Nghệ An thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều dịp Tết và lễ hội

Đăng ngày 08/01/2024

(Baonghean.vn) – Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm cũng tăng lên. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp này là rất lớn.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang tới gần; sau đó là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh. Tết Nguyên đán và mùa lễ hội chính là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm như thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… Nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp này là rất lớn.

dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-dip-tet-nghuyen-dan-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-se-duoc-cac-cap-nganh-day-manh-anh-thanh-chung-2-9189.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Vinh kiểm tra xưởng sản xuất cà muối không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, ngày 02/01/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bản tỉnh Nghệ An. Tiếp đó, ngày 04/01/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-UBND kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân – năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-dip-tet-nghuyen-dan-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-se-duoc-cac-cap-nganh-day-manh-anh-thanh-chung-4-5429.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra nhà máy sản xuất thực phẩm trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Phạm Ngọc Quy – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết: Với tiêu chí đặt ra là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024; Nghệ An sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, tăng cường kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao; đồng thời, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra.

dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-dip-tet-nghuyen-dan-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-se-duoc-cac-cap-nganh-day-manh-anh-thanh-chung-1-5194.jpg
Kiểm tra hàng hóa của một siêu thị ở thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; chú trọng kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm…

Thông qua công tác kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường, phòng ngừa, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 15.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, cấp tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, còn cấp huyện và xã vẫn chưa thể kiểm soát một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng nghìn cơ sở hoạt động tự do, chưa được đăng ký, quản lý về cơ sở, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống nhiễm khuẩn.

Công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm ở tuyến huyện, xã chưa nghiêm, nên số cơ sở vi phạm vẫn chưa có chuyển biến tích cực, nhất là cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ nấu ăn lưu động… Một số người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình nên vẫn còn mua, sử dụng những sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn. Vì mục đích lợi nhuận, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mọi người dân cần tuân thủ tuyệt đối 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm an toàn; Nấu chín kỹ thức ăn; Ăn ngay sau khi nấu; Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; Nấu lại thức ăn thật kỹ; Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống; Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn; Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.

BÁC SĨ PHẠM NGỌC QUY – CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TỈNH NGHỆ AN

Nguồn: Thành Chung: Báo Nghệ An