Clip người nuôi cá lồng ở TX. Cửa Lò gặp khó khăn do hàng trăm tấn cá đến vụ thu hoạch không có người thu mua
Tháng 10/2020, ông Võ Văn Tân (67 tuổi, trú phường Nghi Tân, TX. Cửa Lò, Nghệ An) xuống giống hơn 8.000 con cá hồng mỹ, cá dược. Sau gần 1 năm chăm sóc, nay đã đến ngày thu hoạch với trọng lượng mỗi con đạt từ 0,9kg – 1,2kg.
Ông Tân nhẩm tính, sản lượng cá của gia đình hiện đã đạt chừng 7 tấn, với giá 50.000 đồng – 70.000 đồng/kg, ông Tân có thể thu về 400 triệu, trừ chi phí cá giống, thức ăn vẫn có lãi gần 100 triệu. “Nhưng giờ không thể thu hoạch để bán thì chưa biết như thế nào”, ông Tân nói.
Ông Tân lo lắng khi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào vụ cá nhưng khi đến ngày thu hoạch lại không tìm được đầu ra
Theo ông Tân, tháng 9, tháng 10 hàng năm là thời điểm bắt đầu thu hoạch cá lồng. Thời điểm này những năm trước, thương lái đã bắt đầu đến thu mua cá. Thế nhưng năm nay không có thương lái đến thu mua, ông cũng không tìm được đầu ra để có thể thu hoạch cá.
“Cá này lâu nay chủ yếu bán cho khách du lịch, hàng quán và khách sạn. Nhưng năm nay dịch nên dịch vụ không hoạt động, do đó cá cũng không có người mua. Lo lắm chứ, vì loại cá này càng để lớn chừng nào thì lại khó bán chừng đó”, ông Tân lo lắng nói.
Sau 1 năm chăm sóc, cá lồng đạt trọng lượng từ 0,9kg đến 1,2kg
Đây cũng là tình trạng chung của hàng chục hộ dân nuôi cá lồng ở TX. Cửa Lò. Một số lượng lớn cá đã quá thời gian thu hoạch nhiều tháng nhưng không xuất bán được, trong khi chi phí nuôi ngày một tăng lên do cá càng lớn, sức ăn càng mạnh, giá cám lại cao khiến các hộ nuôi thêm lo lắng.
Trước tình cảnh trên, nhiều hộ nuôi cá lồng nơi đây đành phải cắt giảm 30%, thậm chí 50% thức ăn cho cá mỗi ngày để giảm bớt chi phí trong thời gian “cầm cự” chờ hết dịch. Theo người dân, với chi phí bỏ ra từ 400 – 500 triệu đồng chi phí từ cá giống, thức ăn cho hơn chục lồng nuôi cá, nếu tình hình này kéo dài đến cuối năm, nhiều gia đình khó có thể tiếp tục cầm cự.
“Giống như con lợn đó, nếu mình vỗ béo xong mà xuất được thì tốt. Cá cũng vậy, càng để lâu càng hao mòn, quá lứa thì không những tốn thời gian, tốn thêm tiền thức ăn mà con cá nó cũng không phát triển mấy” – anh Lê Thế Anh (trú phường Nghi Thuỷ, TX. Cửa Lò) cho biết.
Theo anh Anh, không nói gì đến gần chục tấn cá năm nay, vụ cá năm 2020 hiện gia đình anh vẫn còn 1,5 tấn cá hồng mỹ chưa bán được. Đến nay, nhiều con cá đã nặng trên 3kg song người đàn ông này cho biết với tình hình dịch như hiện tại, khó xuất bán được trong năm nay.
Hơn 1,5 tấn cá đã “quá lứa” 1 năm nay vẫn chưa bán được buộc anh Thế Anh phải cắt giảm thức ăn của cá để cầm cự chờ hết dịch
Ông Võ Văn Lý – Trưởng phòng Kinh tế TX. Cửa Lò cho biết, việc nuôi cá lồng giúp người dân có nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch vùng nuôi, đa phần người dân nuôi tự phát trên các luồng lạch, chính sách hay phương án hỗ trợ gặp khó khăn.
Hiện trên địa bàn thị xã có 45 hộ nuôi cá lồng với sản lượng đạt trên 300 tấn. Trong đó, có trên 100 tấn đã đến ngày thu hoạch, nhưng vì dịch bệnh nên không có nơi tiêu thụ. “Chúng tôi cũng đã có đề xuất gửi Sở Công Thương Nghệ An và các địa phương trên địa bàn hỗ trợ, kết nối để giúp người dân tiêu thụ cá”, ông Lý nói.
Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, dịch bệnh làm thị trường bị đứt gãy khiến hàng trăm nghìn tấn hải sản, nông sản của người dân gặp khó khăn trong tiêu thụ. Sở đã gửi công văn đến các Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh nhằm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân.