Cửa Lò Biển hát

Đăng ngày 21/03/2014

 

Về tham dự Lễ hội du lịch Cửa Lò 2010 có hơn 1.000 khách mời đến từ 64 tỉnh thành trong cả nước. Đáng chú ý trong mùa khai hội du lịch 2010 còn có sự hiện diện của các đoàn khách quốc tế gồm: Lào, Thái Lan, Trung Quốc, New Zealand,Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Lễ hội du lịch Cửa Lò năm nay với nhiều nghi thức: lễ xuất thần, lễ rước, lễ yên vị qua mười di tích ở thị xã như đền Vạn Lộc – Nghi Tân, đền Thu Lũng – Nghi Thu, đền làng Hiếu – Nghi Hải, đền Yên Lương – Nghi Thủy.

Sau các nghi lễ là phần hội được tổ chức tưng bừng và sôi động với chương trình nghệ thuật mang tên “Cửa Lò biển hát” và màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật hoành tráng trong 15 phút rất ấn tượng.

Lễ hội du lịch Cửa Lò năm nay diễn ra trong hai ngày 30/4 và 1/5, đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời. Trước đây, có tên gọi là Lễ hội sông nước Cửa Lò, mở đầu cho mùa đánh bắt cá của ngư dân địa phương cũng là dịp để tưởng nhớ công lao của Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi – người cách đây hơn 500 năm đã có công khai khẩn vùng biển Nghệ An, lập nên làng Vạn Lộc và nay là vùng đất thị xã Cửa Lò.

Cửa Lò cách thành phố Vinh 16km về phía Đông, Thủ đô Hà Nội gần 300km về phía Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh 1.400km về phía Nam. Với bờ biển dài 10km và các điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, Cửa Lò đang trở thành điểm đến của những du khách trong nước và quốc tế.
Bãi biển Cửa Lò trong chiều dài lịch sử tự nhiên vốn là một bãi biển dài, đẹp với dải cát trắng và ánh nắng vàng. Đó cũng là nơi cư trú của các làng chài và nơi tắm biển, nghỉ ngơi, dạo chơi của cộng đồng dân cư quần tụ còn thưa thớt cho đến cuối thế kỷ XIX.

Và cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến Nghệ An. Vinh trở thành một trung tâm công nghiệp, nơi tập trung đông đảo công nhân và cả bộ máy hành chính với đội ngũ viên chức người Pháp, người Việt.

Sự thay đổi xã hội đó và cả với những vị thế về cảnh quan thiên nhiên là lý do chủ yếu để người Pháp chọn Cửa Lò làm nơi xây dựng nhà nghỉ vào đầu thế kỷ XX. Cùng với việc công nghiệp hóa Thành phố Vinh – Bến Thủy, người Pháp cho xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh: Đường Vinh đi Cửa Hội, Cửa Lò và các điểm nghỉ dưỡng với cách bố trí đảm bảo an toàn và ý nghĩa danh thắng.

Ngày 5/6/1907 là ngày ra đời chính thức của du lịch Cửa Lò. Điều này khẳng định các giá trị vốn có và lâu đời của du lịch Cửa Lò để có các giải pháp khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Cửa Lò thành đô thị du lịch thật sự theo đúng tiêu chuẩn.