Rác được phân loại ngay trên tàu thuyền, rồi sau mỗi chuyến ra khơi được ngư dân Cửa Lò đưa lên bờ, giảm đáng kể lượng chất thải nhựa ra môi trường biển.
Người tiên phong “đưa rác về bờ”
Anh Phùng Bá Thu, một ngư dân lão luyện với hơn 30 năm gắn bó với biển khơi. Với anh biển không chỉ mang lại nguồn lợi tôm, cá, nuôi sống bao người dân, bao thế hệ làng chài mà biển còn là nhà, là quê hương, gắn bó máu thịt với mỗi ngư dân.
“Theo cha, theo anh đi biển từ năm 15 tuổi, nay đã hơn 30 năm gắn bó với nghề. Thời gian lênh đênh trên biển nhiều hơn ở nhà. Do đó, biển không chỉ là nơi để mưu sinh mà còn là cái gì đó thân thiết, gắn bó như máu thịt”, anh Thu chia sẻ.
Mỗi chuyến ra khơi, ngoài ngư lưới cụ là đồ ăn, thức uống: bia, nước ngọt, bánh kẹo, mỳ tôm, rau, củ, quả… để làm lương thực, thực phẩm trong những ngày lênh đênh trên biển cả. Vỏ chai lon, vỏ hộp sữa, túi bóng… sau mỗi lần sử dụng thì đều vứt xuống biển, theo nước cuốn đi. Rác thải hữu cơ thì còn phân hủy được, còn rác thải rắn, rác thải nhựa thì dềnh ra xa, đến khi sóng to, gió lớn thì dồn vào, dạt lên bờ biển.
“Tất cả là do thói quen “tiện đâu vứt đấy’, cứ nghĩ biển mênh mông thế, mình vứt vỏ chai, túi bóng thì cũng hề hấn gì. Với lại, giá 1 vỏ lon cũng chỉ vài trăm đồng nên vứt cũng không tiếc. Thế nhưng, rác thải nhựa không phân hủy được, tích tụ dần thành cả núi rác khổng lồ dưới đại dương. Mùa mưa bão, biển động, rác theo sóng dạt vào bờ, có những luồng rác kéo dài cả chục cây số”, anh Phùng Bá Thu chia sẻ.
Rác khiến môi trường biển bị ô nhiễm, hệ sinh thái biển mất cân bằng và môi sinh của các loại hải sản bị thu hẹp, đó cũng chính là nguyên nhân mà nguồn lợi tôm, cá, mực không còn dồi dào, phong phú như trước.
Đó là chưa kể, có những khi rác nổi dềnh trên mặt nước, vướng vào chân vịt, mắc vào lưới khiến lưới rách, vừa mất an toàn, vừa phải thay lưới khá tốn kém. Điều này, khiến anh Thu rất trăn trở.
Với vai trò là chủ tàu đánh bắt cá, anh quán triệt cho các thuyền viên phân loại rác ngay trên tàu. Theo đó, rác thải hữu cơ để thùng riêng, rác thải nhựa (lon bia, nước ngọt, túi ni lông, hộp nhựa…) thì gom vào một thùng khác.
Sau đó, tập kết đưa về bờ. Ban đầu, do thói quen cố hữu nên cũng khó thay đổi, dần dà, người này nhắc nhở người kia, cùng nhau thực hiện nên đã thành nếp.
“Riêng đôi thuyền của chúng tôi có 20 thuyền viên. Mỗi chuyến biển thải ra khoảng 30 vỏ lon, 15-20 túi bóng, 10 vỏ hộp sữa. Tất cả được gom lại, cho vào túi lưới, để ở phía trên tàu. Khoảng 7-10 ngày thì đưa vào bờ, bán phế liệu, số tiền bán được thì hỗ trợ thuyền viên khó khăn”, anh Thu cho biết.
Việc thu gom phế liệu được đội tàu của anh Thu thực hiện từ 5 năm nay. Ngoài giá trị kinh tế mỗi năm khoảng 4-5 triệu đồng từ bán phế liệu, tặng quà cho thuyền viên khó khăn thì điều quan trọng nhất là vị thuyền trưởng này đã làm thay đổi thói quen tái chế rác thải và cách ứng xử của thuyền viên đối với biển cả.
Sạch trên biển, ấm trên bờ
Phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò có 96 tàu thuyền, trong đó, có 41 tàu đánh bắt xa bờ. Khai thác hải sản tạo việc làm cho hơn 600 lao động địa phương. Mỗi chuyến ra khơi có khi kéo dài 1-2 ngày, cũng có lúc 3-4 ngày lượng rác thải của mỗi tàu với 10-15 thuyền viên là không hề nhỏ.
Nếu tất cả đều tiện tay vứt xuống biển, ngày này tiếp nối ngày kia thì vấn nạn rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường biển hiển hiện trước mắt. Từ sự tiên phong đi đầu của anh Phùng Bá Thu, nhận thấy việc tuyên truyền, vận động ngư dân giữ sạch môi trường biển bằng việc làm thiết thực là gom rác thải rắn đưa về bờ là việc “cần làm ngay”.
Do đó, hiệp hội nghề cá của phường phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ phường ra mắt mô hình “Thu gom rác thải rắn từ biển về bờ”, triển khai phong trào “Phế liệu giữ lại, không thải ra biển, vào bờ đổi tiền, ủng hộ người nghèo”.
Theo đó, tất cả các tàu đều thực hiện phân loại rác và đưa rác về bờ. “Trung bình mỗi ngày một thuyền viên dùng 1 lon bia, thì 1 đội tàu 2 chiếc cũng có 20 vỏ lon, chưa kể hôm nào trúng mẻ cá lớn, chuyến biển bội thu, anh em ăn mừng thì lượng vỏ lon gấp 4-5 lần.
Nếu cứ vậy mà vứt xuống biển thì rất nguy hại. Từ khi thực hiện đưa rác về bờ, trung bình, mỗi đội tàu, 1 tuần bán được khoảng 300.000-500.000 đồng tiền phế liệu”, anh Phùng Bá Hùng – một thuyền viên cho biết.
Toàn bộ phế liệu, sau khi gom được lượng kha khá, sẽ được tập kết vào bờ và bán. Số tiền thu được, gom thành quỹ hỗ trợ thuyền viên khó khăn và mua quà tặng người nghèo trên địa bàn phường.
“Nếu rác thải nhựa được thu gom triệt để từ các tàu cá, mỗi năm, sẽ thu được khoảng 40 triệu đồng. Ngoài việc thay đổi thói quen của ngư dân, góp phần bảo vệ môi trường biển, nguồn thu từ phế liệu trên các tàu cá, chúng tôi sẽ có một nguồn kinh phí đáng kể để thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh, xã hội trên địa bàn. Địa phương đang xem xét, đánh giá để mở rộng mô hình này tới 96 tàu cá trên địa bàn”, anh Nguyễn Tiến Lợi – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy cho biết.
Tàu cập bến, những khoang thuyền đầy ắp cá, tôm được chuyển lên bờ, bán cho thương lái. Các thuyền viên lại tất bật vệ sinh tàu thuyền, rác được tập kết lên theo và đổ đúng nơi quy định.
Anh Nguyễn Đắc Quyền – ngư dân phường Nghi Thủy cho biết: “Giờ đây, cứ thấy rác dềnh lên trên mặt biển là thấy khó chịu, tìm vợt để vớt lên. Dây thừng, lưới rách, các loại rác thải khác cũng vậy, không vứt bừa bãi mà gom lại, phân loại đưa vào bờ, giữ sạch biển cũng là giữ sinh kế bền vững cho những ngư dân làng chài như chúng tôi”.