Nhiều tổ chức tài chính có mặt ở Cửa Lò
Nhưng để Cửa Lò phát triển mạnh hơn với với những chỉ tiêu to lớn và đầy đủ hơn cần phải có định hướng khoa học và thực tiễn cho Cửa Lò. Trên cơ sở đó, có những giải pháp xác đáng, khả thi và cơ bản để phát triển kinh tế xã hội của Cửa Lò, tạo cơ sở vững chắc cho Cửa Lò trở thành đô thị du lịch trong tương lai không xa.
1. Định hướng kinh tế cho Cửa Lò
Một là: Với lợi thế của một thị xã ven biển có bãi biển dài và đẹp, các chỉ số khí hậu, môi trường, hệ thống thực vật đã được công bố trong nhiều tài liệu, báo cáo khoa học, Cửa Lò cần tiếp tục trong phát triển kinh tế du lịch với việc xây dựng, hình thành các dịch vụ du lịch mới bên cạnh các dịch vụ truyền thông. Đó là dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế như vũ trường, câu lạc bộ thể thao (đua ngựa, ca nô nước, tắm biển, nhảy dù, làm tượng trên cát…). Đó còn là dịch vụ tham quan và trực tiếp tham gia vào việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản ở nơi có điều kiện và khung cảnh hướng đến môi trường bãi biển, câu cá, kéo lưới…đồng thời tạo không gian thử nghiệm cho khách tại một số làng nghề và làng nghề tiểu thủ công trong phạm vi Cửa Lò trong tương lai, Cửa Lò sẽ cần thêm các ngành ngề mới cho một đô thị phát triển nên việc mở rộng không gian, địa giới hành chính là cần thiết.
Hai là: Ngoài các dịch vụ trực tiếp phục vụ du lịch Cửa Lò cũng phải hướng tới việc phát triển đồng bộ kinh tế biển bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản để cung cấp cho không chỉ khách du lịch đến Cửa Lò mà còn để chế biến thành những sản phẩm cao cấp, cung cấp cho thị trường cả nước. Như vậy, với tốc độ phương tiện và sản lượng như hiện nay sẽ là không đủ cho một đô thị du lịch phát triển trong tương lai.
Cửa Lò phát triển hướng tới các tiêu chí của một đô thị du lịch văn minh, hiện đại, hấp dẫn và bền vững như mật độ dân cư, lối sống, nếp sống, chất lượng sống, ứng xử văn hóa – xã hôi, môi trường xanh – sạch – đẹp, giao thông an toàn và thông suốt, công trình công cộng đầy đủ và đúng quy chuẩn…phải được quy định trong chiến lược. Chẳng hạn ngoài các nhà máy chế biến thủy hải sản được xây dựng đúng chỗ, cần có các siêu thị hiện đại. Bên cạnh các chợ quê truyền thống, các bãi đỗ xe nổi và ngầm đủ rộng. Điều này liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị và sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái nói chung.
Ba là: Thực hiện từng bước việc xã hội hóa du lịch và thông qua quá trình tham gia, hoạt động kinh tế, từ đó chú trọng đến dịch vụ du lịch và sản xuất lương thực thực phẩm, đồ lưu niệm, đồ gia dụng phục vụ du lịch của cộng đồng dân cư Cửa Lò.
Sự tham gia ấy vừa đem lại lợi ích nhiều mặt thu nhập lao động, việc làm, ổn định xã hội, gắn kết cộng đồng và cho các bên (dân cư, nhà cung ứng du lịch, khách du lịch) vừa góp phần nâng cao tự hào với miền biển và ý thức được trách nhiệm trong việc sản xuất hay tổ chức dịch vụ. Chỉ có sự tăng gia của cộng đồng dân cư mà thế hệ nối tiếp thế hệ mới là động lực để phát hiện sử dụng níu giữ nhân tài cho Cửa Lò, với Cửa Lò. Đó cũng chính là mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong du lịch mà cả nước và thế giới đang hướng tới như một đòi hỏi lớn lao, đồng thời hướng dân cư tới quá trình làm giàu trên quê hương và cho quê hương Cửa Lò.
Bốn là: Nguồn lực tại chỗ như tri thức, sức lao động, nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn, nguồn vốn ngân sách và vốn trong dân, Cửa Lò cần mạnh dạn gọi đầu tư lớn và căc lĩnh vực kinh tế nói chung, kinh tế du lịch nói riêng, có thời gian sản xuất, sử dụng lâu dài, ổn định với các chính sách rộng mở và nhất quán có tính cạnh tranh cao. Đầu tư trong kinh tế nói chung, trong kinh tế du lịch nói riêng cần được coi là một định hướng đặc biệt được chú trọng ở Cửa Lò. Sự thông thoáng trong chính sách, tạo điều kiện thuận lợi bằng các quy định đúng theo thông lệ quốc gia và quốc tế và năng lực địa phương, không có những cản trở công khai hay các cản trở ngầm từ phía cơ quan quản lý cũng như xã hội sẽ là những đảm bảo cho Cửa Lò trở thành “địa chỉ hấp dẫn với các nhà đàu tư” trong cả nước và quốc tế.
2. Những giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế – xã hội Cửa Lò
Giải pháp về tổ chức các dịch vụ du lịch mới
Ngoài việc sắp xếp các dịch vụ du lịch ở Cửa Lò hiện có như lưu trú, ăn uống, bán đồ lưu niệm, tham quan, vận chuyển…Các cơ quan quản lý của Cửa Lò cần tổ chức tham quan, ghi chép, quay phim, chụp ảnh, học hỏi cách tổ chức các dịch vụ du lịch ở những đô thị có điều kiện tài nguyên, khí hậu tương tự trong vùng như Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Indonesia… Từ đó, lên kế hoạch mời gọi đầu tư vào việc xây dựng tổ chức các dịch vụ có chất lượng cao, hấp dẫn để thu hút khách đến Cửa Lò. Từ định hướng về tổ chức các dịch vụ du lịch mới đến giải pháp thực hiện không phải là quá xa cách, quá khó khăn. Những dịch vụ mà người dân Cửa Lò có thể tự tổ chức nên khuyến khích như tổ chức các dịch vụ cho khách tham quan kéo lưới trên biển, câu cá trên tàu nhỏ có độ an toàn cao vào sớm mai hay đêm xuống ở quanh đảo Ngư, đảo Mắt…Cũng trong giải pháp về tổ chức dịch vụ, Cửa Lò có thể định kỳ tổ chức các hoạt động như thi đắp tượng trên cát sau khi đã thí điểm, tổ chức đua ngựa (ngay cả ngoài dịch vụ du lịch hè) những làng nghề như đan lát thêu thùa ở gần Cửa Lò có thể được tổ chức sản xuất cho khách đến tham quan và cho khách sản xuất thử sẽ là điều dễ thực hiện.
Có được cả một hệ thống dịch vụ du lịch cơ bản và bổ sung đa dạng, phong phú, Cửa Lò sẽ có sức hấp dẫn to lớn với khách gần xa và kinh tế của Cửa Lò sẽ phát triển vững chắc hơn.
Giải pháp về phát triển đồng bộ kinh tế biển
Việc tổ chức đánh bắt hải sản của cư dân Cửa Lò và các địa phương lân cận phải được tính toán tránh để phát triển kịp và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của khách du lịch của cư dân đô thị du lịch trong tương lai. Việc đầu tư cho đánh bắt với tàu thuyền có công suất lớn vẫn là giải pháp cơ bản cho tương lai. Khi sản lượng thủy hải sản đủ để chế biến ổn định lâu dài, Cửa Lò có thể đề nghị và mời đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến hiện đại, đảm bảo môi trường trong sạch. Cùng giải pháp này là sớm nghiên cứu việc nuôi trồng thủy hải sản ở trên sông, cửa sông và ven đảo tạo chốn tham quan cho khách và cũng là tạo một nguồn cung cấp sản phẩm phục vụ khách. Việc nuôi cá dò hiện nay là một tín hiệu mừng cho triển khai thực hiện giải pháp này. Liên quan đến giải pháp này, Cửa Lò cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch chiến lược đồng bộ về hình vóc của đô thị du lịch kiểu tương lai. Về cơ bản phải nhanh chóng tạo các tầng cây xanh ven bãi biển và đó phải là những loại cây có khả năng chịu đựng cao, sống lâu, trong 10 – 15 năm sau phải phủ xanh những phần bãi được trồng, cấm ngặt tất cả các hành vi xâm phạm cây và giao cho các hộ, các cơ sở kinh doanh trồng và chăm sóc tầng cây đó cho nhiều năm sau mới có nền xanh cho đô thị biển. Cửa Lò cần mạnh dạn phá bỏ các công trình kiên cố ngoài bãi biển tính từ mép ngoài đường phố chạy dọc bãi biển. Trong vài năm tới, Cửa Lò phải xây dựng được siêu thị và thu hút nhiều mặt hàng phục vụ khách không chỉ trong dịp hè. Đó cũng là cách mở ra các hoạt động du lịch ngoài dịch vụ như du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, triển lãm, cuối tuần. Trước mắt có thể tổ chức phiên chợ quê truyền thống vào chiều(hoặc sáng) thứ 7 hàng tuần một cách khoa học và có thẩm mỹ để khách tham quan, mua sắm, dạo chơi…
Giải pháp có tính xã hội trong phát triển kinh tế
Cửa Lò cần có chính sách rộng mở cho các thành phần dân cư địa phương được tham gia dịch vụ du lịch phù hợp với nguồn nhân lực, nguồn vốn, nguyện vọng. Giải pháp này cần có ưu đãi hợp lý cho những người nghèo để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo từ du lịch. Các dịch vụ du lịch ở Cửa Lò và lao động thông thường như trồng cây, chăm bón hoa, cây xanh, thu gom rác…có thể giao cho các đối tượng là người già, trẻ em mà không vi phạm chính sách lao động đồng thời ngăn ngừa hiện tượng đeo bám khách như vẫn còn xảy ra. Nghĩa là phát triển kinh tế nói chung, kinh tế du lịch nói riêng phải là: “nguồn quan trọng tạo ra nhiều việc làm mới do chỗ có phần dịch vụ dành cho con người trong hầu hết các đóng góp của du lịch.”
Để giải pháp về xã hội hóa du lịch thành hiện thực, Cửa Lò cần tổ chức những lớp dạy nghề cho người dân vốn chỉ quen với sản xuất, chân thật và thô vụng. Từ kỹ năng bán hàng, chế biến thức ăn, đồ uống, thái độ ứng xử, giao tiếp với khách, các hiểu biết về hợp tác kinh doanh, về ngoại ngữ, môi trường và bảo vệ môi trường, về văn hóa du lịch…Thời gian của các lớp này không cần phải dài và có thể tổ chức dịp ngoài vụ du lịch. Có được tri thức ấy, chất lượng dịch vụ du lịch Cửa Lò sẽ tốt hơn và thu nhập của dân cư ổn định hơn, an sinh xã hội đảm bảo hơn. Đó cũng là cộng đồng dân cư của đô thị du lịch hiện đại trong tương lai gần.
Giải pháp về đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội Cửa Lò
Với các nhà đầu tư, mối quan tâm của họ là “xem lĩnh vực du lịch có phải là một sự đầu tư có lợi hơn các lĩnh vực khác không”. Do đó, chính sách đầu tư của Nghệ An, của Cửa Lò cần được ban hành vừa phù hợp với luật pháp quốc gia, thông lệ quốc tế vừa đảm bảo thắng lợi cho nhà đầu tư, cả trước mắt và lâu dài. Sự ổn định của chính sách, tính xác thực của các dự án là rất cần thiết để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn xây dựng, kinh doanh. Diện mạo của một đô thị du lịch Cửa Lò không thể thiếu các dự án đầu tư và không chỉ trông chờ vào ngân sách cũng như nguồn vốn tại cộng đồng. Cho đến nay, Nghệ An chưa phải là địa phương có chính sách đầu tư và năng lực mời gọi đầu tư cao dù có nhiều lợi thế. Ở Cửa Lò cần mời đầu tư không chỉ trong việc xây dựng và kinh doanh khách sạn như hôm nay mà sau quy hoạch chi tiết cần mời đầu tư vào xây dựng siêu thị và có thể mời các chủ đầu tư hệ thống siêu thị quốc gia và quốc tế tham gia như Metro, Buorbon, Co-Mart…Dù sao, nguồn vốn trong dân cũng cần được huy động và tập trung đầu tư cho xây dựng và đào tạo nhân lực của Cửa Lò.
Thế kỉ XXI là thế kỷ của quá trình toàn cầu hóa, trong đó du lịch và kinh tế du lịch như một động lực và cũng là cầu nối quan trọng. Việt Nam nói chung, Cửa Lò – Nghệ An nói riêng không nằm ngoài quy trình vận động ấy. Những giải pháp nêu trên cần được thảo luận để có được những giải pháp xác thực làm hành trang cho cửa Lò phát triển trong tương lai.