Vốn là đảo được kiến tạo cơ bản bằng đá, bởi thể trên 2,2 km2 diện tích đảo Mắt đi đâu cũng gặp đá. Nhớ hồi mấy năm trước, lần đầu ra đảo, bộ đội bảo “Anh có ra chợ Kèn chơi không”. Tưởng thật, hì hục cùng chú lính trẻ leo đến tận nơi, hóa ra cũng toàn vách đá dựng ngang trời, gió thổi quẩn 4 bề, đá kêu đủ giọng u u. Gọi chợ Kèn theo kiểu lính là vậy. Vậy mà rau xanh vẫn cứ lên mướt mát khắp đảo. Ấy là nhờ công sức bộ đội.
Bộ đội Đảo Mắt sẵn sàng chiến đấu
Chỗ nào phẳng thì trồng bình thường, chỗ nào khó quá, ta làm ruộng bậc thang, theo kiểu bà con ở cao nguyên đá Đồng Văn xa xôi. Đảo Mắt có diện tích tự nhiên 2,2 Km2, nằm cách bờ 25 km về phía Đông Nam TX Cửa Lò -Nghệ An (tọa độ 78.01). Đảo có độ dốc lớn, thổ nhưỡng núi đá chiếm 70%, đỉnh cao nhất 218m, biển sâu 10 – 45m. Mùa mưa còn đỡ, bởi có nước “trời” chứa vào các bề dự trữ, nhưng mùa khô đến, đồng nghĩa với chuyện thời sự: thiếu nước. Nhìn quanh đảo, cũng chỉ loi thoi vài nguồn nước ngọt đủ sinh hoạt cho đảo, lấy đâu ra để trồng rau? Lại nữa, các bể chứa nước dự trữ ở một số bộ phận vào mùa khô, nắng nóng đã bị rạn nứt, nước rỉ thấm cũng kha khá. Thiên nhiên có ưu đãi cho đảo Mắt nguồn nước ngọt hơn đảo Ngư chút ít. Nhưng do nguồn suối ở chân đảo, phải bơm lên 4 cấp bể, rất “tốn” máy bơm và hệ thống đường ống sắt nổi xuống cấp từng ngày. Âu cũng sẽ là một khó khăn của lính đảo… Cho dẫu gần đất liền hơn, nhưng như các đồng đội ở Trường Sa, nước ngọt vẫn là nỗi lo chung của lính đảo.
Nhưng “trong cái khó, ló cái khôn”, lính ta vốn ham học hỏi, lắm tài lẻ, lại thêm được lãnh đạo đảo quan tâm, các đơn vị mày mò đề xuất sáng kiến. Thêm một thuận lợi khi đảo Mắt có rất nhiều chiến sỹ quê ở vùng núi cao xa xôi, nơi thường xuyên thiếu nước, nhưng vẫn có rau ăn. Vậy thì áp dụng vào ngay đảo mình. Trong đó, có một phần công của thiếu úy quân khí Lê Văn Đại. Đại vốn quê ở miền Tây xứ Nghệ, nơi cũng chịu cảnh thiếu nước thường xuyên. Những ngày mới ra cùng đảo, thấy cảnh rau xanh hiện diện trên bàn ăn là “hơi bị hiếm”. Nhìn quanh đảo, nơi đâu cũng chỉ thấy toàn dốc với đá, nhét được cây rau vào để bám rễ, vươn mầm tưởng như chuyện không tưởng. Mấy anh em bàn nhau để rồi mạnh dạn đề nghị lên cấp trên một “kế hoạch mang tính vĩ mô”: Huy động bộ đội, đào đá, chọn loại tương đối phẳng phiu, đắp be bờ lại theo từng khu nhỏ, vừa giữ đất vừa giữ nước cho cây rau. Mô hình ruộng bậc thang lên đảo đã bắt đầu hình thành như vậy. Tiếp đó là những chuối ngày “không nói thì cũng không ai biết”. Bởi làm sao tưởng tượng được cảnh bộ đội bưng từng tảng đá lớn ke lại thành bờ bao, uốn lượn theo từng mảnh đất bé tin hin hiếm hoi giữa rừng đá và sườn dốc vượt mặt. Dưới khu chỉ huy sở còn đỡ, lên các trung đội lẻ như tận B1, sát với cao điểm 218, là “nóc” đảo thì thật khó hình dung công sức đã bỏ ra. Rồi từng xô đất được chuyển lên, đổ vào hàng rào đá, rồi gieo hạt, hồi hộp chờ đợi, để đến ngày cây bật lá, lại đau đầu vì chuyện nước. Thế mới có chuyện, bộ đội dùng 1 suất nước qua đến mấy lần là vậy. Binh nhất Ngô Trí Tuấn Anh, chiến sỹ tiểu đoàn bộ, kể: Đầu tiên bọn em dùng nước rửa mặt, đánh răng, sau đó dồn lại một chỗ, đem ra để tưới cho rau. Có được 7 mảnh ruộng bậc thang mhư bây giờ, bàn tay chiến sỹ đã chai mòn đi không ít. Nơi những gộp đá có sẵn, bộ đội dùng xi măng trát kín lại, thành một chiếc vũng nhỏ hứng sương, hứng mưa. Giọt nước quý là vậy, nên khi rau cải xanh lên, mùng tơi, bầu bí quấn quít đan xen nhau, nhiều chiến sỹ đã mạnh dạn đề nghị: Hay là ta chỉ để đó để “ngắm” cho đẹp thôi, thủ trưởng? Tất nhiên là quý, là hiếm, nhưng rau trồng ra phải để ăn. Bước đầu làm được thế, chỉ huy đảo quán triệt anh em tiếp tục phát huy để có thêm nhiều rau xanh, cơ bản tự túc được nguồn chất tươi này ngay tại đảo. Thế mới phải quyết tâm cao hơn nữa chứ! Ngay cả các cán bộ của đảo, mỗi khi có dịp về đất liền, thường trong hành lý ra đảo bao giờ cũng có giống rau. Nhiều chiến sỹ của đảo xuất thân là nghề nông nên mùa nào thức ấy, khoai lang, xà lách, gia vị…đều đã hiện diện nơi đảo xa. Lính ta lại tranh thủ ngoài giờ huấn luyện, đóng gạch táp lô để làm bờ tường rào bao quanh, tránh gió mặn táp vào làm loài rau mỏng manh không bị gục ngã. Xa bờ, nhớ nhà, nhìn luống rau xanh, xách thùng lấy nước tận dụng tưới rau cũng là làm giảm đi nỗi nhớ. Sau giờ thao luyện, lính đảo lại tay cuốc, tay xẻng chăm sóc tưới tắm cho 7 vườn rau bậc thang xanh tốt và chăn nuôi lợn gà. Bây giờ, lên với đảo, bên cạnh nguồn thực phẩm được tiếp tế từ đất liền, đảo cũng thêm phần “rôm rả” từ “cây nhà lá vườn”. Rau xanh dần dà dưới bàn tay chiến sỹ, đã trở thành món thường nhật ở đây. Đại úy Lê Thanh Bình, Phó tiểu đoàn trưởng quân sự cho chúng tôi biết thêm: “Để đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội trong điều kiện việc tiếp tế từ trong bờ ra gặp nhiều khó khăn, mỗi bộ phận luôn duy trì 3- 4 đầu lợn, 20 con gà, chó, lượng gà dịch rất nhiều nhưng anh em vẫn quyết tâm nuôi và có bộ phận đã thành công. Tiểu đoàn duy trì đàn dê từ 30 – 40 con, Đàn bò phát triển tốt hiện nay đã sinh thêm được 2 con nâng tổng đàn bò lên 08 con. Riêng về rau xanh, năm qua đơn vị đã tăng gia được 13,8 tấn rau, củ quả, ủ giá, muối nén được 3,6 tấn”.
Mỗi con số chỉ chứa giá trị thông tin khô khan nhưng là biết bao mồ hôi, công sức của người lính. Ấm lòng biết bao khi cạnh nòng pháo phòng không 12,7 ly, phía trên hầm pháo mặt đất 85 ly, giữa bời bởi biển mặn và gió đại dương ầm ào bất tận, là những vạt rau xanh yên bình, bám chặt đất đảo nơi những mảnh ruộng bậc thang cong cong gợi nhớ. Một ngày giữa tháng 2 này, ra với đảo khi mùa hạ đang dần đến, tôi lại cứ cầu mong năm nay bớt nắng để rau xanh cho đảo nhỏ thanh bình.
Theo: Theo Trần Hải (Báo Nghệ An)