Đêm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào đất liền từ Quảng Ninh đến Nghệ An

Đăng ngày 07/07/2021

 Dự báo, từ đêm 7/7 đến rạng sáng 8/7, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào đất liền khu vực từ Quảng Ninh – Nghệ An.

Áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh, gây mưa lớn trên diện rộng

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, chiều 7/7, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đi vào Vịnh Bắc bộ, ảnh hưởng đến đất liền từ Quảng Ninh – Nghệ An. Thời gian đi vào trực tiếp từ Hải Phòng đến Thanh Hóa từ 22h ngày 7/7 đến rạng sáng ngày 8/7. ATNĐ sẽ gây mưa lớn diện rộng, từ chiều 7/7 đến ngày 8/7 các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa từ 100-200mm có nơi lên khoảng 300mm.

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát biểu.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát biểu.

“Mưa tập trung trong khoảng một thời gian ngắn nên cần hết sức lưu ý đến tình trạng ngập úng đô thị, sạt trượt ở vùng núi ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Hiện tượng dông lốc từ chiều đến đêm nay (7/7) sẽ bắt đầu xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý đến tình hình mưa dông, gió mạnh ở khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên do tác động của gió mùa Tây Nam. Cùng với đó là cảnh báo tình trạng ngập úng đô thị ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An”, ông Khiêm lưu ý.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mức độ cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới lần này là Cấp 3. Gió mạnh trên biển có thời điểm giật lên cấp 9, sóng biển cao tới 3,0m.

Tiếp tục bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú

Theo báo cáo của Thượng tá Nguyễn Đình Hưng – Phó trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng), đơn vị này đã tiến hành tổ chức bắn pháo hiệu ở 19 điểm, từ 20h tối 6/7 để kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú. Theo dõi đôn đốc công tác phòng, chống thiên tại ở các tỉnh ven biển nằm trong khu vực ảnh hưởng. Tiếp tục theo dõi đôn đốc các đợn vị nắm và chuẩn bị các phương án trước khi có tình huống xấu có thể xảy ra. Chỉ đạo đôn đốc các đơn vị, phối hợp với địa phương lên phương án ứng phó với tình huống lũ quét sạt lở đất có thể xảy ra.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng – Phó trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng) phát biểu.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng – Phó trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng) phát biểu.

Đã thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.386 phương tiện/232.838 người. Dự kiến sẽ cấm biển từ 13h ngày 7/7 tại các tỉnh từ Quảng Ninh – Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT hiện tại khu vực Quảng Ninh – Hà Tĩnh có 33 vị trí đê điều xung yếu cần quan tâm, có 5 công trình đang thi công cần đặc biệt quan tâm.

Phát biểu kết luận cuộc họp ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTT lưu ý, mặc dù cường độ áp thấp nhiệt đới không lớn nhưng kèm theo nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, dông, lốc, sạt lở đất… nên các địa phương không được chủ quan.

Ông Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp.
Ông Trần Quang Hoài kết luận cuộc họp.

Đối với tuyến biển, ông Hoài đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục thông báo, kêu gọi tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại khu vực ven bờ, các địa phương cần rà soát, kêu gọi người dân không ở các chòi canh, lồng, bè…bởi hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa lớn, gió mạnh.

“Đề nghị tối 7/7, lực lượng biên phòng tiếp tục bắn pháo hiệu để người dân trên các tàu khai thác thủy hải sản nắm được, khẩn trương ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn”, ông Hoài đề nghị.

Khu vực miền núi, cần đảm bảo an toàn cho hồ chứa và tăng cường tích trữ nước cho mùa khô. Các địa phương cần nắm bắt tình hình ở tất cả khu vực miền núi, khu vực sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, sạt trượt…

Ông Hoài đề nghị lực lượng xung kích trong PCTT tại các địa phương cần sâu sát hơn nữa, khẩn trương rà soát và vận động người dân di chuyển khỏi nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá.

Cuối cùng, ông Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT để có những chỉ đạo ứng phó kịp thời; các phương tiện truyền thông báo chí tăng thời lượng, tần suất các bản tin về diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới này để người dân nắm được./.