Chương trình thảo luận tổ ngày 23/3 của Quốc hội được chuẩn bị để trao đổi về 6 báo cáo của các cơ quan Nhà nước, song đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại dành phần lớn tâm tư cho báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng.
“Chính phủ hoạt động trên một lĩnh vực rất sát với người dân. Những hiệu ứng đến với người dân rất cụ thể cho nên cũng tạo ra một gánh nặng rất lớn”, ông Quốc lý giải về sự lựa chọn này.
Theo đại biểu Đồng Nai, việc đánh giá báo cáo này không chỉ trong quá trình 5 năm mà nên trọn vẹn 10 năm theo hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây có thể coi là giai đoạn bước ngoặt từ đổi mới trong nước đến các tiến trình hội nhập, mà khởi đầu bằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng nên có môt đánh giá xuyên suốt 10 năm hoạt động của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Giang Huy |
Nói về bối cảnh, ông Dương Trung Quốc không quên điểm lại yếu tố bên ngoài là khủng hoảng kinh tế thế giới cho đến tình hình Biển Đông. Những vấn đề này tác động và tạo ra áp lực to lớn đối với người đứng đầu Chính phủ.
“Chúng ta có thể thấy sự năng nổ, dấn thân nhưng cũng không ít những yếu tố mang tính phiêu lưu. Những điều này đã dẫn đến hậu quả khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng với hàng loạt sự việc như Vinashin, Vinalines, bô xít… Cho nên ở 5 năm của nhiệm kỳ thứ 2 là việc khắc phục những hậu quả này”, ông nhấn mạnh.
Nhà sử học nhìn nhận, quá trình khắc phục này đã thể hiện một sự quyết liệt của cơ quan điều hành, mà không ít kết quả cần được ghi nhận, như đột phá về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố khiến người dân băn khoăn.
Dẫn ví dụ khó khăn của hệ thống tài chính ngân hàng có lúc tưởng chừng như đứng trên bờ vực đổ vỡ, đại biểu bình luận việc Chính phủ vượt qua được sau đó đã cho thấy “năng lực kế thừa từ thời chiến tranh là khả năng ứng biến rất giỏi, thậm chí vượt khó và vượt hiểm”.
Dẫu vậy, điều khiến nhà nghiên cứu này chưa yên tâm là cách xử lý có vẻ quá đơn giản. “Nhiều ngân hàng thua lỗ đã được bán với giá 0 đồng. Nhưng liệu trong sự thua lỗ ấy có cả sự tư lợi”, ông Quốc đặt nghi vấn rồi tự tìm câu trả lời: “Có người cho rằng đây là cách làm để “phi tang mọi trách nhiệm quá khứ”. Thậm chí có dư luận xã hội đã được Đại biểu Quốc hội ghi nhận rằng, việc tái cơ cấu thực chất là để hòa cả làng”, vị này nhìn nhận.
Cho nên, dù đánh giá cao khả năng ứng biến của cơ quan điều hành trong một số tình huống ở nhiệm kỳ qua, song đại biểu cũng cảnh báo nếu cứ phát huy những điều này thì chưa chắc sẽ đúng trong quá trình phát triển hiện nay, bởi tính bền vững bị hạn chế. Khi đó, những chiến lược, đường lối lớn sẽ không được thực thi.
“Ngay như mục tiêu Chính phủ đang hướng tới đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp là như thế nào cũng khiến người dân rất băn khoăn. Từ câu chuyện công nghiệp cơ khí làm ra một chiếc ôtô bao nhiêu năm nay dù đã có đường lối nhưng vẫn chưa đi đến cùng. Điều này cần phải khắc phục ở nhiệm kỳ tới, ở những người đứng đầu mới”, vị đại biểu tâm tư.
Theo VNE