Sự tự giác của người dân là một ‘lá chắn thép’ ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19

Đăng ngày 20/08/2021

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân là ưu tiên số 1, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt và đã đạt kết quả bước đầu khá tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chủ động và ý thức tự giác của mỗi người dân đang được coi là một trong những “lá chắn thép” góp phần phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh.

Toàn cảnh cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, chiều 19/8. Ảnh: Phạm Bằng

Thời gian qua, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ, cấp bách trong phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong đó, phải kể đến công tác truy vết, sàng lọc của ngành chức năng, tổ chức cách ly những người đến và về địa phương từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh; công tác truy vết những đối tượng liên quan đến dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu; việc tổ chức tuyên truyền, giám sát, theo dõi của các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ tuyên truyền, tổ truy vết, tổ liên gia, tổ dân phố.

Đặc biệt, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lực lượng chức năng từ cấp tỉnh đến cơ sở đã kịp thời, nhanh chóng xác định cụ thể những trường hợp tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người dương tính với vi rút SARS-CoV-2 nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Và với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ y, bác sĩ đã không quản ngại khó khăn, thức thâu đêm để khoanh vùng, dập dịch, thực hiện nhiều biện pháp sàng lọc, truy vết, phong tỏa, chữa trị, lập chốt… quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Những nỗ lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã góp phần bước đầu kìm giữ dịch bệnh lan ra diện rộng.

Khu vực phong tỏa tại phường Trường Thi (TP Vinh). Ảnh: Q.A

Tuy nhiên, những ngày qua, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh chiều 19/8, qua phân tích, đánh giá thì tỉnh Nghệ An thuộc nguy cơ mức độ rất cao về dịch Covid-19.

Trước diễn biến dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh quyết định: Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo 2 mức:

Mức 1 là áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 14 địa phương. Ngoài 6 địa phương đã thực hiện là TP. Vinh, TX. Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành thì nay bổ sung thêm: TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa.

Các địa phương còn lại thực hiện mức 2 là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện là từ 0h ngày 20/8.

Khu cách ly ở xã Nậm Cắn. Ảnh: Thành Cường

Các chuyên gia nhận định, diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn rất phức tạp trong thời gian tới. Thế nhưng, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đâu đó vẫn còn những sự việc đáng tiếc, những hành động đáng lên án liên quan đến công tác phòng, chống dịch mà nguyên nhân chính là do một bộ phận người dân có tư tưởng lơ là, mất cảnh giác.

Đơn cử như, ngày 14/8, UBND xã Đồng Thành, huyện Yên Thành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng với mức tiền 12 triệu đồng; và chỉ trong sáng ngày 18/8, lực lượng chức năng thành phố Vinh đã lập biên bản xử phạt 11 trường hợp với tổng số tiền 22 triệu đồng với các trường hợp về các hành vi: ra ngoài khi không thật sự cần thiết; tập thể dục thể thao ngoài trời; không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền…

Ngày 19/8, trước một số tin đồn về việc giãn cách, cách ly xã hội tại một số địa phương, một số người dân thiếu tỉnh táo đã vội vàng đổ xô đi mua sắm thực phẩm, tạo nên sự mất trật tự, thiếu an toàn trong việc phòng, chống dịch Covid-19…

Trên trục đường từ ngã tư thị trấn Đô Lương vào xã Đông Sơn đông nghịt người đi mua các mặt hàng để tích trữ trước giờ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Ngọc Phương

Phải thẳng thắn nhìn nhận cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn kéo dài và còn nhiều khó khăn phía trước, chính sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch sẽ là mối nguy cơ lớn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương “chống dịch như chống giặc” với phương châm “kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, dựa vào dân” hành động với tinh thần sớm hơn, cao hơn, linh hoạt, sáng tạo hơn, phù hợp với thực tiễn gắn với chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh theo các cấp độ cao hơn, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đã và đang được các cấp, ngành triển khai thì tinh thần trách nhiệm, ý thức, sự tự giác của mỗi người dân được xem là yếu tố quyết định.

Mỗi người dân ngoài việc thực hiện tốt thông điệp 5K + vắc xin: “Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế và tiêm vắc xin” thì phải luôn có ý thức tuân thủ đúng các quy định về phòng, chống dịch, tự giác khai báo khi đến/về từ tỉnh có dịch đến địa phương, gia đình; theo dõi, giám sát, thông báo với cơ quan chức năng các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch; tích cực tự nguyện tham gia hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, chung tay, hỗ trợ, động viên các lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch, hỗ trợ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn; có ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh…

Từ đó mỗi người dân thực sự là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài trong phòng, chống dịch, tạo nên sức mạnh toàn xã hội, luôn đoàn kết, đồng thuận, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền trong mọi tình huống để ngăn chặn và sớm đẩy lùi dịch bệnh.