Nét mới năm học 2022-2023

Đăng ngày 06/10/2022

Năm học 2022 – 2023, ngành Giáo dục xác định chủ đề là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT”, với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, đề án, chương trình để cụ thể hóa các chủ trương và định hướng phát triển GD-ĐT; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Cùng đó, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 – 2030”; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025…

Năm học 2022 – 2023, theo lộ trình đổi mới, Chương trình GDPT 2018 sẽ bắt đầu triển khai đối với các khối lớp 3, 7 và 10. So với chương trình cũ, chương trình mới có một số điều chỉnh nhằm hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất và những năng lực cốt lõi cho học sinh.

Chương trình mới áp dụng với lớp 3 sẽ gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc sau: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, chương trình mới quy định thời lượng học ngoại ngữ là 4 tiết trong tuần, cả năm là 140 tiết. Các em cũng được học thêm Tin học và Công nghệ (70 tiết/năm).

Với lớp 7, Chương trình GDPT mới không còn 2 môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học Tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp lại. Tuy nhiên, số tiết và nội dung vẫn giữ nguyên thời lượng như chương trình cũ. Các môn học, hoạt động bắt buộc khác gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm giáo dục của địa phương. Chương trình mới cho phép học sinh lớp 7 tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2.

Đặc biệt, năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở cấp THPT, với lớp 10. Chương trình có sự thay đổi rõ rệt theo định hướng giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, học sinh không phải học 17 môn bắt buộc như hiện nay. Thay vào đó, các em sẽ học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng – an ninh, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Bên cạnh đó, học sinh chọn 4 trong 9 môn học lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc và Mỹ thuật.

Phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đảm bảo “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”. Chú trọng các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở giáo dục, cụm trường, trong và ngoài địa bàn, thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; thực sự nâng cao chất lượng từng tiết dạy học, từng hoạt động giáo dục của mỗi giáo viên.

Hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 trên cơ sở quy hoạch tổng thể khuôn viên, vị trí các khối công trình và bố trí sử dụng ưu tiên cho học sinh, để phù hợp với hoạt động của từng cơ sở giáo dục. Tập trung mở rộng khuôn viên 11 trường theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Quan tâm công tác truyền thông giáo dục nhằm thống nhất về nhận thức, tiếp nhận và cung cấp kịp thời các thông tin, chủ trương, chính sách cũng như nhiệm vụ, giải pháp của ngành, của cơ sở giáo dục đến với cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh và nhân dân.

Nâng cao tiêu chí, tiêu chuẩn và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục và đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục dựa trên tiêu chí chất lượng đầu ra của học sinh là chính. Xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; môi trường giáo dục dân chủ, khai phóng, sáng tạo; đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, hướng tới quản trị chất lượng và hình thành văn hóa chất lượng trong các cơ sở giáo dục.

   Phùng Đức NhânThUV, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã