Về tới làng nghề chế biến hải sản truyền thống – phường Nghi Thủy những ngày này đã thấy không khí nhộn nhịp vào mùa du lịch. Những người dân biển luôn tay phơi phóng, chế biến cá, mực khô.
Làng nghề chế biến hải sản truyền thống có từ năm 2011 và đến nay với khoảng 70 hộ dân làm nghề. Đặc sản của Nghi Thủy chính là mực khô và tôm nõn được khai thác đánh bắt chính ở vùng biển Nghệ An.
Chế biến đặc sản cá khoai và cá mai. Ảnh: Thành Chung. |
Nguyên liệu làm mực khô Nghi Thủy là mực ống chính gốc Cửa Lò. Mực được câu về còn tươi rói, người chế biến mổ lấy hết nang, làm sạch, phơi nắng. Với tôm nõn thì được làm thủ công, tuân theo một quy trình chặt chẽ. Trước hết phải chọn tôm thật tươi ngon, không quá to và phải đều nhau; sau mới đến các khâu hấp, bóc vỏ, sấy lò và đóng gói.
Ông Võ Văn Lý – Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cho hay: Trước khi xây dựng sản phẩm, phường đã cử các hộ sản xuất đi học tập kinh nghiệm tại Đà Nẵng, Nha Trang. Đến nay, các sản phẩm đều được chế biến, đóng gói, có đầy đủ nhãn mác, giá cả hợp lý, sẵn sàng phục vụ du khách.
Ông Hoàng Văn Yên – Khối trưởng khối 7, chủ hộ chế biến hải sản khô cho biết: Nguyên liệu làm cá cơm rút xương phải là cá tươi. Sau khi lựa chọn những con ngon nhất, thì thực hiện các quy trình như ngâm nước đá, cắt đầu và rút xương, ngâm tẩm gia vị, phơi phóng sấy khô và đóng bao chân không.
Cá cơm rút xương khi ăn cần chiên lên, ngon hơn cả mực khô. Còn với chả cá cũng làm tương tự. Nguyên liệu làm chả cá là cá thửng, cá nhồng tươi. Quy trình gồm các công đoạn làm sạch, róc xương, xay nhỏ và hấp, chiên…
Hấp dẫn các đặc sản mới. Ảnh: Thành Chung |
Với 2 món cá khoai và cá mai cũng được chế biến thơm ngon như vậy. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ cơ sở sản xuất mặt hàng này giải thích: Cá khoai và cá mai đều phải là hải sản ngon nhất, mua từ thuyền vừa cập bến lên. Quy trình chế biến khá đơn giản, song bí quyết nằm ở gia vị và độ lửa khi chế biến. Cả 2 món này đều có thể ăn với cơm, bảo quản được lâu ngày mà không bị biến đổi chất.