15 năm thành lập Thị xã Cửa Lò 1994 – 2009, hướng tới thành phố du lịch Biển văn minh, hiện đại

Đăng ngày 20/03/2014

 

Đô thị Cửa Lò nằm phía Đông Nam tỉnh Nghệ An, có vị trí giao thông thuận lợi: đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển, được thiên nhiên ưu đãi nhiều Di tích và Danh lam Thắng cảnh đẹp. Đặc biệt, với chiều dài bãi biển trên 10 km, thoai thoải, cát mịn, nước trong xanh, được ôm trọn giữa lòng 2 Con Sông Lam và Sông Cấm, tiếp giáp 2 Cảng biển (Cảng Cửa Lò, Cảng Cửa Hội) với 3 Đảo lớn (Đảo Lan Châu, Đảo Ngư và Đảo Mắt) đã tạo nên một địa thế du lịch hấp dẫn. Chính vì vậy, Cửa Lò được tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất ở khu vực Bắc Trung bộ.

Khu du lịch Cửa Lò được người Pháp xây dựng vào năm 1907. Tuy nhiên, đến năm 1994, Thị xã Cửa Lò được thành lập, khu du lịch biển Cửa Lò ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, hấp dẫn. Qua 15 năm xây dựng và trưởng thành Cửa Lò đã được công nhận Đô thị loại III và khẳng định được vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Biển – Đảo tỉnh Nghệ An nói riêng, vùng Bắc Trung bộ nói chung.

Hiện nay, Thị xã Cửa Lò có 225 cơ sở lưu trú có khả năng đón trên 14.000 ngàn lượt khách lưu trú trong ngày; nhiều khách sạn 1- 3 sao đủ điều kiện phục vụ các hội nghị, hội thảo mang tầm Quốc gia và Quốc tế. Hàng năm, lượng khách du lịch đến Cửa Lò luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng khách đến Nghệ An (dao động từ 75% đến 80%) và tăng nhanh trong những năm gần đây; du lịch Cửa Lò cũng đã thu hút được lượng khách lớn đến từ các nước vùng sông Mê Kông, Trung Quốc, Thái Lan..; giải quyết công ăn việc làm cho gần 7000 lao động và đem lại nguồn thu lớn. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng phục vụ du lịch đã và đang triển khai xây dựng như: Dự án Sân gold 18 lỗ, Khu du lịch cao cấp Hà Nội – Kim Liên, dự án Siêu thị và khách sạn 5 sao của công ty BMC, dự ánTrường Đại học Vạn Xuân, nhà máy Bánh kẹo Tràng an….. Song song với việc thu hút các dự án đầu tư, Thị xã đã có nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tập trung phát triển mạnh các loại hình du lịch và tạo ra sự đồng bộ để phát triển. Xây dựng các tour, tuyến tới các điểm du lịch trong nước và ngoài nước. Tôn tạo và giữ gìn các Di tích lịch sử văn hoá, các lễ hội truyền thống. Khai thác các Di tích lịch sử, Danh lam Thắng cảnh, du lịch sinh thái, phát triển các điểm du lịch làng nghề truyền thống để thu hút khách du lịch.

Nhìn chung, cùng với sự phát triển chung của du lịch Nghệ An, Du lịch Cửa Lò đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Đó là Tài nguyên du lịch Biển – Đảo phong phú, có giá trị. Đây là khu du lịch tập trung các tài nguyên du lịch nổi trội, đặc sắc (đặc biệt là hàng hải sản); có hệ thống giao thương thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển; nhiều Di tích và Danh thắng đậm nét huyền thoại như: Đền Vạn Lộc, Chùa Lụ Sơn, Đảo Lan Châu, Đảo Ngư và Đảo Mắt, đặc biệt là bãi biển dài trên 10km…

Tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp lợi thế và tiềm năng. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch, coi trọng quy hoạch du lịch cộng đồng và du lịch cao cấp, kết hợp điểm du lịch văn hóa, lịch sử với du lịch sinh thái, tạo sự hài hòa trong tổng thể các cụm du lịch tổng hợp. Tập trung các nguồn lực để mở rộng không gian về du lịch, nghiên cứu thị trường phù hợp, đặc biệt mở rộng tiếp cận thị trường khách du lịch MICE (Hội nghị, Hội thảo kết hợp khen thưởng….) từ đó đa dạng hoá các loại hình kinh doanh du lịch và các sản phẩm du lịch, phá thế kinh doanh du lịch mùa vụ và kinh doanh lưu trú là chủ yếu như hiện nay. Tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các dự án lớn đầu tư vào du lịch, đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao: hạ tầng Đảo Ngư, Đảo Lan Châu, các khu vui chơi giải trí hiện đại, xây dựng và khôi phục các làng nghề, sản phẩm du lịch đặc trưng, phương tiện vận tải khách Du lịch. Quan tâm hợp tác, liên kết, mở rộng với các địa phương trong nước và Quốc tế, nối các tour, tuyến mới, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt đẩy nhanh các hình thức tiếp cận hành lang khu du lịch Đông – Tây nối liền với Lào, Thái Lan, Đảo Hải Nam Trung Quốc và Mianma có khả năng thu hút khách du lịch từ các nước trong khu vực về với Cửa Lò.

Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên du lịch, cơ cấu nguồn nhân lực du lịch đồng bộ, hợp lý trong điều hành, quản lý và tác nghiệp chi tiết, cụ thể hơn. Chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhất là tiếng Anh, Lào, Thái, Trung Quốc…, Chủ động gửi đi đào tạo nghề du lịch và học tiếng ở các nước có nguồn khách du lịch đến Cửa Lò, đồng thời mở lớp tại chỗ mời giảng viên, chuyên gia các nước có trình độ công nghiệp du lịch phát triển đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ và kỹ năng quản lý du lịch. Chú trọng bảo vệ tốt môi trường sinh thái Biển – Đảo, phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các làng nghề, thủ công truyền thống ở ven biển phục vụ khách du lịch và tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Làm được những điều đó Cửa Lò sẽ sớm trở thành Thành phố Du lịch biển văn minh, hiện đại ở khu vực Bắc Trung bộ.

Theo: Ông Phan Công Lưu – PCT. UBND Thị xã