“Gia vị” cho một vùng Du lịch

Đăng ngày 20/03/2014

 

Theo một thống kê gần đây của ngành du lịch, khách nước ngoài khi đến du lịch Việt Nam thì có rất ít người sẽ trở lại Việt Nam du lịch lần thứ 2, bởi ta có nhiều thứ thiếu về cơ sở vật chất đến văn hoá ứng xử, nhưng tựu chung cái đều đều, nhàm chán, nơi nào cũng giống nơi nào thì đó là thực trạng. Vậy Cửa Lò đã thêm “gia vị” gì vào vùng văn hoá du lịch của mình.
Trong một lần dạo bước trên bãi biển Cửa Lò tôi đã gặp ông Khăm Cỏn Thip Pha Vông, du khách nước bạn Lào. Khi tôi hỏi Cửa Lò có điểm gì ấn tượng? Ông Khăm Cỏn Thip Pha Vông cho biết: “Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, không thiếu những bãi biển đẹp và thơ mộng. Biển thì giống nhau, buồng ngủ cũng giống nhau, cả đến những món ăn… nhưng cái để tôi nhớ Cửa Lò đó là tiếng nói của người dân, là đêm đi câu mực, là buổi sáng cùng kéo lưới với bà con ngư dân…”.
Tôi còn được biết, tua du lịch đến từ Lào của ông Khăm Cỏn Thip Pha Vông tiêu tốn khoảng gần 1 ngàn đô la để mua quà vặt và các chi phí cá nhân khác, ông nói thêm: “ở đây chúng tôi được gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân biển miền Trung Việt Nam. Đây còn là nơi rất yên ổn về an ninh trật tự không nước nào trên thế giới có được”.
Đúng vậy, mấy năm gần đây Đảng bộ, chính quyền Thị xã du lịch tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động du lịch. Đặc biệt là ưu tiên phát triển các loại hình vui chơi giải trí và Thị xã cũng đang chỉ đạo các đơn vị địa phương hướng vào đầu tư, sản xuất những sản phẩm phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ. Tăng cường công tác môi trường, cảnh quan nhằm tạo ấn tượng đẹp và thu hút du khách đến với Cửa Lò ngày một nhiều hơn.
Du lịch phát triển đã tạo điều kiện cho nhiều người dân Cửa Lò có thêm thu nhập từ nghề này. Trước đây, ông Nguyễn Văn Phương ở phường Thu Thủy hàng ngày vẫn vào lộng, với 3 chiếc thuyền mủng, 3 bố con cũng kiếm được vài trăm ngàn tiền câu mực. Nhưng từ ngày phát triển dịch vụ chở du khách đi câu, nhà ông không phải vất vả như trước, mỗi đêm như thế, mỗi thuyền cũng kiếm được 150 đến 3 trăm ngàn đồng, không tốn công mất sức mà lại vui. Có vốn, ông sắm thêm mỗi thuyền dăm sáu cái phao cứu sinh.
Sau cái vút câu, những con mực ống trong như pha lê, óng ánh lân tinh được vớt lên rồi phớt lên chao đèn đang nóng ran toả mùi thơm phức. Du khách cắn một miếng giòn sớt, ngợp thêm ngụm rưọu Nghi Phú, pha tiếng cười vang lan toả khắp màn đêm ì oạp sóng nước. Một thú vui tao nhã, vừa mạo hiểm, mới lạ, lại thư gian tuyệt vời. Hiện nay, bãi biển Cửa Lò đã có hàng trăm chủ thuyền làm được như bố con ông Phương.

Còn chị Thìn ở Nghi Hương thường dậy từ lúc 3 giờ sáng, lên làng rau Hưng Đông cách nhà gần vài chục cây số. Lâu nay chị đặt hàng với các hộ trồng rau về chế độ chăm bón, thu hoạch nên rau chị nhận về luôn đảm bảo sạch, tươi và nguyên chất. Nhà chị lại sắm phương tiện bảo quản kỹ lưỡng, sau khi nhận rau về chị phân loại, vệ sinh và nhập cho các nhà hàng. Nào cải xút, rau đay, ngọn bầu, rau lang, những thứ ấy ngày xưa là của nhà nghèo, nay đã thành đặc sản trong các nhà hàng sang trọng. Chi cho biết bây giờ nhập rau phải có địa chỉ và thương hiệu hẳn hoi. Nếu nhà hàng có ý kiến, khách hàng phản ánh về chất lượng rau là tôi phải thu hồi và chịu đền bù cho nhà hàng. Tôi giữ uy tín cho mình nhưng cũng là quan hệ lâu dài bao tiêu sản phẩm cho nông dân, để ai cũng có lợi trong đó…
Hàng trăm nông dân cuốn hút vào vòng xoáy của vùng du lịch Thị xã biển Cửa Lò mỗi người một nghề. Có người làm nghề bóng ghẹ, ốc, cua, có người chỉ chuyên rau vặt, có người lại chuyện tương ớt, cà muối, rau thơm, câu mực đêm. Nhưng với những nghề ấy, đã đem lại thu nhập ổn định cho những hộ nông dân trước đây chỉ quen cày xới vun trồng được chăng hay chớ. Chị Thìn ở Nghi Hương mỗi mùa du lịch cũng thu hơn 5 chục triệu đồng, hay gia đình ông Phương mỗi mùa như vậy cũng thu dăm sáu chục triệu. Từ những nghề ấy đã làm sinh động cho chất văn hoá ẩm thực độc đáo và văn hoá ứng xử, văn hoá vui chơi của quê biển miền trung mà du khách cảm thấy không giống đâu cả.
Bên cạnh đó, Cửa Lò còn mở các lớp tập huấn văn hóa ứng xử và kinh nghiệm làm du lịch cho những nhà nông làm nghề kinh doanh du lịch nhằm tạo ra quy củ cho miền du lịch mang tính bền vững tương lai. Không chỉ có vậy, Cửa Lò còn tập trung cao độ công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương “5 không” đó là không tự ý nâng ép giá; không chèo kéo khách; không tẩm quất, bán hàng rong; không làm bẩn môi trường và không làm mất an ninh trật. Đó chính là “gia vị” cho vùng du lịch mà tôi nghĩ mãi không ra. Và một buổi sáng mai thức dậy, đứng trước biển nườm nượp du khách, lòng bỗng thấy miền quê ấy đang xứng tầm với văn hoá của trăm năm.

Theo: Hữu Lương