Cửa Lò tham dự hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2020.

Đăng ngày 15/05/2020

Chiều ngày 15/5, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng- Trưởng ban Trung ương về phòng chống thiên tai. Tham dự hội nghị tại điểm cầu thị xã Cửa Lò có đồng chí Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị xã cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Mặc dù năm 2019, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước; Đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 03. Ngoài ra còn có 222 trận giông, lốc sét; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; Triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long… Thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người: 133 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; Trên cả nước đã xảy ra 7 đợt giông lốc, mưa đá diện rộng. Tính đến hết tháng 4, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; Trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 3.180 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11 – 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển đông. Chính vì thế, tại hội nghị các đại biểu cùng nhau thảo luận, tìm hướng khắc phục trong thời gian tới, trong đó tập trung vào kiện toàn Ban chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; Cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Sẵn sàng vật tư,trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; Tập trung vào nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; Khẩn trương kiểm tra, rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng; Tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”…góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản./.

Đàm Hiền – Duy Quý