Trong cao trào cách mạng 1930-1931, trước khí thế xung thiên của quần chúng, tại nhiều phủ huyện trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bọn tri phủ và tri huyện đều bỏ trốn. Bọn tổng lý ở các làng xã như rắn mất đầu, hoang mang, khiếp sợ, lý trưởng nhiều làng đã mang tất cả sổ sách, triện bạ nộp cho Thôn bộ hoặc Xã bộ nông hội đỏ.
Báo Công luận số ra ngày 20/9/1930 viết: “Ở các làng, lý trưởng và chánh tổng không còn chút quyền hành nào, không làm chủ được tính mạng và tài sản của chúng nữa”.
Dưới sự quản lý của Xã bộ nông lúc này, cảnh tượng xã thôn luôn luôn tưng bừng như ngày hội, không mấy khi ngớt tiếng trống mõ cổ động tuyên truyền. Ban ngày, quần chúng chăm lo sản xuất, tham gia vào việc chia lại các khoản ruộng đất công, các công quỹ và tập luyện quân sự. Tối đến, bà con họp nhau lại nghe cán bộ nói chuyện, nghe đọc báo hoặc theo học các lớp chữ Quốc ngữ dưới sự canh gác của các đội tự vệ. Chị em phụ nữ bình đẳng với nam giới trong luận bàn, tranh đấu, cùng hưởng mọi quyền lợi và làm mọi nghĩa vụ như nam giới. Mọi người thực sự được sống trong không khí hoàn toàn giải phóng. Anh chị em học sinh lớn tuổi ở trên tỉnh, trên huyện bãi khóa trở về làm cán bộ địa phương, giúp việc ấn loát tuyên truyền, dạy chữ quốc ngữ. Có người được bầu vào cấp ủy hoặc chấp hành các đoàn thể quần chúng. Hầu hết phú nông được lôi kéo vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân, và một số có tư tưởng tiến bộ được chấp nhận vào hoạt động trong các hội tán trợ, cứu tế.
Qua cuộc vận động cách mạng, tinh thần tương thân, tương trợ, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống mới lao động, xây dựng đã được nâng cao. Lòng tin tưởng và biết ơn Đảng, biết ơn Cách mạng đã được thể hiện bằng những việc làm thiết thực trên tinh thần sẵn sàng chịu đựng hy sinh. Những tiếng gọi “Xã hội”, “Đoàn thể” được thông dụng, như lời nhắc nhủ, lời hứa quyết tâm.
Giúp việc lãnh đạo của cấp bộ Đảng và quản lý của “Xã bộ nông”, có đội xích vệ lực lượng nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự cùng hoạt động với đoàn Thanh niên cộng sản, hội Phụ nữ giải phóng và đội nhi đồng cứu vong. Đó là lực lượng cơ bản, là công cụ mới của chính quyền.
Chính quyền đã về tay nhân dân ở nhiều nơi trong nông thôn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Kẻ địch cũng phải thú nhận: “Một hiện tượng đặc sắc, các ông lý trưởng huyện Nam Đàn, một ngày kia đem triện nạp cho chính quyền mới. Như thế là họ không thừa nhận chính quyền của Pháp và của Nam triều nữa. Còn, nhất là ở Thanh Chương thì sự chỉ huy các làng xã đã về tay những tổ chức của nông dân”.
Như vậy, trong cao trào cách mạng 1930-1931, một hình thức chính quyền mới đã ra đời trong nông thôn Nghệ Tĩnh.
Báo “Giác Ngộ” số ra ngày 21/9/1930 đã giải thích: “Khi các giai cấp bị áp bức, công nhân, nông dân, binh lính và tất cả những người nghèo hiểu hết tội trạng của bọn phong kiến và đế quốc cầm quyền, khi những người bị bóc lột bắt đầu hiểu rằng sở dĩ họ bị bóc lột là vì họ bị tước mất chính quyền thì họ thống nhất với nhau, lật đổ bọn phong kiến và đế quốc, thiết lập chính quyền công nông, binh sĩ, người nghèo. Tất cả những điều đó gọi là chính quyền Xô-viết”.
Thư đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế nông dân nói về phong trào nông dân toàn quốc và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930, ngày 5-11-1930 cũng khẳng định: “Hiện nay ở một số làng Đỏ, Xô viết nông dân đã được thành lập”.
Chỉ thị của Thường vụ Trung ương ngày 20-3-1931 về vấn đề chỉnh đốn Nông hội đỏ đã phần nào nói lên tính chất của chính quyền này. Sau khi nêu rõ giai cấp công nhân và nông dân là “bạn đồng minh sinh tử” và là “động lực của cách mạng”, chỉ thị giải thích: “Cách mạng giành được chính quyền thì hình thức chính quyền là công nông chuyên chính do vô sản lãnh đạo”.
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, lá cờ đỏ búa liềm tung bay, vẫy gọi công nông vùng lên đấu tranh, lập nên các “làng Đỏ” ở nhiều thôn, xã ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Nghệ An Xã bộ nông đã nắm chính quyền ở nhiều thôn xã thuộc các phủ huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Anh Sơn, Diễn Châu, Yên Thành…
Ở Hà Tĩnh, Xã bộ nông đã thực sự điều khiển công việc ở 172 làng xã, phần lớn thuộc các phủ huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn… Những thôn làng do Xã bộ nông nắm chính quyền trong thời kỳ 1930-1931 gọi là những làng Xô viết.
Ảnh hưởng của phong trào cách mạng Việt Nam và Xô viết Nghệ Tĩnh trong những năm 1930-1931 đã vang dội trong cả nước và thế giới. Đánh giá về Xô viết Nghệ Tĩnh trong dịp Kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.
Tại Hội thảo “Xô viết Nghệ Tĩnh: Sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử” (ngày 6/9/2020), đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son chói lọi, mở đầu cho lịch sử hào hùng, oanh liệt của cách mạng Việt Nam; Đánh dấu việc Đảng ta – một Đảng cách mạng dù còn rất non trẻ, lần đầu tiên đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết và huy động quần chúng nhân dân; là minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, các tầng lớp nhân dân Nghệ An đã và đang cùng với cả nước chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để cùng nhau đẩy lùi, sớm chiến thắng đại dịch Covid-19; cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp./.