồn, điều động lực lượng đến giải toả. Lực lượng ta dựa vào công sự đã tiêu diệt và đẩy lùi được nhiều đợt tấn công, sau đó rút vào hẻm 83 Đề Thám cầm cự. Tại đây, tổ công tác đang bàn triển khai kế hoạch chiến đấu thì một trái pháo rơi ngay vào vị trí, anh Tiết hy sinh, chị Sáu Xuân, chị Hồng Quân và em Quang bị thương.
Hiểu tình thế đã trở nên bất lợi, chị Sáu Xuân (Lê Thị Bạch Cát) dù đang bị thương rất nặng, máu ra nhiều, chị đã nói với chị Chín Thu tháo chốt những quả lựu đạn và đưa chị 2 trái, đưa chị Hồng Quân 1 trái và ra lệnh “Tôi ra lệnh cho đồng chí phải rút để bảo toàn lực lượng, Tôi và Hồng Quân hy sinh đến giọt máu cuối cùng”. Chị cũng dặn chị Chín Thu tháo súng, quăng từng bộ phận, không cho địch lấy súng, và di chuyển lực lượng ra khỏi khu vực, cải trang thành thường dân, hoà vào đám đông đồng bào đang tản cư để ra khỏi khu vực chiến đấu…
Sau này bà con quanh vùng kể lại: Địch nghe hết tiếng súng, tràn lên, thấy chị bị thương thì gọi hàng, định bắt sống. Chị hô to nhiều lần: “Đã đảo đế quốc Mỹ – Hồ Chí Minh muôn năm”; đồng thời ném lựu đạn về phía giặc. Chúng bắn về phía chị. Chị bị trúng 6 phát đạn và hy sinh. Tức tối, bọn cảnh sát dã chiến đã trả thù hèn hạ bằng cách cột chân tay thi thể chị Sáu Xuân lôi xềnh xệch trên mặt đường từ hẻm 83 Đề Thám ra đến tận ngã 5 rồi chở xác về Chí Hoà nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân, nhưng bà con vẫn không quên được hình ảnh người con gái Xứ Nghệ đã hy sinh đời mình cho Tổ quốc. Hình ảnh của Chị vẫn mãi mãi được ghi nhận tại phòng truyền thống Quận 1 (nơi chị đã hy sinh) bia tưởng niệm của Chị vẫn đặt tại hẻm 83 Đề Thám và tại Đền Nhơn Hoà, Đền thờ Giác Lâm. Tên của Chị được đặt cho trường THCS Lê Thị Bạch Cát Quận 2 (Sài Gòn) và đường Lê Thị Bạch Cát ở Phường 13 (Sài Gòn). Ghi nhận những đóng góp và hy sinh của chị, Hội đồng Nhà nước Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát huân chương kháng chiến hạng nhất.
Chị đã đi xa nhưng hình ảnh của Nữ nhà giáo, Liệt sỹ biệt động Thành vẫn sống mãi trong lòng mỗi một chúng ta./.
Theo: Phòng GDĐT