Làng nghề Khối 7 (nay là khối Bình Minh), phường Nghi Thủy được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề chế biến hải sản vào năm 2011. Đã hơn 10 năm mang tên thương hiệu, người dân làng nghề nơi đây đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát huy truyền thống lịch sử lâu đời quý báu, có tính đặc thù của làng chài. Bắt kịp xu thế, các hộ kinh doanh đã thay đổi về tư duy trong sản xuất, biến những cái lạc hậu, cũ kỹ thành cái mới, đó là mới trong khâu sản xuất, mới trong thay đổi đóng gói, mẫu mã, tiếp cận ứng dụng KHCN vào sản xuất… nhờ thế mà bình quân hàng năm chất lượng sản phẩm tăng, số lượng tiêu thụ vì thế cũng nhiều hơn trước.
Hải sản Tâm Tài đạt chuẩn OCOP 3 sao được tiêu thụ tại siêu thị lớn GO Vinh
Xác định OCOP chính là giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, 6 sản phẩm OCOP mang tên gọi: Nước mắm cá cơm, tép chua, mắm tôm, chả cá Thu, ruốc bông cá Thu, và cá Thu nướng… đều mang thương hiệu rất riêng của Nghi Thủy, hiện làng nghề đã có hàng chục cơ sở chế biến nước mắm, cá thu, tôm nõn, phơi khô, hấp sấy cá và ruốc… các sản phẩm được cung cấp khắp mọi miền Tổ quốc.
Đưa các sản phẩm OCOP của phường tham gia Hội chợ triển lãm
Tuy nhiên, thực trạng tại địa phương cho thấy, phần đa các hộ mới chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà không có điều kiện đầu tư cho công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu; trình độ quản lý sản xuất – kinh doanh của các chủ cơ sở còn thấp, đa số các chủ cơ sở không được đào tạo kiến thức về quản trị kinh doanh, dẫn đến thiếu chiến lược phát triển cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó tập quán sản xuất kinh doanh nhỏ nên các hộ kinh doanh thường quan tâm lợi ích ngắn hạn, thiếu chiến lược dài hạn, coi nhẹ việc xây dựng thương hiệu mà chủ yếu dựa vào yếu tố truyền thống, tiếng tăm của làng nghề.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, ngoài các giải pháp về cơ chế chính sách, hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ vốn hay giải pháp đào tạo nghề, là những giải pháp mang tầm vĩ mô, Nghi Thủy đang tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh về thương hiệu, phát triển và xây dựng chiến lược thương hiệu là trách nhiệm của làng nghề.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ người dân nâng cao tay nghề và trình độ kỹ thuật đã được thực hiện đồng bộ, nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham quan học tập kinh nghiệm tại một số địa phương cũng được triển khai. Nghi Thủy tiếp tục phương châm: “sản xuất đi liền với tiêu thụ sản phẩm”, “kết hợp kinh nghiệm truyền thống trong sản xuất với không ngừng tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh đó đa dạng hoá các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh và tạo dựng lòng tin dựa trên cơ sở chất lượng sản phẩm“.
Sản phẩm OCOP của Tổ hợp tác Bình Minh
Hiện nay, việc xây dựng chiến lược thương hiệu là vấn đề khó khăn, lâu dài và rất tốn kém. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, nhất là các vấn đề như tạo bản sắc thương hiệu cho sản phẩm: Tên thương hiệu, thiết kế lôgô, biểu tượng của thương hiệu, đăng kí thương hiệu độc quyền, tư vấn về xây dựng và quản lý thương hiệu, thiết lập tiêu chuẩn quản lý chất lượng; hỗ trợ quảng bá các sản phẩm của làng nghề và cơ sở kinh doanh phát triển trên các kênh thông tin truyền thông, nhất là mạng xã hội, liên kết tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại; nâng cao chất lượng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực làng nghề, đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sản phẩm có tính hội nhập. Song hành là tạo các chương trình để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tao điều kiện cho các hộ học tập kinh nghiệm ở một địa phương có nghề tương đồng, đồng thời kết nối một số địa phương có nhu cầu tiêu thu sản phẩm để có thêm thị trường mới.
Giải pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề theo từng giai đoạn phát triển, tùy theo hiện trạng, đặc điểm của từng cơ sở sản xuất mà có một số giải pháp quan trọng để tạo đà cho sản xuất phát triển, và trong từng giai đoạn sản xuất khác nhau của từng cơ sở sản xuất cần có những giải pháp thích ứng khác. Do đó, giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề cần xuất phát từ thực tế và sự quan tâm đặc biệt của các cấp và các ban, ngành liên quan.
Khi xây dựng được thương hiệu thì mới tạo lòng tin, sự thu hút khách hàng mới, giảm chi phí quảng cáo tiếp thị, dễ thâm nhập thị trường mới, bán được sản phẩm với giá cao, khi đó việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm sẽ tốt hơn, tăng sản lượng.
Phấn đấu là địa phương có ngành du lịch phát triển nổi bật trong khu đô thị du lịch biển Cửa Lò. Sức bứt phá nhanh chóng, phát triển sản phẩm phù hợp, hình thành mới các sản phẩm OCOP để khẳng định thương hiệu làng nghề lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước. Từng bước chuyên nghiệp hoá, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm mang lại nguồn lợi tương xứng cho người dân làng nghề và địa phương. Đây cũng là một xu thế tất yếu để làng nghề có sức cạnh tranh trong tiến trình phát triển du lịch.
Nguyễn Tiến Lợi – Chủ tịch HND phường Nghi Thủy