Nghệ An: Tính chuyện “đường dài” cho hải sản đông lạnh

Đăng ngày 28/10/2021

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ hải sản gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến giá thành giảm mạnh so với thời điểm trước khi có dịch. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại các làng nghề chế biến hải sản ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Hải sản tiêu thụ khó khăn

Ông Trần Thanh Dung – chủ kho đông lạnh Dung Hữu ở làng nghề chế biến hải sản ở phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) – cho hay, thực tế thì hàng trong kho đông hiện nay không phải là tồn kho, nhưng số lượng bán được cầm chừng. Chủ yếu là bán cho các cơ sở chế biến sâu chứ bán lẻ ra thị trường như trước đây rất nhỏ giọt.

Làng nghề chế biến không chỉ thu mua cho bà con trong tỉnh mà thu mua, chế biến cho nhiều tỉnh ở miền Trung từ Đà Nẵng trở ra như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… Bất chấp dịch bệnh, sản lượng hải sản đánh bắt thu mua vẫn tăng, hàng hoá nhiều, tuy nhiên cái khó nhất của bà con hiện nay là khâu tiêu thụ, dù giá hạ rất nhiều.

3 năm trở lại đây hải sản đông lạnh ở làng nghề chế biến hải sản ở Nghi Tân, TX Cửa Lò bị “đóng băng” hoàn toàn

Ông Dung cho hay: “Nếu như thời điểm trước dịch, đỉnh điểm kho lạnh của gia đình từ 350-400 tấn. Mỗi một con trăng, nếu nhẹ thì cơ sở của tôi cấp đông được khoảng 200 tấn, thế nhưng đến nay trong kho chỉ còn chưa đầy 70 tấn, giảm 1/3 sản lượng….”.

3 năm trở lại đây hải sản đông lạnh ở làng nghề chế biến hải sản ở Nghi Tân, TX Cửa Lò bị “đóng băng” hoàn toàn.

Ông Dung xác nhận, dù nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản Trung Quốc tăng cao, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp không thể xuất hàng trực tiếp vào do quốc gia này áp dụng việc kiểm tra từng container, phun khử trùng, đưa vào kho lấy mẫu khiến quá trình thông quan diễn ra lâu hơn so với bình thường, khiến ùn ứ kéo dài. Nên bà con làng nghề tìm cách chuyển hướng, tập trung vào các loại chế biến thuỷ hải sản đông lạnh, tiện dụng, như chỉ sơ chế cấp đông rồi bán cho các công ty chế biến chuyên sâu hơn. Nhất là thời điểm dịch bệnh kéo dàì thì sản phẩm đóng hộp, chế biến sẵn cũng sẽ được ưa chuộng….

Chia sẻ khó khăn cùng bà con, ông Hoàng Thanh Sơn – Chủ tịch UBND phường Nghi Tân – cho hay, 2 năm trở lại đây do dịch bệnh kéo dài, tiêu thụ hàng hoá vào các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tại làng nghề chế biến và bảo quản hải sản đông lạnh Nghi Tân, TX Cửa Lò vẫn còn 24 hộ kinh doanh, trong đó có 46 kho cấp đông và 61 kho bảo quản, sản lượng dự kiến cuối năm 2021 đạt 4.000 tấn.

Theo báo cáo của UBND thị xã Cửa Lò, tổng sản lượng khai thác trong 9 tháng đạt 13.120 tấn hải sản các loại, tăng 9,2% so cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, tăng về sản lượng nhưng giá trị thủy, hải sản lại giảm mạnh. Trữ lượng hàng tại các kho đông lạnh trên địa bàn đang dự trữ khoảng 5.000 tấn hải sản các loại, như: mực, cá thu, cá chim, các mú, tôm, cá nục… Ngoài ra, tại phường Nghi Tân và phường Nghi Thủy, có 300 tấn cá lồng chủ yếu là cá vược và cá hồng Mỹ đã đến thời kỳ thu hoạch.

Không riêng ở thị xã Biển Cửa Lò, tại các địa phương khác ở Nghệ An cũng gặp tình trạng tương tự. Tại TX. Hoàng Mai có trên 1.000 tàu thuyền khai thác hải sản, bình quân mỗi tháng khai thác từ 3.500 – 4.000 tấn hải sản các loại. Trên địa bàn có 70 kho đông, hiện trong các kho đông còn gần 5.000 tấn hải sản chờ xuất. Còn ở huyện Quỳnh Lưu, do các thị trường lớn là Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách nên phần lớn bạn hàng hạn chế nhập. Kho cấp đông của 40 hộ kinh doanh còn trên 1.500 tấn. Hay tương tự tại huyện Diễn Châu có gần 1.300 tàu thuyền đánh bắt cá, với 125 kho đông lạnh, dẫn đến tình trạng hải sản tiêu thụ trở lên khó khăn rất nhiều…

Cần tính chuyện đường dài

Trước thực trạng này, các địa phương, ngành chức năng của tỉnh Nghệ An đã tăng cường nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho bà con. Các địa phương đã chủ động rà soát kế hoạch sản xuất hải sản, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh để có kế hoạch thu mua hải sản cho các tàu thuyền đi biển về.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò – cho hay, thị xã đã có báo cáo gửi Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An để tìm cách kết nối các địa phương trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra thị xã cũng có văn bản gửi các huyện; vận động bà con tiếp tục liên hệ với các thương lái, các khách hàng truyền thống để thương lượng giá cả; đối với các sản phẩm từ làng nghề đã được công nhận sản phẩm OCOP thì liên hệ với các siêu thị, đại lý trên địa bàn tỉnh để giới thiệu tiêu thụ cho bà con…

Dù giảm giá mạnh, nhưng tiêu thụ hải sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Về phía Sở Công Thương Nghệ An, sau khi nhận được văn bản của các địa phương về ách tắc đầu ra cho hải sản, Sở đã ra văn bản kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp cả nước hỗ trợ, kết nối tiêu thụ hàng nghìn tấn tôm, cá, hải sản đông lạnh các loại đang tồn đọng. Ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương – cho biết, Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cả nước để kêu gọi hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, phối hợp Cục Xúc tiến thương mại; Vụ Thị trường trong nước, các hệ thống phân phối như Vincommerce, Lotte, MM Mega Market, BigC, Sunmart, Bibi Green… nhằm tháo gỡ, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm thủy, hải sản.

Ngoài ra, hướng dẫn rà soát thủ tục pháp lý về sản phẩm hàng hóa của các cơ sở cung ứng; kịp thời tư vấn, hỗ trợ cơ sở tiến hành hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đưa sản phẩm vào trong các hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, thông tin về các sản phẩm thủy, hải sản Nghệ An cũng được đăng tải lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, tình hình tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản tươi, đông lạnh đã có nhiều chuyển biến.

Đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng nhanh với biến động của thị trường là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. “Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước cũng là thời cơ để các sản phẩm thủy sản Nghệ An tiếp tục thâm nhập sâu vào thị trường trong nước và hướng tăng lượng xuất khẩu bù lại sản lượng bị ảnh hưởng trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19”, ông Phạm Văn Hoá cho biết thêm.

Hoàng Trinh