Học người Thái

Đăng ngày 24/03/2014

Ở Thái Lan – du lịch là công nghiệp chứ không phải là dịch vụ như ở Việt Nam. Vì là dịch vụ ai làm cũng được và mạnh ai nấy làm nên hậu quả là yếu đều. Tổng cục Du lịch Việt Nam chỉ là cơ quan tham mưu của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, còn TAT là cơ quan siêu bộ trực thuộc thủ tướng. Ở Thái, Bộ Du lịch là cơ quan tham mưu chứ không phải là cấp trên của TAT. TAT bổ nhiệm nhân sự và trả lương cho các Sở Du lịch, quy hoạch tổng thể du lịch, tiếp thị hình ảnh quốc gia và có cơ quan đại diện tại nhiều nước. TAT chủ động đàm phán với các ngành, đề xuất các chương trình khuyến mãi, là nhân lực chủ yếu của Ủy ban Quốc gia về du lịch do thủ tướng đứng đầu.

Tại TP.HCM, văn phòng đại diện của TAT có cả người Thái nói tiếng Việt và người Việt nói tiếng Thái theo dõi hoạt động của các công ty Việt Nam, trực tiếp mời “đúng người, đúng việc” đi thực tế; có đoàn chỉ 3-5 người nhưng rất hiệu quả. Không chỉ đài thọ toàn bộ chi phí, tại các điểm đến, từ khu du lịch cao cấp hay chỉ là quầy lưu niệm, TAT đều thanh toán đầy đủ các chi phí. Họ cho rằng “các doanh nghiệp đã đóng thuế, nên khi mình sử dụng bất cứ dịch vụ nào đều phải hỗ trợ họ bằng cách trả tiền sòng phẳng”.

Các homestay của Thái được tổ chức trong nhà của hầu hết những người giàu có. Nhà rộng, sức chứa có khi tới 40 – 50 người và luôn gắn với các vệ tinh là nghề truyền thống – thủ công của dân bản địa. Tôi đã đến tham quan kỹ thuật lấy nước từ bông cây dừa (như nước thốt nốt ở Campuchia) rồi nấu cô lại thành đường dừa. Hay cách làm than hoạt tính để khử mùi từ các loại trái cây bị điếc… Hỏi bà con ai chỉ cách làm, ai bao tiêu sản phẩm thì đều được trả lời: “TAT”.

Ở Kanchanaburi – nổi tiếng với di tích cầu sông Kwai có Home Phu Toey resort với các khu bảo tàng trưng bày từ đầu máy xe lửa, mini show về cầu sông Kwai đến các hiện vật gốc rất phong phú của một thời kỳ đau thương mà anh dũng.

Ở vườn quốc gia Khaoyai (di sản thiên nhiên thế giới) có nhiều dịch vụ gắn với việc tìm hiểu về hệ sinh thái động thực vật. Trong vườn có hệ thống đường rải nhựa và đường dây điện để du khách đến tham quan hoặc cắm trại. Buổi tối hoặc ban ngày đều có thể đi xe đặc chủng để xem thú. Từ nhím, chồn, cheo, sóc, các loại chim chóc cho đến nai, hoẵng, heo… cứ nhởn nhơ gặm cỏ hoặc chạy nhảy vô tư.

Cha ông mình từng bảo “Học thầy không tày học bạn”. Cái sáng tạo là vô chừng mà cũng chưa biết tìm đâu thầy để học? Thôi đành học bạn vậy. Đi sau cũng có cái lợi. Từ kinh nghiệm của bạn, mình có thể vận dụng cải tiến để phá thế độc tôn của du lịch biển và phố ở Việt Nam hiện nay.

Theo: Nguyễn Văn Mỹ