Nằm cách bờ 4km, đảo Song Ngư là một hòn đảo xinh đẹp, tô điểm và tạo nên nét chấm phá cho bức tranh du lịch của thị xã Cửa Lò. Đảo Ngư còn được biết đến là một trong những hòn đảo anh hùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Thời bình, là hòn đảo với những chiến sỹ ngày đêm tập luyện canh giữ cho vùng trời vùng biển của tổ quốc. Trong những ngày cả nước đang hướng về người lính, chúng tôi mang tình cảm ấm áp và thương yêu của đất liền ra thăm cán bộ, chiến sỹ đảo Song Ngư.
Sau khi tham quan và dâng hương tại ngôi chùa Ngư cổ kính, chúng tôi được các anh chiến sỹ đón lên thăm đơn vị công tác. Những nụ cười rạng rỡ tươi tắn trên khuôn mặt sạm đen rắn rỏi vì sóng gió của những người lính nơi đây như xua tan giá lạnh vào một ngày đầu đông. Con đường lên với doanh trại phải bước qua hàng trăm bậc đá cao dốc, cũng không cản trở bước chân háo hức của mỗi người.
Chùa Ngư trên Đảo Hòn Ngư
Ấn tượng ban đầu của chúng tôi là dù ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng doanh trại được xây dựng khá quy củ, xen lẫn những ngôi nhà vàng cao gần trăm mét so với mặt nước biển là những vườn rau mơn mởn và những ghế đá dưới tán cây xanh. Không khí ở đây thật yên bình và trong lành. Sau khi hỏi thăm đôi ba câu chuyện, chúng tôi được nghe những người lính kể về lịch sử hoạt động của đơn vị trải qua các thời kỳ.
Nằm ở phía Đông nam biển đông, cách cảng Cửa Lò 4 hải lí, có diện tích gần 2km2, đảo Ngư được bao bọc bởi 2 cửa biển là Cửa Lò và Cửa Hội nên có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế của tỉnh Nghệ An và cả khu vực Bắc miền Trung.
Ngay từ những năm 1930 – 1931, đảo Ngư là căn cứ bí mật của các chiến sỹ hoạt động cách mạng. Năm 1958, một đơn vị hải quân thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam được điều ra đảo cùng cán bộ Trạm khí tượng Thủy văn làm nhiệm vụ bảo vệ đảo và cung cấp số liệu thời tiết cho tàu thuyền ra vào an toàn. Đến năm 1960 -1963, trước nguy cơ đế quốc Mỹ đưa máy bay ra phá hoại miền Bắc, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị Quân khu 4 thành lập đơn vị đảo Ngư vào ngày 10/8/1963, thay cho đơn vị hải quân với tên gọi là Đại đội hỗn hợp 33 Đảo Ngư. Năm 1970, đại đội được Bộ tư lệnh quân khu giao cho Tỉnh đội Nghệ An (Nay là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) trực tiếp quản lý cho tới nay.Ngoài phục vụ an ninh quốc phòng, đơn vị còn giúp địa phương phát triển du lịch biển đảo.
Các tổ chức, đoàn thể, gia đình CBCS ra thăm bộ đội Đảo ngư
Qua lời kể của các anh lính đảo, chúng tôi ngược thời gian trở về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ bi thương và hào hùng đó. Giai đoạn từ năm 1963, đế quốc Mỹ điên cuồng phá hoại miền Bắc. Chúng nhắm vào các đầu mối giao thông quan trọng của ta nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày 11/7/1968, máy bay Mỹ mở đầu chiến dịch đánh vào cảng Bến Thủy – Vinh. Lúc bấy giờ, tàu các nước chở hàng viện trợ vào cho quân đội ta không thể cập cảng Bến Thủy được nữa. Tất cả đều đậu ở đảo Ngư rồi tìm cách chuyển tải hàng hóa vào bờ. Trong muôn trùng gian khó như vậy, bộ đội đảo Ngư đã nghĩ ra cách vô cùng đơn giản và thông minh đó là: toàn bộ gạo và lương thực thuốc men được cho vào bao ni lông bọc kín, rồi thả xuống biển. Lợi dụng chiều gió và quy luật lên xuống của thủy triều mà hàng vạn tấn hàng hóa của chúng ta đã vận chuyển vào bờ an toàn.
Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện được điều này thì đảo Ngư trở thành điểm bắn phá vô cùng ác liệt của quân Mỹ. Chúng không tiếc hàng vạn tấn bom đạn dội xuống đây, chúng thả nhiều thủy lôi phong tỏa vùng biển Song Ngư. Đảo Ngư chìm trong khói lửa, đạn bom.
Bộ đội đảo Ngư ngày ấy mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng các anh đã chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu lược, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đảo và cùng với các lực lượng khác bảo vệ chuyển tải hàng từ tàu biển vào đất liền, lập được rất nhiều chiến công xuất sắc. Bộ đội đảo Ngư đã đập tan 26 lần biệt kích xâm nhập vào đảo và các xã ven biển, bắn hạ 11 báy bay, 9 tàu chiến của địch, bắn bị thương hàng trăm máy bay và tàu chiến khác. Với những chiến công to lớn đó, đại đội hỗn hợp 33 đảo Ngư đã vinh dự được chủ tịch Hồ Chí Minh tặng “ Cờ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ” năm 1969, được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/12/1973.
Có cuộc chiến nào lại không có mất mát, hy sinh. Có hòa bình nào không đánh đổi bằng máu xương của đồng bào mình. Những người lính đảo Ngư ngày ấy, cũng như bao anh bộ đội cụ Hồ trên dải đất Việt Nam trong chiến tranh đã chiến đấu như những người anh hùng. Trong đó, đã có nhiều người đã mãi mãi nằm xuống khi vừa tròn mười tám, đôi mươi. Máu xương hòa lẫn với biển đảo, tô thêm màu xanh cho biển khơi, cho đảo xa. Hôm nay có dịp đến đây, chúng tôi được các cán bộ chiến sỹ dẫn lên Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công thắp nén hương thơm cho thế hệ cha anh những người lính giữ đảo Song Ngư – những người sống mãi ở tuổi đôi mươi.
Bộ đội Đảo Ngư đọc báo, cập nhật thông tin sau giờ luyện tập
Tiếp nối cha anh ngày trước, những người lính đảo Ngư thời bình cũng luôn phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất. Các anh không chỉ bảo vệ vùng biển mà còn giúp đỡ tàu thuyền khi có gió bão, cũng như giúp đỡ địa phương phát triển du lịch biển đảo. Trên tất thảy là tinh thần lạc quan và hào sảng, vượt qua sự thiếu thốn về cơ sở vật chất thiết yếu như: điện, nước ngọt, vượt qua cả những cơn bão và gió lốc khắc nghiệt của thời tiết miền trung. Khi thì rét run người với cái lạnh hay lúc nóng rám da của mùa hè vùng biển đảo. Và trong tất cả những khó khăn ấy là nỗi nhớ gia đình vào những ngày cuối năm, cận tết. Tuy vậy, những người lính ấy đã biến niềm nhớ nhung, niềm yêu thương gia đình thành động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị thiêng liêng mà quân đội giao.
Sóng gió miền biển đảo không thể làm vơi bớt đi tình yêu quê hương tha thiết và sự vững vàng, niềm tin yêu mà những người lính dành trọn cho đất nước. Tình yêu ấy được vun đúc và kế thừa qua bao thế hệ cán bộ chiến sỹ đảo Song Ngư. Trên mỗi bước đường tuần tra đã hằn in không biết bao nhiêu dấu chân chiến sỹ trên những ghềnh đá, bờ biển nơi đây. Chúc cho những người lính đảo Song Ngư luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp và truyền thống quyết chiến quyết thắng của đơn vị nói riêng, cũng như của Quân đội nhân dân Việt Nam, để mãi mãi là hình ảnh mến yêu, tin cậy và vững chắc của nhân dân./.
Dương Tân