Lê Thị Bạch Cát – Người nữ chiến sĩ kiên trung bất khuất

Đăng ngày 01/02/2018

Liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát đã đi xa, nhưng nỗi đau còn lại với gia đình, đồng đội, bạn bè bởi tâm nguyện suốt 50 năm qua được đón Chị về với đất mẹ vẫn chưa thành.

Chị Lê Thị Bạch Cát sinh ngày 10/10/1940, là con út trong một gia đình nhà nho có 7 người con tại xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò). Lớn lên, Chị trở thành người con gái thông minh, xinh đẹp, hiền hậu, giàu ý chí, nghị lực. Vì thế, gia đình đã cho Chị ăn học chu đáo. Năm 1958, Chị thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm thể thao Trung ương. Học xong Chị được trường giữ lại làm giảng viên.

Nữ anh hùng Lê Thị Bạch Cát

                                            Nữ anh hùng Lê Thị Bạch Cát

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng diễn ra ác liệt, phát huy truyền thống quê hương, Chị đã xếp lại tất cả, làm đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu.

Tháng 4/1964, Chị được tổ chức chọn về học tập trường cán bộ đi B ở Phú Thọ. Ngày 22/12/1964, Chị cùng đoàn cán bộ lên đường vượt Trường Sơn vào Nam giết giặc cứu nước. Một số đồng đội trong cùng chuyến đi với Chị nay còn sống kể lại: Tháng 7/1965, Chị Bạch Cát cùng đoàn công tác tập kết tại căn cứ của Khu đoàn Sài Gòn – Gia Định ở Bến Cát, Bình Dương. Tại đây chị đã tìm cách đi thăm người thân hợp pháp ở Đà Lạt, liên hệ với người cháu ruột của mình là Lê Thành Dũng và vận động theo cách mạng. Tiếp đó chị được điều về công tác ở Thành đoàn Sài Gòn, tham gia lực lượng biệt động trong nội thành với bí danh Sáu Xuân.

Tháng 5/1966, Chị được điều về lực lượng vũ trang Khu đoàn Sài Gòn – Gia Định. Thời gian này, Chị Bạch Cát tìm cách liên lạc với anh trai Lê Văn Nghinh – Cha của Lê Thành Dũng. Ông đã giới thiệu Chị về sống tại nhà ông Tô Thanh ở Quận 4. Ngoài ra, ông Nghinh giúp Chị liên hệ với một số cơ sở có tình cảm cách mạng ở Quận 2 (nay là Quận 1). Với thẻ căn cước giả mang tên Đinh Thị Lan, sinh năm 1944, ông Tô Thanh giới thiệu với mọi người Chị là cháu ruột mới từ Nghệ An vào.

Để tạo cho mình một vỏ bọc hợp pháp, Chị Bạch Cát phải trải qua đủ nghề: thợ may, làm nón, bán rau cải, chanh ớt… vừa tự kiếm sống, vừa thu thập tin tức xây dựng cơ sở cách mạng. Từ gia đình Tô Thanh, chị quen với một đồng hương Nghệ An khác, anh làm nghề lái xe ở hẻm 83, trở thành cơ sở hoạt động của Chị. Tại đây, Chị đã xây dựng được cơ sở cách mạng như gia đình ông Trần Quớ Huê, Trần Văn Quỳ… làm nơi cất giữ vũ khí, tập kết lực lượng để xuất kích trong tết Mậu Thân 1968.

Theo lời ông Nguyễn Chí Nhân (Hai Nhân), Phó Bí thư Quận ủy, phụ trách Quân sự: “Sở dĩ Chị Bạch Cát chọn địa điểm này làm nơi xuất kích là nhằm để tấn công vào ty cảnh sát quốc gia ở 72 Yersin (nay là trụ sở Công an Quận 1)”.

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy vào mùa xuân Mậu Thân 1968, Chị Bạch Cát chỉ huy tổ võ trang tuyên truyền Quận 4, phát động quần chúng nổi dậy đánh vào hẻm Hiệp Thành tại bến Văn Đồn. Các đội viên cảm tử Tô Liên, Phan Giáo Dục, Lê Hòa… đã treo cờ cách mạng từ 23 giờ đêm mồng 1 đến 3 giờ sáng mồng 2 Tết Mậu Thân.

Tháng 3/1968, Chị Bạch Cát chuyển về Quận 2 giữ chức vụ Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn, chuẩn bị vũ trang liên quận 2 và 4 (nay là Quận 1) khoảng 40 người do Chị chỉ huy cùng với các cụm, các điểm ém quân của ta tiến vào theo kế hoạch, tấn công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn.

Trong trận đánh quyết tử 5 giờ sáng ngày 05/5/1968, tại mặt trận Đề Thám – Cô Bắc – Cô Giang, Chị Lê Thị Bạch Cát cùng đội vũ trang tuyên truyền gồm Lê Thị Hồng Quân, Trần Thị Viện, Phan Văn Phê, Nguyễn Hữu Phước, Võ Thị Thu (Chín Thu), Hà Văn Tiết (công nhân cảng Ba Son), Quang – liên lạc (15 tuổi, Việt Kiều ở Lào về)… từ hẻm 83 Đề Thám kêu gọi nhân dân nổi dậy, phân phát truyền đơn, tuyên truyền đường lối của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Ảnh minh họa

                                                                        Ảnh minh họa

Lệnh khởi nghĩa vừa phát ra, cảnh sát dã chiến và cảnh sát quận 2 cũ đã bao vây toàn bộ khu vực Đề Thám – Cổ Bắc – Cô Giang. Một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến trên chung cư Cô Giang nã đạn xuống xối xả, một tốp khác từ ngoài bắn vào. Chị Bạch Cát vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội chiến đấu cầm cự với địch nhiều giờ đồng hồ. Do địa hình chiến đấu khó cơ động, con hẻm chỉ rộng khoảng 2m nên các chiến sỹ chiến đấu trong tình thế rất khó khăn. Một quả M79 từ lầu cao lao thẳng xuống đội hình chiến đấu. Chị Bạch Cát bị thương nặng, các đồng đội, người hi sinh, người bị thương nặng. Nhận thấy tình thế nguy cấp, Chị Bạch Cát lệnh cho các đồng đội rút lui để bảo toàn lực lượng. Còn mình ở lại thu hút hỏa lực địch, yểm trợ cho đồng đội rút lui. Trước khi rút, Chị Chín Thu trao lại Chi Bạch Cát và Hồng Quân 2 quả lựu đạn. Thấy tiếng súng thưa dần, địch tràn lên, kêu gọi Bạch Cát đầu hàng, nhưng cô vừa cương quyết chống trả vừa hô to nhiều lần “Đả đảo đế quốc Mỹ. Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Chị Chín Thu vừa rút lui thì bỗng nghe một tiếng nổ dữ dội vang lên. Chị Bạch Cát đã chia đôi quả lựu đạn với kẻ thù và anh dũng hi sinh…

Trong trận đánh này, Chị Hồng Quân và Quang bị bắt, sau đó Chị Hồng Quân bị đày ra Côn Đảo cho đến ngày được trao trả ở Lộc Ninh. Còn Quang, kẻ thù mua chuộc dụ dỗ không thành, chúng đánh đập và chọc ma trắc vào vết thương trên ngực Quang. Người chiến sỹ quả cảm ấy đã cất lên lời hát đứt quãng trước khi ngã xuống ở tuổi 15.

Sau này bà con quanh vùng kể lại: Địch nghe hết tiếng súng, tràn lên, thấy Chị Bạch Cát bị thương thì gọi hàng, định bắt sống. Nhưng, Chị đã hô to nhiều lần: “Đả đảo đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh muôn năm”, đồng thời ném lựu đạn về phía giặc, đồng chí trúng đạn và anh dũng hi sinh. Tức tối, bọn cảnh sát dã chiến đã trả thù hèn hạ bằng cách cột chân tay thi thể chị Sáu Xuân lôi xềnh xệch trên mặt đường từ hẻm 83 Đề Thám ra đến tận ngã 5 rồi chở xác về Chí Hoà nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân, nhưng bà con vẫn không quên được hình ảnh người con gái Xứ Nghệ đã hy sinh đời mình cho Tổ quốc.

Khi hy sinh, Bạch Cát mới 28 tuổi, chưa lập gia đình (1940-1968). Thương tiếc chị Lê Thị Bạch Cát, nhân dân địa phương đã lập bàn thờ Chị ở đền An Nhơn, Quận 1. Sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất, ở TP.HCM đã cho đặt tên một con đường và một trường tiểu học ở Quận 11 mang tên Lê Thị Bạch Cát. Năm 1985, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Tại Thị xã Cửa Lò, quê hương Chị, trường Trung học Cơ sở liên phường Nghi Thu và Thu Thủy được đặt tên Lê Thị Bạch Cát.

Đường mang tên Lê Thị Bạch Cát, quận 11, TP HCM

                              Đường mang tên Lê Thị Bạch Cát, quận 11, TP HCM

Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, phường Nghi Thu- TX Cửa Lò

                        Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, phường Nghi Thu- TX Cửa Lò

TP.HCM cũng phát động giải thưởng Lê Thị Bạch Cát dành cho cán bộ, công chức trẻ, giỏi có nhiều sản phẩm sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, chống tiêu cực.

Để đánh giá đúng thành tích cống hiến, hi sinh anh dũng, kiên cường của liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát, gia đình, họ tộc, quê hương, đồng đội của liệt sỹ và những nơi chị từng công tác (Trường Đại học TDTT Từ Sơn – Bắc Ninh, Quận đoàn 1, TP.HCM) đều có nguyện vọng tha thiết đề nghị Nhà nước xét truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát, làm tấm gương soi sáng cho truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

trường Đại học sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đã đến thăm và tặng quà tri ân nữ nhà giáo – Liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sĩ

Trường Đại học sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội  thăm và tặng quà tri ân nữ nhà giáo – Liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sĩ

Dù Chị đã đi xa, nhưng hình ảnh về Nữ nhà giáo, Liệt sỹ biệt động Thành bất khuất kiên cường, một cán bộ Đoàn Thanh niên nội đô thông minh giữa sào huyệt kẻ thù. Đã 50 năm chị nằm xuống mảnh đất Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, Lê Thị Bạch Cát vẫn sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Lê Liên Xuân-Sáu Xuân./.

           Phan Công Lưu – Nguyên Phó Bí thư thường trực Thị ủy Cửa Lò