Du xuân, đến Lễ hội Đền Vạn Lộc

Đăng ngày 23/03/2014

 

Để tưởng nhớ và tôn vinh công lao, sự nghiệp của Thái úy Nguyễn Sư Hồi, đặc biệt là công khai cơ, lập làng, theo tục lễ cổ truyền đã có từ hàng trăm năm nay, cứ 3 năm một lần, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức lễ rước kiệu, long ngai, bài vị của Nguyễn Sư Hồi. Đây là một lễ hội lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương và dân chúng trong vùng, nhộn nhịp, đông vui và trang trọng không kém gì không khí Tết Nguyên đán.

Thần phả đền Vạn Lộc và nhiều tài liệu lịch sử địa phương, cho biết: Vào khoảng năm 1468, Thái úy, Đô đốc Nguyễn Sư Hồi được giao chỉ huy lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía nam quốc gia Đại Việt, ông đã chọn vùng cửa Xá cạnh làng Thượng Xá quê hương làm đại bản doanh. Bấy giờ, Cửa Lò chưa xuất hiện.

Lễ hội Đền Vạn. Ảnh: Xuân Nhường.

Cửa Xá là nơi sông Cấm đổ ra biển. Từ cửa Xá, theo đường thủy, thuyền đi ngược dòng sông Cấm lên phía tây nam là kênh Kẻ Gai, kênh Chính Đích, rồi gặp sông Lam; từ đó, ngược dòng sông Lam đi lên nữa là các huyện miền tây Nghệ An và đi tiếp là địa phận của nước Ai Lao (Lào). Từ cửa Xá, theo kênh Nhà Lê ra phía bắc sẽ đến Cố đô Hoa Lư và đi tiếp nữa là Kinh thành thành Thăng Long – đế đô của quốc gia Đại Việt

Bao bọc cửa Xá, ba bề, bốn bên là núi. Phía hữu ngạn cửa Xá, là dãy Tượng Sơn cao trên 200 mét; phía tả ngạn, là ngọn Kiếm Sơn; sau lưng, là hòn Động Đình; phía trước mặt là dãy Hoàng Lao… Các ngọn núi này như những bức tường thành tự nhiên che chắn cho Cửa Xá. Cửa Xá cũng từng là địa giới giữa hai huyện Chân Lộc và Hưng Nguyên trong lịch sử.

Thuở đi bộ bằng ngựa, đi thủy bằng thuyền; thuở đánh nhau bằng gươm đao, cung kiếm… thì việc trấn giữ cửa Xá, thể hiện tầm nhìn chiến lược về quân sự của Đô đốc, Thập nhị hải môn Nguyễn Sư Hồi. Tại đây, cùng với việc chăm lo công việc tuần tra, xây dựng tuyến phòng thủ ven biển, Nguyễn Sư Hồi còn quan tâm phát triển kinh tế, chiêu tập dân cư, hình thành nên một số làng xã, trong đó có làng Vạn Lộc – tiền thân của phường Nghi Tân ngày nay.

Bấy giờ, nơi đây còn là một vùng đất sình lầy, hoang sơ, có tên gọi là trại Cây Bàng, gồm vài chục hộ dân của các dòng họ Hoàng, Lê, Phạm, Nguyễn sinh sống. Nguyễn Sư Hồi đã huy động binh lính và dân chúng mở mang dần, hình thành nên một địa bàn dân cư sầm uất, có tên gọi ban đầu là làng Hải Ngung. Vào khoảng năm 1493, làng Hải Ngung đổi thành làng Hải Giang. Về sau đổi thành làng Vạn Lộc và duy trì tên gọi này cho tới sau cách mạng tháng Tám, năm 1945.

Trong lịch sử, Vạn Lộc là một làng có nhiều người thành đạt, từng được tôn vinh là nơi: “Văn dành đỉnh bút, Võ chiếm đề đao, Nền Y học không nơi nào sánh kịp”. Sự nghiệp kinh dinh của Thái úy Nguyễn Sư Hồi còn để lại nhiều dấu tích trên địa bàn này. Trong đó, dấu ấn đậm nét nhất là sự tồn tại của kè đá cao khoảng 3 mét, rộng hơn 2 mét, dài hơn ba cây số chạy dài từ chân Núi Voi (địa phận xã Nghi Quang), qua dọc bờ sông Cấm trước mặt làng Vạn Lộc ra đến Cảng Cửa Lò ngày nay và lũy đất từ Cổ Bù đến sát chân Lô Sơn. Hai công trình này vừa có tác dụng ngăn mặn, vừa là tuyến phòng thủ quan trọng của Nguyễn Sư Hồi ở thế kỷ thứ XV.

Năm 1506, Nguyễn Sư Hồi qua đời. Tưởng nhớ công đức của người đã có công “khai cơ, lập ấp”, làng Vạn Lộc đã tôn Nguyễn Sư Hồi làm “Thành hoàng”, xây mộ, dựng đền thờ tại Lùm Cò (thuộc địa phận làng Đông Biên (nay là khu vực bến I – Cảng Cửa Lò). Về sau, đền thờ Nguyễn Sư Hồi được dời về tại vùng đất trước mặt dòng sông Cấm hiện nay. Trải bao tác động của thiên tai, địch họa, đền Vạn Lộc thờ Nguyễn Sư Hồi – Người “một thuở mang gươm đi mở cõi” vẫn trường tồn đến tận ngày nay cùng với đôi câu đối ca ngợi công đức của Ngài:

Dẹp giặc, yên dân, nghĩa khí ngàn năm ghi nhớ;
Khai cơ, lập nghiệp, công ơn muôn thuở lưu truyền.

Cùng tồn tại với đền Vạn Lộc – là lễ rước kiệu, long ngai, bài vị của Thái úy Nguyễn Sư Hồi.

Lễ hội bắt đầu từ chiều ngày 11 và kết thúc vào tối ngày 16 tháng Giêng (âm lịch), bao gồm 3 phần: Lễ tẩy trần, lễ yết cáo và lễ rước. Trong đó, lễ rước là một hoạt động trọng thể, trang nghiêm và hoành tráng nhất của lễ hội, thu hút hàng ngàn nhân dân địa phương và bà con trong vùng tham gia.

Lễ tẩy trần: Được tiến hành từ tối ngày 11 tháng Giêng âm lịch, với nội dung xin được mang các đồ tế khí của đền ra chùi rửa để chuẩn bị cho lễ rước vào ngày 16 tới.

Lễ yết cáo: Vào tối ngày 15 tháng Giêng. Nội dung của lễ này, nhằm báo cáo với các vị thần linh về công việc chuẩn bị và các bước tiến hành của lễ rước sẽ được tiến hành vào ngày hôm sau.

Các lễ trên, diễn ra tại đền Vạn Lộc với nghi thức hết sức trọng thể, trang nghiêm. Những người đang chịu tang không được dự lễ; trong những ngày lễ, chủ tế không được làm chuyện phòng the và các việc uế tạp. Những điều cấm kỵ ấy còn giữ mãi đến tận bây giờ.

Lễ rước:

Diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch.
Sau 3 hồi trống đại, vị thủ chỉ, hoặc người có chức sắc cao nhất của làng sẽ đọc bài văn ca ngợi công lao to lớn của Thái úy Nguyễn Sư Hồi và báo cáo với Ngài về những thành tích của địa phương trong thời gian qua. Sau đó, cuộc rước bắt đầu theo thứ tự, như sau:
– Đội múa Lân;
– Hai tấm biển: Tĩnh túc và Hồi ty;
– Đội trống chiêng;
– Kiệu sắc phong của Nguyễn Sư Hồi và kiệu sắc phong của Lê Khôi, có long ngai sơn son, thếp vàng rực rỡ, có tán lọng che kiệu ở 2 bên.
– Đội bát bửu sáng loáng;
– Đội nhạc;
– Các mâm ngũ quả;
– Kiệu rước bài vị các Quận công;
– Hai biển Hồng ân đại vương; Thượng đẳng thần;
– Đôi ngựa hồng, ngựa bạch có bánh xe đẩy đi rất oai phong,
– Đội tế với trang phục áo quần, cân đai, mũ hài với nhiều màu sắc lộng lẫy, oai vệ. Vị đại bái mũ đỏ, áo dài màu đỏ, có phủ rồng lấp lánh dẫn đầu đội tế;
– Đại biểu các dòng họ với trang phục chỉnh tề;
– Cuối cùng là các thành phần nhân dân bản xã…

Điều đặc biệt là dọc những tuyến đường mà đoàn rước đi qua, các dòng họ (nhất là các dòng họ khai cơ) được làng giao dựng cổng chào trước cổng nhà thờ họ và bày sΩn hương án với đủ bài vị, sắc phong, cùng với hương, rượu, hoa quả, đèn sáp để nghênh đón, bái vọng kiệu và linh vị của Nguyễn Sư Hồi. Tối đó, từ 7 giờ: Đại lễ tiếp diễn tại đền thờ Nguyễn Sư Hồi. Trong làn khói hương nghi ngút và trống chiêng rập rình… các nghi thức tế lễ đã diễn ra hết sức trang nghiêm, thành kính.

Phần hội: Bắt đầu từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động, như: hát tuồng, cải lương, thi đánh cờ người, thi chọi gà, kéo co… Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao sôi động trên bờ thì trên mặt sông Cấm trước đền Vạn Lộc sẽ diễn ra hội bơi thuyền hết sức huyên náo, cuốn hút hàng ngàn dân chúng các làng Vạn Lộc, Trung Kiên, Tri thủy, Yên Lương, Mai Bảng… sinh sống dọc đôi bờ sông Cấm đến xem. Việc tổ chức hội đua thuyền của làng Vạn lộc nhằm tái hiện lại những chiến tích oai hùng trên sông nước của thủy quân Nguyễn Sư Hồi và ghi nhớ công lao của ông, đã dạy cho dân làng cách đóng thuyền đi sông, đi biển.

Vào những ngày này, nước sông Cấm mênh mông, sóng vỗ ì oạp, xen lẫn tiếng hò reo cổ vũ của các ngư dân đứng chật trên những con thuyền đánh cá rợp bóng cờ, đậu ken dày dọc đôi bờ sông Cấm.

Tham gia hội bơi có khoảng chục chiếc thuyền của dân địa phương và một số xã bạn.

Thuyền đua được tô điểm sặc sỡ, mũi thuyền được chạm khắc đầu rồng, đầu ngựa uy nghi lẫm liệt. Mỗi thuyền có từ 20 đến 30 người mặc đồng phục, do một người chỉ huy tay cầm cờ phất, thổi còi, hoặc đánh phách mõ tạo nhịp cho các tay bơi, tay chèo nhịp nhàng. Đường đua trong khoảng từ 300 đến 500 mét và có 2 vòng đi và về.

Hiệu lệnh phát ra, các thuyền đua vun vút lao đi dưới sức đẩy của mái chèo và các dầm bơi liên tục bổ xuống mặt sông theo hiệu cờ, nhịp phách của người chỉ huy. Tiếng dô bơi, dô bơi… âm vang trong tiếng trống, tiếng người reo hò cổ vũ huyên náo đôi bờ sông Cấm.

Năm nay, cùng với việc tổ chức thi bơi thuyền truyền thống, UBND phường Nghi Tân sẽ tổ chức dùng thuyền rước kiệu Nguyễn Sư Hồi từ cửa đền ra đến lạch Lò và thả đèn hoa đăng trên mặt sông Cấm vào tối ngày Rằm tháng Giêng. Những hoạt động văn hóa, thể thao mới trong lễ hội lần này, nhằm tiếp tục tôn vinh công lao của Nguyễn Sư Hồi và không ngừng bổ sung, làm giàu thêm đời sống văn hóa của cư dân địa phương.

Còn trong những năm qua, Lễ hội đền Vạn Lộc đã trở thành một trong những nội dung chính của Lễ hội Sông nước Cửa Lò có tầm vóc và quy mô của lễ hội vùng do UBND Thị xã Cửa Lò tổ chức vào dịp 30 tháng Tư và 1 tháng Năm hàng năm.

Cùng với việc duy trì lễ hội cổ truyền, phường Nghi Tân đã và đang được lãnh đạo Thị xã Cửa Lò và các ngành cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư để từng bước nâng cấp cảnh quan, kiến trúc đền thờ Nguyễn Sư Hồi và các nội dung hoạt động lễ hội nơi đây thành một trong những điểm nhấn thu hút du khách!

Theo: Hoàng Anh Tài ( Báo Nghệ An)