Du lịch Vinh – Nam Đàn – Cửa Lò: Tìm điểm “nghẽn” để “khơi thông”

Đăng ngày 28/10/2014

Trong bản đồ du lịch Nghệ An, tuyến Vinh – Nam Đàn – Cửa Lò được xác định là khu vực trọng điểm. Trên thực tế, đây cũng là tuyến du lịch chiếm tỷ lệ chủ yếu lượng du khách đến Nghệ An. Tuy nhiên, hiệu quả tuyến du lịch này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục…
 
Du khách tham quan Bảo tàng Quân khu IV.
Du khách tham quan Bảo tàng Quân khu IV.
 
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên, bình quân hàng năm, Nam Đàn đón khoảng 1,6 triệu lượt khách du lịch hành hương về quê Bác. Riêng năm 2013, số lượng khách đến với Nam Đàn đạt 1.815.679 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch hơn 176,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện Nam Đàn, ngành Du lịch phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng của huyện, trong đó, lượng khách lưu trú chưa chiếm quá 0,2% trong tổng số du khách viếng thăm hàng năm.
 
Du khách đến Nam Đàn thì nhiều, nhưng chủ yếu tập trung đến 2 điểm chính là quê nội và quê ngoại của Bác Hồ (Hoàng Trù và Làng Sen). Thậm chí, nhiều đoàn khách chỉ lựa chọn thăm viếng 1 trong 2 điểm đến nói trên. Thời gian gần đây, với sự quan tâm của tỉnh, nhiều điểm đến tại quần thể di sản ở Nam Đàn đã được đầu tư nâng cấp. Trong đó, huyện Nam Đàn đã bảo tồn, phục hồi, phục dựng nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa tiêu biểu như nhà yêu nước Phan Bội Châu, cụm di tích đền thờ và Lăng mộ Vua Mai… Cũng trong chuỗi hành trình du lịch trên đất Nam Đàn, có không nhiều người biết đến cụm đền và chùa Đức Sơn ở xã Vân Diên. Đặc biệt, chùa Đức Sơn đang lưu giữ 41 pho tượng cổ quý hiếm, bộ bản mộc 210 bản kinh phật có giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc. Với một quần thể du lịch hấp dẫn, dày dặn như vậy, vì sao Nam Đàn vẫn chưa tạo ra được sự khác biệt trong khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ? Nguyên nhân được xác định là do công tác quảng bá, giới thiệu, thông tin, tuyên truyền còn hạn chế, sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Vấn đề vệ sinh môi trường cũng chưa được giải quyết triệt để, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của du khách. Đã có ý kiến cho rằng, nên chăng, huyện Nam Đàn tổ chức xây dựng một số điểm dừng chân bằng nhà tranh, vách đất có nước chè xanh miễn phí phục vụ du khách, tại đây bán các sản vật của địa phương như khoai lang nướng, luộc; sắn dây; tương Nam Đàn… Ông Lê Hải An – Cán bộ điều hành Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Úc – Việt nói rằng, ít nhất 10 năm nay, ông và nhiều người nhiều lần đề nghị huyện Nam Đàn nên đưa làn điệu dân ca xứ Nghệ, hát ví, dặm, phường vải vào hoạt động du lịch như một sản phẩm phi vật thể phục vụ du khách, nhưng đến nay, huyện vẫn chưa thể làm được. Trong khi đó, nếu xét về mức độ đặc sắc, dân ca xứ Nghệ xếp trong tốp đầu của cả nước và đang được đề nghị để UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Còn đối với sản phẩm tương Nam Đàn, cũng theo ông Lê Hải An, chỉ cần cảm quan cũng cho thấy việc đóng chai của sản phẩm này rất mất vệ sinh. Tương Nam Đàn nổi tiếng là vậy, nhưng đang được đóng gói bằng chai nhựa tận dụng vỏ từ các loại thực phẩm khác… 
 
Trong gần 5 triệu lượt khách du lịch đến Nghệ An 9 tháng đầu năm nay, gần 100% tổng lượng khách và doanh thu mà ngành Du lịch Nghệ An đạt được chủ yếu tập trung ở tuyến Vinh – Nam Đàn – Cửa Lò. Sau khi thực hiện hoạt động khảo sát, nghiên cứu tại Thị xã biển Cửa Lò, phần lớn những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành đều có chung nhận định: Du lịch Cửa Lò vẫn chưa có nhiều thay đổi so với các năm trước đây. Du khách đến Cửa Lò vẫn theo một lịch trình của “lối mòn” là: tắm biển – ăn hải sản – thăm thú một vài di tích lịch sử và… về. Những năm gần đây, Thị xã Cửa Lò đã quan tâm dành sự đầu tư hệ thống vệ tinh để phát triển du lịch biển. Đó là đầu tư tôn tạo, nâng cấp, phục dựng các công trình kiến trúc, di tích lịch sử như: di tích đền Vạn Lộc, đền Bàu Lối, chùa Song Ngư. Cùng với các di tích, thắng cảnh, điểm đến, Thị xã Cửa Lò cũng phục dựng một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội đua thuyền, Lễ hội Đền Vạn Lộc, Lễ hội sông nước Cửa Lò; xây dựng các làng nghề sản xuất nước mắm… Tuy vậy, nhìn chung các lễ hội chủ yếu ở mức độ cấp huyện; hoạt động của làng nghề còn bó hẹp trong không gian địa phương và việc quảng bá, giới thiệu còn hạn chế. 
 
Đền thờ vua Quang Trung - điểm đến không thể thiếu của nhiều người dân khi đến thành phố Vinh
Đền thờ vua Quang Trung – điểm đến không thể thiếu của nhiều người dân khi đến thành phố Vinh
 
Năm 2013  – 2014 tại Cửa Lò có 2 công trình du lịch trọng điểm được cấp phép đầu tư xây dựng, đó là tòa nhà khách sạn 27 tầng của Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh và Dự án Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao Lan Châu – Song Ngư, do Công ty cổ phần Song Ngư Sơn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Bạch Huy Việt – Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Thiên Việt Star thì tham quan, khảo sát đảo Ngư hiện tại chỉ mang tính chất góp ý, chứ hiện tại chưa thể khai thác du lịch và đưa du khách đến đảo Ngư được. 
 
Nếu xem tuyến du lịch Vinh – Nam Đàn – Cửa Lò là một đoạn thẳng thì Thành phố Vinh nằm vị trí trung điểm. Khác với Nam Đàn và Cửa Lò, ở TP. Vinh sự phát triển đồng đều về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đã tạo sự thuận lợi cho đô thị Vinh trong việc mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế – xã hội nói chung và đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp không khói nói riêng. Mục tiêu cao nhất của thành phố Vinh là mở rộng phạm vi quảng bá về tiềm năng du lịch, qua đó thu hút thêm du khách đến tham quan. Tuy vậy, trong chuỗi các điểm đến mà đoàn khảo sát du lịch mới thực hiện tại TP. Vinh, phần lớn mọi người đều cho rằng, du lịch TP. Vinh chỉ có đền Quang Trung và Bảo tàng Quân khu IV là thực sự hấp dẫn. Còn những điểm đến khác chưa tạo ra được sự lôi cuốn cần thiết. 
 
Khách tham quan các cây thị di sản tại xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc)
Khách tham quan các cây thị di sản tại xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc)
Khách du lịch đi ca nô từ đảo Lan Châu ra đảo Ngư
Khách du lịch đi ca nô từ đảo Lan Châu ra đảo Ngư
 
 
“Vẫn còn nhạt” – là cách đánh giá của nhiều người khi thực hiện hành trình khảo sát tuyến du lịch Vinh  – Nam Đàn – Cửa Lò. Ông Nguyễn Hữu Bắc – Công ty lữ hành quốc tế Thái Sơn cho rằng: “Các công ty du lịch, lữ hành rất ít khai thác thành công ở Nghệ An. Du khách cũng có nghe giới thiệu cam Vinh, tương Nam Đàn, nhưng chẳng biết mua ở đâu. Hệ thống bảo tàng hoạt động đơn điệu, đang bị hành chính hóa”. Công tác của hướng dẫn viên, thuyết minh viên cũng là vấn đề được đề cập nhiều. Hiện nay, trên tuyến du lịch Vinh – Nam Đàn – Cửa Lò, ngoài những thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên – Nam Đàn đang hoạt động tương đối hiệu quả, còn lại đều vắng bóng. Ngay như ở đền thờ Vua Quang Trung ở Thành phố Vinh, lâu nay chưa có hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Lúc nào có các đoàn khách yêu cầu, Ban Quản lý đền phải đi nhờ, đi thuê. Nghệ An hiện chưa có thuyết minh viên tại các điểm đến, di tích, thắng cảnh sử dụng ngoại ngữ để phục vụ khách nước ngoài. Đây cũng là một điều bất cập nếu ngành Du lịch muốn mở rộng phạm vi, quy mô thu hút khách du lịch.
 
Để tìm chìa khóa mở ra hiệu quả cho tuyến du lịch Vinh – Nam Đàn – Cửa Lò, Sở VH-TT&DL tiếp tục giao cho Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Nghệ An xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến. Tỉnh đã có kế hoạch đầu tư 1 hệ thống dịch vụ vệ tinh đáp ứng nhu cầu của du khách như: thành lập CLB Dân ca xứ Nghệ, xây dựng điểm bán các sản phẩm nước tương, rau khoai, sắn dây Nam Đàn. Lộ trình thực hiện sẽ bắt đầu từ năm 2015. Ngành Du lịch của tỉnh hiện đã xin được kinh phí để xây dựng được 40 nhà vệ sinh công cộng, sẽ dành sự ưu tiên số lớn nhất cho Kim Liên – Nam Đàn. Tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng 1 trung tâm văn hóa thể thao và du lịch đủ tầm để thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ – đây không chỉ là điểm giới thiệu, trưng bày các sản phẩm du lịch Nghệ An, mà sẽ trở thành đầu mối thông tin, hỗ trợ hoạt động du lịch lâu dài. 
 Đào Tuấn