Mặc dù không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, tuy nhiên vụ Đông xuân được xem là vụ chính và được bà con nông dân Cửa Lò tập trung thực hiện. Thế nhưng hiện nay, nhiều diện tích lúa và lạc của bà con nông dân đang bị nấm lá và ốc biêu vàng phá hoại, khiến bà con nông dân đang gặp phải rất nhiều khó khăn.
Với diện tích trên 1,5 sào đất, vụ Đông xuân năm 2018 này, gia đình chị Hoàng Thị Lệ Thủy ở khối 12 phường Nghi Hương – Thị xã Cửa Lò triển khai trồng lúa ngay từ ngày 25 tháng chạp. Theo như thời gian cây lúa phát triển bình thường thì đến thời điểm này, cây lúa phải phát triển được 4 – 5 lá.
Tuy nhiên, ngay sau khi ăn Tết nguyên đán thì toàn bộ diện tích trồng lúa của gia đình chị đã bị ốc biêu vàng phá hoại, khiến gia đình chị phải tập trung dặm đi dặm lại rất nhiều lần.
Chị Hoàng Thị Lệ Thủy, Khối 12 phường Nghi Hương – Thị xã Cửa Lò nói: “Mấy năm về trước lúa nhà chị thì hấn ăn một vài bụi chi thôi chứ năm ni nhà chị cấy trước tết đến giừ là 1 sào mà hấn ăn đến 70% rồi, còn 30% nữa là nhà chị bỏ thuốc dắm xong bỏ thuốc nữa mà vẫn không được. Ốc vàng hấn cũng ăn nhiều a rứa, nên một sào dắm 5 ngày, nhà chị là bỏ chợ để đi bắt ốc với đi dắm lúa.”
Toàn Thị xã Cửa Lò hiện có trên 600 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại các phường Nghi Hòa, Nghi Hương và Nghi Thu. Vụ Đông xuân 2018 này, Cửa Lò tập trung vào các cây trồng chủ lực như: lạc, lúa, ngô…Trong đó, lúa 107 ha, ngô 215 ha, lạc 240 ha, rau màu các loại 50 ha…Mặc dù đã xuống đồng đúng lịch nông vụ, nhưng hiện nay, trên một số cánh đồng thuộc 2 phường Nghi Thu và Nghi Hương một số diện tích cây lạc đang bị bệnh nấm lá, và phần lớn diện tích lúa thì bị ốc biêu vàng phá hoại. Trước thực trạng đó, đoàn kiểm tra liên ngành của Thị xã đã đi kiểm tra tại các cánh đồng để tìm nguyên nhân và hướng khắc phục tình trạng này cho bà con nông dân.
Ông Trần Nam Linh, Trạm trưởng trạm trồng trọt BVTV Thị xã Cửa Lò cho biết: “Do Tết nhất vừa qua cũng lả lơi về việc chăm sóc cho cây trồng, do điều kiện ấy mà sâu bệnh lại càng phát triển thêm, hiện nay, lại do nước lớn. Biện pháp để làm cho ốc biêu vàng giảm thì bà con nên ra đồng cắm cọc càng nhiều càng tốt. Cắm xong 2 – 3 ngày xong bắt trứng gom vào bao bóng và chôn vào hố, vừa đỡ lây lan và hôi thối môi trường. ”
Bên cạnh nguyên nhân về thời tiết thì một nguyên nhân nữa cũng do chủ quan của người dân. Vì vậy, bên cạnh sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng với quy định thì bà con nông dân cần phải tập trung xuống đồng sử dụng các biện pháp thủ công để phòng trừ sâu bệnh và diệt tận gốc ốc biêu vàng hại lúa. Có như vậy mới góp phần đảm bảo năng suất, sản lượng đã đề ra trong vụ Đông xuân 2018./.
Mỹ Hạnh – Ngọc Ánh