“Tôi hiến mình cho y học”

Đăng ngày 25/03/2014

“Tôi thấy đó là việc nên làm, đó là việc làm bình thường mà bất kỳ ai cũng làm được, nếu chúng ta muốn cống hiến, nhất là vì nền y học nước nhà. Với tôi, kể từ ngày 20/2/2011, thể xác đã thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh”.

Tôi đã gặp anh, 3 năm về trước. Lần đó, anh cung cấp nhiều thông tin chống tiêu cực trong ngành giáo dục. Đầu năm mới Tân Mão này, tôi lại gặp anh – nhà giáo, Thạc sỹ Lương Hoài Nam. Lần này tôi gặp để bày tỏ niềm cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của anh – hiến xác cho y học. Vẫn nụ cười ấy, anh nói: “Tôi thấy đó là việc nên làm, đó là việc làm bình thường mà bất kỳ ai cũng làm được, nếu chúng ta muốn cống hiến, nhất là vì nền y học nước nhà. Với tôi, kể từ ngày 20/2/2011, thể xác đã thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh”

Mơ ước không thành
Đang yên lành là một trưởng phòng của Trung tâm giáo dục thường xuyên Nghệ An 2, thầy Lương Hoài Nam làm đơn từ chức. Anh nói, mình từ chức là vì muốn được thỏa chí tang bồng. Từ nhỏ, mơ ước của mình là trở thành bác sỹ, nhưng rồi ước mơ đó đã không thành hiện thực. Do mình muốn học tiếp ngành y học cổ truyền nên từ chức để có thời gian đi học, đơn giản thế thôi.

Trò chuyện với tôi anh Nam vẫn cứ khắc khoải về mơ ước của thời trai trẻ. Anh kể, tốt nghiệp cấp 3, anh thi vào Đại học Y Hà Nội. Chưa biết kết quả thi cử thế nào thì có trường C500 về tuyển đi học công an. Nhưng rồi vì bố sợ con vất vả nên không đồng ý cho anh đi học công an. Thế là phải xin chuyển trường về Đại học Sư phạm Vinh.

Đơn tự nguyện hiến xác

“Mình vẫn không quên được ngành y nên xin được học khoa Sinh học” – anh Nam nhớ lại. Thèm nghề y đến nỗi suýt bị đuổi học. Hồi đó việc thi cử, học hành còn khắt khe lắm, làm gì có việc không thích học trường này thì đi trường khác như bây giờ. Thế mà tớ dám liều. Đang học năm thứ nhất, tớ làm hồ sơ đi thi Đại học Y.

Đen đủi cho mình, chính điểm thi ấy lại do Trường đại học Vinh coi thi. Lộ tẩy hết. Hội đồng kỷ luật nhà trường xét mấy hôm liền, tí tẹo nữa là phải rời khỏi giảng đường. May có thầy giáo Nguyễn Ngọc Hợi, giáo viên chủ nhiệm (sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh) “bào chữa” mãi nên mình mới được tai qua nạn khỏi. Thèm nghề y đến nỗi, sau này làm luận án thạc sỹ anh cũng nghiên cứu đề tài về các cây thuốc của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ.

Rồi đến một ngày, anh cảm thấy bứt rứt lạ kỳ. Tại sao mình không đi học nghề y nhỉ, chẳng có gì là muộn cả. Thế là năm 2008, anh viết đơn từ chức trưởng phòng để lại đi làm sỹ tử ở tuổi 50, thi vào trường Cao đẳng Y tế Nghệ An – Khoa Y học cổ truyền.

Thèm được làm thầy thuốc đến mức đó chắc chỉ có duy nhất anh Lương Hoài Nam. Anh tâm sự: “Thực ra thì nhiều người bảo tôi bị hâm, bị chập mạch. Mặc kệ, mình thích thì đi học, không bao giờ là muộn, không bao giờ là thừa. Học y để chăm sóc sức khỏe cho mình, cho gia đình và giúp đỡ người khác. Đơn giản thế thôi”.

Cái chết phục vụ sự sống

“Vốn yêu thích nghề y nên từ nhỏ tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về ngành này. Tôi hiểu rất rõ giá trị của xác người trong việc nghiên cứu và học tập. Tôi tự nguyện hiến tặng xác mình sau khi qua đời cho nhà trường để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Kể từ giờ phút này, ngày 20/2/2011, thể xác tôi thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh” – chúng tôi hết sức xúc động với nội dung bức thư của nhà giáo Lương Hoài Nam gửi Trường Đại học Y khoa Vinh.

Vốn hiểu tính anh, tôi không ngần ngại bấm điện thoại hẹn gặp. Vẫn giọng nói ấy: “Mình có ý định hiến xác từ rất lâu rồi. Có lẽ do mình ham thích ngành y quá nên cứ suy nghĩ, mình phải làm gì đó vì nền y học nước nhà. Nhưng còn làm gì được nữa, tuổi trẻ đã qua rồi.

Nhà giáo Lương Hoài Nam

Chỉ có thân xác này may ra có ích cho nghiên cứu và giảng dạy – cái chết phục vụ sự sống mà. Rồi thời gian mình theo học y học cổ truyền ở Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An đã thêm thấm thía về việc thực hành của sinh viên. Thế là mình quyết định làm đơn hiến xác cho Trường Đại học Y khoa Vinh”.

Tôi chuyển hướng câu chuyện về những khó khăn từ phía gia đình, dòng họ và cả quan niệm xã hội về việc này. Anh Nam thành thật, lúc đầu cả nhà không đồng ý, nhất là chị Hoa vợ anh. Chị bảo, người ta chết mong được mồ yên mả đẹp, anh thì lại mong nằm trong hầm hóa chất để người ta mổ xẻ, trở lật, tội nghiệp lắm.

Anh Nam phải mất mấy đêm thủ thỉ nhỏ to để bàn với chị. “Em là nhà giáo, đã từng xót xa khi phải dạy chay, cũng từng mơ ước có đủ giáo cụ trực quan… Mình hiểu thế thì tại sao không hiến tặng, mình hiến xác là mình được sống mãi…”.

Cuối cùng thì chị cũng đã thông, cùng chồng ký vào đơn tự nguyện hiến xác. Chị tâm sự: “Lúc đầu nghe anh bàn vậy, tôi bị choáng. Nhưng thấy anh quyết liệt quá, hơn nữa lời giải thích của anh rất hợp lí, hợp tình. Nếu ai cũng cho rằng chết phải toàn thây, phải mồ yên mả đẹp thì lấy xác đâu mà nghiên cứu khoa học.

Anh còn nói, biết đâu từ xác mình hiến sẽ có một nghiên cứu nào đó chữa trị được những căn bệnh mà y học đang bó tay. Rồi anh kể về những tấm gương hiến xác ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Bây giờ tôi thấy rất vui”. Rồi thằng cu con nhà anh – cháu Lương Hồng Quân, mới 14 tuổi mà cứ như là một người trưởng thành thực thụ.

“Cháu rất vui trước quyết định của bố. Cháu tự hào vì bố đang làm một việc hết sức ý nghĩa. Trước mẹ có băn khoăn nhưng cháu thì không. Cháu nói với mẹ hãy ủng hộ quyết định của bố” – Quân nói trong nghiêm nghị.

Đoạn anh ôm chặt thằng Quân vào lòng, cứ bẹo lấy bẹo để hai gò má của nó mà rằng, cục vàng của bố, may có nó ủng hộ đấy. Tôi thầm nghĩ, anh là người hạnh phúc nhất trên đời!

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài – Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh: Tôi vô cùng xúc động

Tôi nhận được thư của anh Lương Hoài Nam mà vô cùng xúc động. Thay mặt toàn thể thầy và trò nhà trường, tôi vô cùng cảm ơn anh. Trước hết, chúng tôi cùng là thầy giáo, hiểu rất rõ giá trị thực hành trong việc dạy và học, nhất là y học.

Anh hiến mình là vì một nền y học của nước nhà tiên tiến. Với tư cách là những người thầy thuốc, chúng tôi không thể nói hết bằng lời trước nghĩa cử cao đẹp của anh. Không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua được sức ép từ gia đình, dòng họ rồi quan niệm về tâm linh… để hiến tặng thể xác của mình. Riêng với Trường Đại học Y khoa Vinh, chúng tôi lại càng vui sướng hơn.

Vì, trường vừa mới thành lập, trong muôn vàn khó khăn lại có người tự nguyện hiến xác để phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy thì không còn gì bằng. Tôi hứa với anh Nam, sẽ nghiên cứu kỹ về các quy định của pháp luật cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất để đón nhận sự hiến tặng của anh sau này.

Còn trước mắt, chúng tôi sẽ tuyên truyền trong toàn trường về gương sáng của anh, để mỗi chúng tôi, cả thầy và trò phải rèn dũa y đức, xứng đáng “Lương y như từ mẫu”

 

Theo: Theo Phạm Việt Thắng( Báo công an Nghệ An)