Lên thuyền từ bến Ðục, theo dòng suối Yến, du khách có thể thư thái thả hồn mình hoà quyện cùng thiên nhiên, thoả sức ngắm cảnh non nước hữu tình, ngắm những ngọn núi với tên dân dã như núi Con Voi, núi Lọng Cụp, rồi Mâm Xôi, Con Gà, núi Đổi Chèo… Suối Yến mang một vẻ đẹp hiền hoà giữa hai triền núi. Con suối dài khoảng 3km với khúc thẳng, khúc quanh, cho ta cảm giác như dòng suối này dài vô tận. Hàng ngày, đây là con đường đi về của người dân trong vùng, nhưng khi đến mùa lễ hội, dòng suối hiền hoà bỗng sôi động hẳn lên, bởi những con đò chở khách vào vãn cảnh đẹp và lễ Phật. Trên đường đi, trước khi đến Thiên Trù, du khách phải qua đền Trình – Ngũ Nhạc thắp nén nhang với ý nghĩa trình lên thần linh lòng thành lễ Phật. Trở ra, du khách lại tiếp tục cuộc hành trình cùng con đò đi vào bến Thiên Trù.
Sau khoảng một giờ ngồi đò, du khách sẽ lên bến Thiên Trù bắt đầu lộ trình núi non trùng điệp. Từ bến Thiên Trù, có nhiều tuyến du lịch cho du khách lựa chọn như: Thiên Trù – động Hương Tích, Thiên Trù – Hinh Bồng, Thiên Trù – Long Vân… Tuy nhiên, tuyến có nhiều khách du lịch thường đi và cũng là tuyến có nhiều cảnh quan kỳ thú nhất là Thiên Trù – động Hương Tích.
Chùa Thiên Trù, còn có tên gọi là chùa Trò, trước đây chỉ là một thảo am nhỏ. Trong chiến tranh chùa đã bị phá huỷ. Sau năm 1954 chùa được xây dựng lại. Năm 1991, Tam bảo Thiên Trù được xây dựng lại to đẹp như ngày nay. Bên phải chùa là vườn tháp, nơi cất giữ xá lị của các vị Tổ sư quy tịch tại đây. Sau chùa, bên sườn núi còn có toà “Thiên thuỷ tháp”, bên trái có chiếc hồ hình bán nguyệt. Sau khi lễ Phật ở đây, du khách nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục cuộc hành trình.
Từ Thiên Trù (chùa Ngoài) rẽ phải, theo một con đường nhỏ men sườn núi lối đi vào chùa Trong, khoảng hơn 1km là tới chùa Tiên Sơn. Chùa được dựng trên một mỏm núi cao. Chùa nhỏ, tam quan vút cao như sắp bay lên. Chùa ở trong động gọi là động Núi Tiên, thờ Phật Bà Quan Thế Âm. Trong động có những nhũ đá rủ xuống với nhiều dáng vẻ khác nhau. Có những nhũ đá khi gõ vào âm thanh phát ra như tiếng nhạc du dương.
Vẫn trên đường vào chùa Trong, rẽ tay trái là chùa Giải Oan. Chùa được dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền, lúc đầu chỉ là một thảo am nhỏ bằng tre gỗ đơn sơ. Chùa đã qua trùng tu vào các năm 1928, 1937. Năm 1995, chùa được tu bổ thêm am Từ Vân, kè lại sân chùa. Chùa là nơi thờ phụng đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Hiện nay am Từ Vân còn lưu giữ được pho tượng Tứ Tý Quan Âm (Quan Âm bốn tay) được đúc vào thế kỷ 18. Trong chùa có giếng Thanh Trì trong suốt không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Chúa Ba (Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện) đã dùng để tắm, tẩy sạch bụi trần ai, trước khi đi vào cõi phật, từ đó giếng này được gọi là giếng Giải Oan. Chùa Giải Oan có kiến trúc hài hoà, nằm giữa cảnh thiên nhiên thanh tao u tịch, càng làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, huyền bí. Du khách đến đây được uống dòng nước mát lạnh của giếng Thanh Trì, như quên đi những ưu tư của đời thường khi hành hương về cõi Phật.
Từ chùa Giải Oan, du khách lại tiếp tục cuộc hành trình khoảng 2,5km lên động vào chùa Hương Tích (còn gọi là chùa Trong). Ðường lên động có nhiều chỗ quanh co, lúc lên dốc, lúc xuống dốc. Càng gần tới động thì dốc càng cao. Lên tới bậc đá cao nhất đứng nhìn xuống, du khách sẽ thấy một vòm hang rộng, sâu, hun hút trông giống như hàm của một con rồng, đó là động Hương Tích.
Qua cổng, đi xuống 120 bậc đá là vào tới lòng động. Ngay ở khoảng giữa, gần cửa ra, vào, có một nhũ đá gọi là “đụn gạo”. Ði sâu vào một chút có một lối lên Trời và một lối xuống âm phủ. Trong động, những măng đá, nhũ đá rủ xuống tạo thành muôn hình vạn dạng, người xưa thoả sức để đặt tên: nong tằm, né kén, chuồng lợn, ao bèo, cây vàng, cây bạc, đầu cô, đầu cậu… Bên cạnh những công trình điêu khắc thiên nhiên còn có những công trình điêu khắc nhân tạo, giá trị nhất là pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Hương Tích là một động đẹp nổi tiếng và đã được chúa Trịnh Sâm (thế kỷ 17) phong tặng năm chữ Hán còn lưu trên cửa động: “Nam Thiên đệ nhất động” (Ðộng đẹp nhất trời Nam).
Lễ hội chùa Hương kéo dài từ ngày 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là một trong số lễ hội lớn và dài nhất ở Việt Nam. Hội chùa đông nhất từ 15 đến 20 tháng 2 (chính hội). Ðường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập từng đoàn người lên lên, xuống xuống.
Lễ khai hội chùa Hương năm nay sẽ tổ chức vào ngày 19/2/2010 (tức ngày mồng 6 Tết Canh Dần). Lễ hội chùa Hương là hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2010, chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là Tuần lễ văn hóa Phật giáo hướng về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong tuần lễ này sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như Lễ hội 500 đèn hoa đăng, thả hoa sen xuống suối Yến, khai mạc triển lãm mỹ thuật Phật giáo với hai phòng tranh do các họa sỹ Phật giáo thể hiện lớn nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, lần đầu tiên, có chương trình văn nghệ trên thuyền đi dọc suối Yến để phục vụ du khách. Thuyền sẽ đi chậm, có lúc sẽ neo lại để du khách trẩy hội chùa Hương có dịp được thưởng thức khi đi thuyền trên suối Yến vào với Hương Sơn.
Thông tin thêm:
– Giá thắng cảnh: 29.500 đ/ người
– Giá cáp treo: 40.000 đ/ 1 lượt; 80.000 đ/ khứ hồi.
– Đò chất lượng cao:
– Tuyến bến Đục-Thiên Trù và ngược lại, 7km, giá 35.000 đồng/hành khách;
– Tuyến bến Đục-Long Vân và ngược lại, 5km, giá 25.000 đồng/hành khách;
– Tuyến bến Cổng Vại – Tuyến Sơn và ngược lại, chiều dài 1 lượt 1,7km, giá 25.000 đồng/hành khách.
Đò chất lượng cao có 2 loại: 8 ghế (1 người điều khiển) và 15 ghế (2 người điều khiển). Khách muốn thuê riêng phương tiện sẽ phải chịu cước cả chuyến (hành khách phải mua vé bổ sung đủ 6 vé đối với loại 8 ghế, đủ 11 vé đối với loại 15 ghế).
– Giá đò thường tuyến bến Đục – Thiên Trù và ngược lại: 25.000 đ/ hành khách;
Phương Anh (tổng hợp)