Đại biểu của dân phải được dân mến, dân tin, dân lựa chọn

Đăng ngày 20/05/2016

thuc

Nhìn lại 4 nhiệm kỳ HĐND Thị xã vừa qua chúng ta có thể thấy rằng hoạt động của Hội đồng nhân dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển lớn mạnh của Thị xã. Chúng ta đều biết rằng “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước. Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân,Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương”.

thuc1

    Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có 9 nhiệm vụ, quyền hạn đó là:

1. Phải gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trách nhiệm tham gia vào việc quản lý nhà nước ở địa phương và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước;

2. Tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân;

3. Liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình và chịu sự giám sát của cử tri; có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri;

4. Có trách nhiệm báo cáo với cử tri kết quả của kỳ họp Hội đồng nhân dân, phổ biến và giải thích các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng nhân dân thực hiện các Nghị quyết đó;

5. Có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu các khiếu nại, tố cáo của cử tri để kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết;

6. Có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp;

7. Có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt việc làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của nhân viên cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

8. Có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách chung của Nhà nước và những vấn đề thuộc lợi ích chung;

9. Có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

   Khi nói đến họp Quốc hội, họp HĐND thì bất cứ ai cũng nghĩ đến đó là một nơi tôn nghiêm, mọi hoạt động diễn ra trong đó phải rất nghiêm túc; là nơi mà cử tri gửi gắm sự tin cậy, trông mong. Còn người dự họp thì từ y phục, từ lời ăn tiếng nói đến dáng ngồi dáng đi… đều phải thể hiện là người “đại biểu của nhân dân”.

Nói chung mọi người phải nhìn thấy ở đây là nơi mẫu mực về phong cách làm việc, về ứng xử văn hóa, về trí tuệ của từng người. Đại biểu Quốc hội, HĐND do dân bầu nên và cử tri thì bao giờ cũng mong mỏi người đại diện cho mình phải là những người không những có trí tuệ, có trách nhiệm với dân, với nước mà còn phải là những người có chuẩn mực về đạo đức, văn hóa. Một điều rất quan trọng, đại biểu Quốc hội, HĐND còn phải là người phản ánh được mong muốn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân đối với các vấn đề lớn của đất nước và cả những vấn đề nhỏ liên quan đến miếng cơm manh áo của nhân dân. Đây chính là sự mong muốn hợp lý của nhân dân bởi lẽ Quốc hội, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của quốc gia, của địa phương, mọi quyết sách ở đây liên quan đến sự phát triển của cả một dân tộc, một đất nước.

Nói tóm lại, đại biểu của dân phải là người được dân mến, dân tin yêu và dân lựa chọn. Muốn vậy người đại biểu của nhân dân cần phải thấu hiểu nhiệm vụ trách nhiệm lớn lao của mình đã được nhân dân ủy thác giao cho để cố gắng đem hết tinh thần trí tuệ của mình thực hiện trọng trách được giao đó.

            Trần Thị Thanh Thủy

                   Trưởng BDV, CT UBMTTQ Thị xã