Cửa Lò tập trung nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, hướng tới mùa du lịch 2022

Đăng ngày 29/07/2021

“Nguồn sống của người dân và các nguồn thu của thị xã Cửa Lò phần nhiều phụ thuộc vào các dịch vụ du lịch. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, khiến địa phương gặp nhiều khó khăn. Tôi tin rằng mùa du lịch tới dịch COVID-19 được kiểm soát, Cửa Lò sẽ trỗi dậy, tình hình KT-XH thị xã biển sẽ có nhiều khởi sắc”, Ủy viên BTV Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư Thị ủy Cửa Lò Nguyễn Thị Kim Chi trả lời phỏng vấn báo Tiền phong.

Ủy viên BTV Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư Thị ủy Cửa Lò Nguyễn Thị Kim Chi

+ PV: Xin đồng chí cho biết dịch COVID – 19 đã tác động, ảnh hưởng như thế nào đến mùa du lịch 2021 của thị xã Cửa Lò.

– Bí thư Thị ủy Cửa Lò Nguyễn Thị Kim Chi:

Ngày 8/6/2021, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, thị xã Cửa Lò là một trong 5 địa phương giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh phải tạm dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu như: Nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống… để bảo đảm công tác phòng chống dịch. Sau khi dịch COVID-19 tại Nghệ An và Hà Tĩnh được kiểm soát, Cửa Lò mở cửa đón khách nhưng tình hình dịch bệnh nhiều địa phương trong nước còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến du lịch thị xã Cửa Lò.

+ PV: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Cửa Lò đã có những giải pháp gì để thực hiện nhiệm vụ kép. Những kết quả đã đạt được?

– Bí thư Thị ủy Cửa Lò Nguyễn Thị Kim Chi:

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, thị xã đã kiên trì triển khai thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH và đạt được một số kết quả. Công tác chỉ đạo quyết liệt, các lực lượng liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên và ý thức phòng chống dịch của người dân ngày càng được nâng cao. Tình hình dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn Cửa Lò đã được kiểm soát, không xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại thị xã.

Kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển đúng định hướng, đúng mục tiêu đã đề ra; tinh thần, trách nhiệm các cấp, các ngành được nâng cao. Nguồn lực cho ASXH, ANQP, các chế độ chính sách, trật tự đô thị, xây dựng phát triển mô hình kinh tế, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, phòng chống dịch bệnh… đảm bảo và kịp thời; Nhiều công trình lớn tập trung thi công, hoàn thành làm thay đổi bộ mặt đô thị thị xã: Thông cầu Cửa Hội, xây dựng đường Quốc lộ ven biển, thông tuyến đường 10, triển khai các bước quy hoạch phía Đông đường Bình Minh, quy hoạch phân khu chức năng các phường.

Tổng giá trị sản xuất ước đạt 5.068 tỷ đồng, tăng 6,4 % so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó các ngành dịch vụ ước đạt 1.515 tỷ đồng, đạt 94,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp – xây dựng đạt khoảng 3.237 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020. Nông – Lâm – Ngư nghiệp ước đạt 315,8 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 đạt 211,3 tỷ đồng.

Có được kết quả đó UBND thị xã đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh kiên quyết chỉ đạo và thống nhất quan điểm ”Chống dịch như chống giặc”; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là lực lượng tuyến đầu đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh.

Trong phát triển kinh tế, thị xã bám sát các chỉ tiêu tỉnh giao để thực hiện có lộ trình, trọng tâm trọng điểm, trong đó đánh giá sát thực tiễn ảnh hưởng của ngành du lịch để kích cầu một số dịch vụ, hoạt động phù hợp làm nền tảng xây dựng kế hoạch 6 tháng cuối năm và phát triển năm 2022; khuyến khích nhân dân phát triển mạnh nông, lâm, ngư, chế biến hải sản, vận chuyển hàng hóa; Đảng bộ và Nhân dân thị xã Cửa Lò đồng sức đồng lòng để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn hiện tại, hướng tới mùa du lịch 2022.

+ PV: Được biết đồng chí Bí thư và lãnh đạo thị xã rất trăn trở về việc khôi phục, phát triển đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ nhằm giữ vững nghề ngư nghiệp truyền thống, cung cấp nguồn hải sản cho khu du lịch và giải quyết lao động địa phương. Những kết quả đạt được?

– Bí thư Thị ủy Cửa Lò Nguyễn Thị Kim Chi:

Có thể nói rằng Cửa Lò phát triển từ vùng biển, chịu ảnh hưởng rất lớn từ kinh tế, văn hóa biển. Tuy nhiên lĩnh vực ngư nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sản lượng hàng năm còn chưa cung cấp đủ nguồn hải sản phục vụ du lịch với thị trường đón gần 3 triệu lượt khách/năm. Ngoài phát triển kinh tế du lịch, Cửa Lò cần đẩy mạnh kinh tế nghề cá và hậu cần nghề cá. Mảng kinh tế nghề cá, hậu cần nghề cá, thị xã sẽ quyết liệt chỉ đạo nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt cho người dân phường Nghi Thủy; khôi phục nghề biển ở 2 phường Nghi Tân, Nghi Hải lâu nay đã mai một thông qua tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn; tổ chức các lớp đào tạo nghề, hình thành một lực lượng lao động thanh niên làm nghề biển ở Cửa Lò.

Năm 2016 thị xã Cửa Lò có 23 tàu cá xa bờ, với tổng công suất tàu thuyền 25.500 CV. Đến cuối 2020 tổng công suất lắp máy tàu thuyền toàn thị xã là 49.000 CV, giải quyết việc làm cho 1.390 lao động, trong đó có 46 tàu đánh cá xa bờ. Trong năm 2021 này, thị xã đóng mới 6 chiếc tàu công suất lớn, trong đó có 4 chiếc đã hạ thủy với 2 tàu có công suất 1.100 CV, 2 tàu 1.500 CV. Đây là hướng phát triển bền vững, tạo sự ấm no cho người dân. thực tế, trong 2 năm nay dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng, nhưng hàng nghìn lao động làm nghề cá và các dịch vụ nghề cá vẫn có thu nhập ổn định. Cửa Lò, muốn phát triển lâu bền, một phần phải dựa vào nghề nghiệp truyền thống mà đứng dậy, đi lên.

Để đạt được những kết quả trên, ngoài áp dụng chính sách của Trung ương và của tỉnh (Quyết định 87, Quyết định 15 của UBND tỉnh), thị xã đã ban hành Đề án Khai thác và chế biến hải sản gắn với các sản phẩm làng nghề giai đoạn 2016-2020: Vận động, khuyến khích người dân đóng mới tàu cá xa bờ, vươn khơi bám biển.

Trong giai đoạn hiện nay, với phương châm phát triển đội tàu xa bờ đi đôi với phát triển bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng giá trị kinh tế cho đội tàu khai thác hải sản và giá trị gia tăng cho làng nghề, thị xã Cửa Lò đã ban hành Đề án “Ứng dụng KH&CN trong khai thác, chế biến hải sản và sản xuất nông nghiệp sạch tạo sản phẩm du lịch giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Đây là những định hướng quan trọng để ngư nghiệp Cửa Lò phát triển, đáp ứng được nhu cầu sản lượng hải sản phục vụ ngành du lịch.

– PV: Xin đồng chí cho biết thời gian tới Cửa Lò cần hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm nào để phát triển du lịch biển?

– Bí thư Thị ủy Cửa Lò Nguyễn Thị Kim Chi:

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Cửa Lò lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu đưa thị xã phát triển toàn diện, vững chắc, văn minh, hiện đại, cùng với thành phố Vinh trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Thị xã phải quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, với mục tiêu trọng tâm là đưa thị xã Cửa Lò phát triển nhanh, bền vững, cùng với thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ.

Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch và phát triển kinh tế trong tình hình mới; Bám sát các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội tỉnh giao để thực hiện có lộ trình, trọng tâm trọng điểm, trong đó đánh giá sát thực tiễn ảnh hưởng của ngành du lịch để kích cầu một số dịch vụ, hoạt động phù hợp làm nền tảng xây dựng kế hoạch 6 tháng cuối năm và phát triển năm 2022.

Thị xã Cửa Lò khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng liên kết thị trường, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đón năm du lịch 2022.

Tiếp tục phối hợp đôn đốc đưa vào khai thác, sử dụng một số dịch vụ du lịch như Khu vui chơi giải trí Cửa Hội, các điểm check in cho du khách; Hoàn thành xây dựng quy hoạch khu lâm viên phía Đông đường Bình Minh bằng việc giải tỏa hết các ki-ốt kinh doanh dọc bãi biển, trả lại không gian bãi bờ biển và quy hoạch, xây dựng thảm cỏ, công viên cây xanh tạo không gian phục vụ du khách dạo chơi, thưởng ngoạn; quy hoạch khu tắm tráng, bãi để xe và một số quán bar, cà phê sang trọng phục vụ khách du lịch.

Xây dựng văn hóa, con người Cửa Lò thân thiện, mến khách đồng thời thay đổi ý thức làm du lịch của người dân Cửa Lò, không thể giữ mãi cách giao tiếp “ăn sóng, nói gió” của người dân miền biển; Phát triển văn minh đô thị để xây dựng quê hương Cửa Lò trở thành đô thị du lịch biển, là điểm du lịch đáng đến, là nơi đáng sống.

Tăng cường công tác đối ngoại, thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ, khang trang, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển…

Xin cảm ơn đồng chí!