Đây là một vùng đất cổ ven biển được cấu tạo tư xa xưa, với nhiều đặc điểm dễ nhận rõ, năm ở phía đông đường cái quan xưa (nay là quốc lộ 1). Cả một vùng cát vàng rộng lớn kéo dài từ bắc vào nam, thuộc huyện Nghi Lộc ngày nay mà một số cuộc thăm dò trước đây cho biết vốn xưa vùng này là một vùng biển cổ, vì tìm thấy các mỏ than bùn trên địa phận làng Cẩm Trường, lại còn tìm được cả một chiếc mỏ neo thuyền đi biển rất cổ dưới lòng đất xứ xã Đoài.
Du khách giờ đi qua vùng đất này nhìn trên thực địa huyện sở tại Nghi Lộc sẽ dễ dàng nhận thấy các làng xóm trên vùng cát bồi này đều được xây dựng song song với nhau trên các giồng cát dài trên bờ biển, các cồn cát này đều được phân nhau bởi các vùng ao trũng kéo dài, có một dòng nước rất trong chảy vào, và chỉ tại các nơi này mới có ruộng chuyên trồng các loại cây trên cạn. Căn cứ vào các loại hóa thạch tìm được tại các đồi cát này, có thể khẳng định rằng, mỗi giống cát đánh dấu một giai đoạn trong quá trình biển lùi, quá trình này bắt đầu từ cuối Đệ tứ kỷ. Như vậy rõ ràng là sự cổ kính, tính xa xưa của các làng trong vùng cứ bớt dần độ cao khi đi từ quốc lộ 1 ngày nay ra phía biển. Còn sự bồi đắp vào thời kỳ sau này (từ thời kỳ cận đại) thì có thể căn cứ vào gia phả các dòng họ lớn trong vùng – như họ Nguyễn ở Thượng Xá (Cửa Lò – Nghi Lộc) hay họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) – để biết được rằng vào hồi thế kỷ XIV bờ biển còn lùi sâu vào phía trong, cách bờ biển hiện nay 2km về phía Tây. Một hiện tượng biển lùi, kết quả của quá trình bồi đắp phù sa của các con sông trong vùng (Hippolyte le Breton – Le vreux An – Tĩnh, Trung tâm trường Viễn Đông bác cổ ở Việt Nam tái bản, 2001, Hà Nội, tr 216 -218)
2. Trên đây là một số đặc điểm về mặt cấu tạo địa chất. Bây giờ xin bàn tới tên gọi mộc mạc, dân gian “Cửa Lò”.
Như vậy Cửa Lò là nơi sông Cấm (tên địa phương là Lạch Lò) đổ ra biển cùng với Cửa Hội là nơi sông Lam ở phía Nam đổ ra biển, phù sa của hai con sông chung sức bồi đắp qua năm tháng vùng đất thị xã Cửa Lò ngày nay, được nhiều người trong và ngoài nước biết tới với tư cách là mọt địa chỉ nghỉ mát mùa hè nóng nực với bãi tắm dốc và thoải, cát mịn màng dưới chân, nước biển luôn trong sạch tạo thành một tiểu vùng khí hậu lý tưởng, đồng thời còn là một vùng đất in đậm những nét riêng của một tiểu vùng văn hóa nằm trong vùng văn hóa chung “Xứ Nghệ”, một trong những cái nôi văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Về địa danh “Cửa Lò”, trước đây mới chỉ là tên riêng của một con sông đổ ra biển như bao nhiêu cửa sông khác của nước ta. Cửa sông này là nơi sông Cấm đổ nước ra biển với dãy núi xã Nghi Thiết nhấp nhô bên tả ngạn và phường Nghi Thủy ngày nay bên hữu ngạn. Từ tháng 4 – 1986, Cửa Lò trở thành tên một thị trấn cảng và du lịch thuộc huyện Nghi Lộc gồm diện tích và dân số hai xã Nghi Tân, Nghi Thủy ( nay là phường Nghi Tân và Nghi Thủy) và một phần đất của hai xã Nghi Thu, Nghi Hợp( nay là phường Nghi Thu). Sau đó, từ tháng 8 – 1994, địa danh Cửa Lò trở thành tên riêng của thị xã trên cơ sở thị trấn Cửa Lò trước, cộng thêm đất đai của một số xã khác của huyện Nghi Lộc, Như vậy, từ tên riêng để chỉ một cửa sông đổ ra biển, Cửa Lò đã trở thành tên riêng chỉ một đơn vị hành chính.
Theo cách giải thích của người dân địa phương hiện nay, gọi của biển này là “Cửa Lò” là cách nói chệnh đi và gọn lại của tên gọi “Cửa Lùa” trước đây. Đoạn chỗ con sông Cấm chảy ra biển giữa một bên là dãy núi của xã Nghi Thiết (phía Bắc) và một bên là núi Lô (Lô Sơn) thuộc hai phường Nghi Tân và Nghi Thủy (phía Nam), cho nên khi gió từ ngoài biển thổi vào cũng như gió hướng Tây trong đất liền thổi ra biển tạo thành nơi đây như một cửa gió lùa. Tử cửa gió lùa, người ta nói gọn lại thành Cửa Lùa, rồi trở thành Cửa Lò ngày nay.
Nhưng cũng có cách giải thích thứ hai có tính “hàn lâm” cho rằng “Cửa Lò” là địa danh gốc Malayo – Polynedieng có nghĩa là “cửa sông”, trong ngôn ngữ của các cư dân Malayo – Polynedieng có từ kuala để gọi tên một con sông đổ ra biển hay nơi con sông đổ ra biển hay nơi một con sông nhỏ chảy ra một con sông lớn. Dần dần, danh từ kuala với nghĩa là cửa sông chuyển thành danh từ riêng kuala/kualo và cuối cùng là địa danh hóa thành Cửa Lò (Bình Nguyên Lộc – nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam)
Nhà ngôn ngữ học Trần Trí Dõi cũng chia sẻ ý kiến. Theo ông trên vùng đất ven biển này còn lưu lại rõ rệt dấu ấn của cư dân nói ngôn ngữ Malayo – Polynedieng, vì lẽ đó địa danh Cửa Lò là địa danh của lớp văn hóa này còn lưu lại đến ngày nay, và cuối cùng với nó con sông đã được mang tên là Lạch Lòi và ngọn núi ở Nghi Tân có tên gọi là Lô Sơn với nghĩa là “núi của con sông Lò”. “Cả ba địa danh ấy đều là những địa danh Nam Đảo và có thể là lớp địa danh ban đầu. Về sau người Việt đến khai hóa ở vùng đất này nhưng những tên gọi xưa vẫn được lưu giữ lại” (Trần Trí Dõi – Ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa xã hội. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001, tr 27 – 28)
Nguồn gốc địa danh là như vậy, có nhiều cách hiểu và giải thích. Đó là công việc của các nhà khoa học, các nhà ngôn ngữ. Nhưng thiết tưởng có thể nghĩ một cách đơn giản theo dân gian rằng danh xưng Cửa Lò là để chỉ nơi con sông Lạch Lò đổ nước ra biển.
3. Cửa Lò là một tiểu vùng văn hóa đặc sắc. Với ba mặt sông biển, trấn ngữ con đường biển quan trọng bắc – nam (Lô tấn), lại là nơi hội tụ nhiều nhiều núi và đảo gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết giàu tính tâm linh, ở phía nam và phía Tây Cửa Lò từ rất sớm đã là vùng đất mở nên không chỉ các lễ hội văn hóa phát triển tại chỗ mà là còn là giao lưu tiếp cận tinh hoa văn hóa các vùng lân cận. Ngay trên vùng đất Cửa Lò hàng năm có tổ chức các lễ hội đặc sắc như lễ hội Đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí, Lễ hội Đền Vạn Lộc, nhất là Lễ hội sông nước Cửa Lò( nay là Lễ hội du lịch Cửa Lò)… Với nhiều nét đặc sắc, trong đó văn hóa dòng họ đã được tiếp nhận và nâng cao bởi văn hóa làng, mang tình yêu nước truyền thống gắn liền với nhân văn sâu sắc, vừa tôn vinh biểu dương các danh nhân anh hùng đã có công đánh dẹp ngoại xâm bảo vệ đất nước, đồng thời còn có ý nghĩa cầu yên cho đời sống ngư dân được thuận buồm xuôi gió trên biển rộng, thu hoạch dồi dào, bảo đảm cuộc sống. Đặc biệt Lễ hội du lịch Cửa Lò đặc sắc này được tổ chức hàng năm giờ đây đã được phát triển thành một lễ hội có quy mô lớn khai trương mùa hè du lịch hàng năm của thị xã du lịch biển. Không chỉ vậy, từ Cửa Lò khách du lịch còn có thể mở rộng diện tham quan tới các chùa nổi tiếng của các vùng lân cận như Lễ hội đền Cuông thờ An Diêm Vương (Diễn Châu), đền chợ Củi thờ ông Hoàng Mười (Nghi Xuân), đền Mai Hắc Đế (Nam Đàn), chùa Hương Tích thờ Trang Vương (Nghi Xuân – Can Lộc), rồi xa hơn nữa tới các di tích văn hóa nổi tiếng như quê hương đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ, quê hương dòng họ Nguyễn Huy với tác phẩm Hoa tiên ký, Mai đình mộng ký hợp thành trung tâm của Văn phái Hồng Sơn… và khép lại cuộc hành hương đầy xúc động là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Dọc theo những con đường hành hương này, người du khách thành tâm có dịp đặt chân tới nhiều vùng “ địa linh nhân kiệt”, chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh, thưởng thức những câu hò ví dặm, những điệu hát rung động lòng người. Đó là chưa nói tới thăm quan các làng nghề, thưởng thức các món ăn truyền thống của “Xứ Nghệ” vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa có những sắc thái riêng không pha trộn với bất cứ nơi nào khác, và chính cái sắc thái riêng đó làm cho những ai đã có dịp tới thăm quan”Xứ Nghệ” và thưởng thức đều không bao giờ quên.
Nói tóm lại, có thể khẳng định từ Cửa Lò ngày trước đến Thị xã du lịch Cửa Lò ngày nay đã có một sự kế thừa, phát triển và nâng cao. Cửa Lò ngày nay xứng đáng với lời đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO): “ Đó là nơi thích hợp cho du lịch văn hóa và du lịch phiêu lưu, cũng như du lịch sở thích đặc biệt. Về lâu dài Cửa Lò có thể là một trong những điểm du lịch thu hút đông khách đến thăm nhất Việt Nam”.
4. Ở đây có một vấn đề đặt ra cần được giải thích, đó lại tại sao Cửa Lò có những điều kiện thiên nhiên và sinh thái lý tưởng như vậy, bãi biển dài, phẳng và thoải, cát mịn và sạch dưới chân ai, nước có một màu trong, độ mặn vừa phải, phong cảnh kỳ thú và hữu tình, lại có nhiều đường giao thông qua lại, thế mà trước cách mạng tháng 8-1945 vẫn được ít người biết đến, mùa hè số người tới tắm biển nơi đây có ít ngoài một số dân thành phố Vinh, còn như khác ở các tỉnh hầu như không đáng kể. Trong các bãi biển miền Trung thời đó, người ta chỉ nhắc tới Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Tùng (Quảng Trị), Thuận An ( Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) có nhiều lý do dẫn tới tình hình đó. Ngoài lý do thực dân Pháp thời đó chưa đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất cho Cửa Lò và bãi biển Sầm Sơn đã thu hút khách ở miền Bắc vào, bãi biển Nha Trang thì thu hút khác các tỉnh miền Nam ra, còn đoạn giữa miền Trung thì nếu có thì đầu tư vào cho các bãi biển Cửa Thuận và Cửa Tùng thì cũng một phần là để cho ông vua trẻ Bảo Đại thích thể thao, ham gái đẹp thường lui tới vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngoài những kỳ lên Tây Nguyên bắn hổ, săn voi và cũng săn gái đẹp.
Theo các tài liệu có thể tiếp cận được trong các kho lưu trữ thời thuộc Pháp thì ngay từ năm 1901 thì thấy đã nhắc đến tên bãi biển Cửa Lò. Trong nghị định ngày 5-6-1907 của Phủ toàn quyền Đông Dương đã có nhắc tới nghị định ngày 23-1-1901 quy định về phương thức sở hữu đất ở bãi biển Cửa Lò, sau theo đề nghị của Khâm sứ Trung kỳ lúc đó là Leverque đã quyết định 2 điều khoản có liên quan tới Cửa Lò:
– Điều 1: Thời hạn 5 năm được xác định bởi điều 2 của Nghị định ngày 23-1-1901 (đã giới thiệu trên) được gia hạn thêm một thời gian là 5 năm, hết hạn vào ngày 23-1-1911.
– Điều 2: Điều 8 khoản 1 của Nghị định 23-1-1901 được sửa đổi như sau: “Bất cứ người nào được nhượng đất sẽ được xây dựng, trong một thời gian là 1 năm, một công trình để ở trên diện tích đất đã được chuyển nhượng” (Công báo: Đông Dương thuộc Pháp 24-6-1907, số 50,tr 952)
Như vậy là cho tới trước năm 1907, Cửa Lò hoàn toàn chưa có xây dựng gì, trong khi các bãi biển nổi tiếng từ rất sớm Đồ Sơn, Hạ Long, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu… đã được nhiều người trong nước biết tới.Tuy sinh sau đẻ muộn như vậy, nhưng Cửa Lò như một nàng công chúa ngủ say trên bờ biển lộng gió, đến khi tỉnh giấc thì vươn vai nhanh chóng trở thành một mỹ nhân được mọi người chiêm ngưỡng đầy ái mộ. Đó chính là sự lớn mạnh, đổi mới và phát triển nhanh chóng của thị xã Cửa Lò vào những năm gần đây. Viết tới đây tôi chợt nhớ tới lần đầu tiên tôi đặt chân tới Cửa Lò vào những năm 80 của thế kỷ trước- nhân dịp về viết sử cho Nghệ-Tĩnh, rồi được Tỉnh chiêu đãi trên đường ra Hà Nội được ghé thăm Cửa Lò. Cửa Lò lúc đó còn hoang sơ, bãi biển vắng tanh bóng người, bốn anh em chúng tôi ( Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm và người lái xe ) cùng nhau vẫy vùng trên biển xanh một trận thỏa thích, sau đó có chụp tấm ảnh kỷ niệm mấy anh em ngồi trên tảng đá lớn chơi vơi trên bãi cát, mấy hôm nay ngồi viết tham luận này tôi đã lục tìm các sách ảnh và hồ sơ để tìm tấm ảnh quý giá đó mà không thấy, rất tiếc dù sao cũng đã ghi lại hình ảnh mấy anh em chúng tôi hồi còn trai trẻ, cách đây 30 năm rồi còn gì!
Giờ đây chúng ta có quyền khẳng định rằng Cưa Lò đã được sống lại với Cách mạng, với đổi mới, để giờ đây cả nước biết tên, bạn bè quốc tế hướng tới.
Cuối cùng xin có một vài đề nghị. Một nguyên tắc cần được bảo đảm là cải tạo, nâng cấp và phát triển khu du lịch Cửa Lò phải có một kế hoạch đồng bộ, tuyệt đối tránh sự chắp vá, tự phát, ngẫu hứng. Rút kinh nghiệm cho một số bãi biển của một số địa phương trong nước đã từng có thời kỳ rất nổi tiếng, nhưng nay đã xuống cấp, chỉ vì một nguyên nhân duy nhất là quá đặt nặng mục đích lợi nhuận. Tất nhiên là lợi nhuận quan trọng, nhưng nếu thiếu sự cân bằng, điều hòa thì sẽ dẫn tới kết quả tai hại là phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, làm vẩn đục môi trường sống, vi phạm các quy định sinh hoạt văn minh của một nơi nghỉ dưỡng. Đảm bao và nâng cao tính chất văn hóa-lịch sử trong sự tu tạo, nâng cấp và phất triển là yêu cầu hàng đầu, và trong công việc khó khăn và phức tạp này cần tranh thủ sự cộng tác của các nhà chuyên môn về lịch sử, địa lý, môi trường, kiến trúc, xây dựng, kể cả về kinh tế. Có như vậy mới tránh khỏi mọi sự lai căng, kệch cỡm không đáng có, làm ra chỉ được ít lâu đã thấy lạc điệu, có muốn phá đi cũng không được.
Giờ đây Cừa Lò đang thay đổi từng ngày. Cơ sở hạ tầng cho hoạt động phát triển du lịch ngày càng được xây dựng với tốc độ nhanh. Nhờ vậy sức hấp dẫn của Cửa Lò với đồng bào trong cả nước và ngoài nước ngày càng mạnh. Những điều kiện đến với Cửa Lò ngày càng nhiều và hiện đại, bên cạnh đường sông biển và đường bộ, còn có cả đường hàng không. Với sự lãnh đạo chặt chẽ, ý thức trách nhiệm cao của Đảng bộ và chính quyền địa phương, với sự hướng dẫn kịp thời và sát hợp của Tổng cục du lịch, nhất định Cửa Lò sẽ nhanh chóng xác lập được vị trí hàng đầu của mình trong vành đai các điểm du lịch, nghỉ dưỡng biển hàng đầu nước ta./
.
Theo: NGND-Giáo sư Đinh Xuân Lâm(Nguyên Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam)