Làng nghề truyền thống Việt Nam có từ hàng ngàn năm, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Ở Cửa Lò, làng nghề ở ngay trong lòng Thị xã biển; Nghề truyền thống với những bí quyết, bí truyền quý giá và độc đáo đã cung cấp những sản phẩm tiêu dùng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển và vươn lên của một thị xã du lịch biển.
Làng nghề ẩn chứa tiềm tàng cái hồn và tính độc đáo của mỗi sắc dân. Thị xã Cửa Lò có quyền tự hào về tài năng, ý chí và tính cần cù những người dân trong làng nghề họ theo đuổi để gìn giữ và lưu truyền. Làng nghề truyền thống ở đây tồn tại và đi lên không ngừng, đưa đời sống của người dân sang trang mới, đầy đủ và hạnh phúc hơn.
Khi Thị xã có những chính sách mới thu hút để phát triển du lịch thì làng nghề cũng từ đó bắt đầu chuyển mình để thích ứng với nhịp sống mới đang dần dần xâm nhập vào cuộc sống của người dân nơi đây. Vậy những thay đổi nào đang diễn ra tại đây và những thách thức nào mà làng nghề truyền thống ở Cửa Lò đang phải đối mặt trong thời kỳ đổi mới là một câu hỏi chúng ta cần bàn luận và giải đáp.
Thị xã Cửa Lò nổi lên từ một bãi biển hoang sơ, được khai thác và phát triển hơn 100 năm qua. Từ thời kỳ Pháp thuộc cho tới nay là một bức tranh được tô đậm đẹp đẽ theo thời gian.Với ưu thế về vị trí địa lý cùng tiềm năng về nguồn tài nguyên biển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã đã không ngừng phấn đấu vươn lên, tạo bước chuyển biển mạnh mẽ trong phát triển nền kinh tế dịch vụ gắn với phát huy các làng nghề truyền thống.
Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu của Nghệ An về phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó tăng cường đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ làm trọng tâm. Thị xã Cửa Lò có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ, một bãi biển đẹp lý tưởng nhất khu vực Bắc Trung Bộ, một điểm hẹn độc đáo cho sự khám phá và nghỉ dưỡng.
Nghề truyền thống ở Cửa Lò bao gồm chế biến thủy hải sản, làm hàng lưu niệm, đi biển…..trong đó nghề chế biến thủy hải sản là chủ trọng nhất, nổi bật lên là hai làng nghề chế biển hải sản nằm ở phường Nghi Hải và Nghi Thủy. Đây là hai phường có điều kiện phát triển thuận lợi nhất.
Thứ nhất là nói đến nguồn lực con người. Đây là cơ sở quan trọng trong chiến lược sinh kế của người dân. Bởi nó thể hiện những kỹ năng, kiến thức và sức khỏe của người dân miền biển. Người miền Trung từ lâu được đánh giá về tính chịu thương chịu khó và người dân Cửa Lò cũng không ngoại lệ.. Những hộ gia đình làm nghề chế biến thủy hải sản (nước mắm, mắm tôm, mắm tép..) ở Cửa Lò đã trở nên nổi tiếng như nước mắm Cửa Hội, Võ Kim, Hằng Hơn..Bí quyết làm nên sự nổi tiếng đó là đôi bàn tay khéo léo, kiến thức bí truyền lâu đời của cha ông để lại. Tuy những người làm nghề truyền thống ở đây học vấn không cao song nhờ những kinh nghiệm tích lũy được và khả năng chế biến có hiệu quả tạo ra các sản phẩm chất lượng và uy tín. Công việc chế biến thủy hải sản đòi hỏi có sức khỏe (để gồng gánh, vận chuyển,…), đồng thời cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo. Con người chính là một lợi thế để phát triển của địa phương. Những người con quanh năm bám gió bám biển, hít khí trời, quen vị mặn mòi của biển, trai tráng ngày đêm chinh chiến ngoài biển khơi, gái thì phụ chồng cùng tăng gia sản xuất, biến những nguồn lộc thu được từ biển thành những sản phẩm ngon và có tiếng.
Đôi bàn tay và trí óc ấy đã phân biệt được đâu là món ngon dành cho chế biến như các loại cá cơm, cá thu, cá trích để làm nước mắm hay dùng con tép, con tôm để làm mắm chua, mắm mặn. Những hải sản tươi ngon ấy được kì công chế biến làm nên loại nước mắm, mắm tôm ngon đặc trưng của Cửa Lò mà không nơi nào có được. Sản phẩm làng nghề chế biến phải trải qua nhiều công đoạn như khâu chọn lựa, khâu bảo quản, khâu chế biến hải sản và thời gian thu hoạch sản phẩm (có thể 1 đến 2 năm cho ra một sản phẩm đem bán).
Thứ hai là nói đến nguồn lực tự nhiên mà Cửa Lò có được, với vị trí khá thuận lợi, gần thành phố Vinh, gần Quốc lộ 1A, giáp với các tỉnh thành du lịch khác rất thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi và mua bán sản phẩm làng nghề, giao thông rất thuận lợi để giao thương và trao đổi hàng hóa. Một trong những ví dụ về khả năng tiếp nhận các loại tài nguyên một cách linh hoạt đó là song song với việc tận dụng nguồn hải sản đánh bắt được trong khu vực thì gần khu vực đóng tàu ở Nghi Thiết, Nghi Tiến rất thuận lợi cho người đi biển. Gần huyện Diễn Châu thuận lợi trong việc cung ứng muối biển để làm nguyên liệu muối cá hay các phường Nghi Hương, Nghi Thu cung ứng ngô đỏ – một trong những nguyên liệu quan trọng làm mắm tôm chua..
Thứ ba là về nguồn lợi vật chất: Trong những năm gần đây nhờ sự hỗ trợ của cấp trên, cơ sở vật chất của các phường trong Thị xã đã tốt hơn. Các hộ gia đình nhờ kinh doanh du lịch nên đổi thay về diện mạo, nhà cửa khang trang hơn, đầy đủ hơn, tiện nghi hơn và có thu nhập ổn định. Nhờ có nhiều chính sách mới của chính quyền Thị xã, đặc biệt là công tác quảng bá được đẩy mạnh nên các sản phẩm làng nghề chế biển thủy hải sản ở Cửa Lò có bước chuyển biến mới. Các sản phẩm được thông qua các Website để đến được gần hơn với du khách trong và ngoài tỉnh. Các hình thức mua bán Online cũng được tận dụng cho việc buôn bán.
Ngân sách hỗ trợ xây dựng có trong đề án phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020 của Thị xã trong đó định hướng phát triển các làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh vốn đầu tư cho việc chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm chất lượng và uy tín. Tạo chính sách cho người dân vay vốn làm ăn, tạo điều kiện cho người dân phát triển làng nghề mang tính tập trung (như làng nghề khối 7, Nghi Thủy).
Có những yếu tố tác động đến sự sinh kế bền vững của các làng nghề truyền thống như ý thức của một số cá nhân, tập thể, hộ gia đình chưa chú trọng phát triển các sản phẩm có chất lượng hơn, chưa có tính trung thực, sản phẩm làm ra chưa tương xứng với giá thành bán ra (giá cao chất lượng còn thấp) gây mất uy tín của làng nghề. Sự cạnh tranh không lành mạnh, sự lôi kéo, cò kéo khách hàng đang là vấn nạn lớn dần cần được giải quyết kịp thời..
Thiên tai, mưa bão ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của Thị xã nên kéo theo ảnh hưởng đến dân sinh. Chưa có một thị trường tiêu thụ và đối tác tốt để cung ứng ra bên ngoài, giới thiệu rộng rãi đến với khách hàng. Việc tiêu thụ chủ yếu chỉ cho lượng du khách khi về du lịch tại địa phương khi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Để có một chỗ đứng trên thị trường mang tính bền vững và mở rộng thì đòi hỏi nhiều giải pháp và thách thức hơn nữa.
Hoạt động kinh doanh mang tính mùa vụ (chủ yếu là hoạt động 3 tháng hè) nên thu nhập của người dân cũng do thời gian này quyết định và các làng nghề cũng chỉ được biết đến vào khoảng kinh doanh này. Sự cung cầu mang tính mùa vụ chưa mang đến hiệu quả kinh tế như mong muốn. Tiêu chí để đánh giá một sản phẩm chất lượng như nguồn nguyên liệu, mẫu mã đẹp, chất lượng, giá trị thẩm mỹ cao… chúng ta chưa làm được nên tính cạnh tranh trên thị trường còn thấp.
Các đại biểu thăm gian trưng bày các sản phẩm hải sản đóng gói của người dân Nghi Thủy – TX Cửa Lò
Giải pháp cần đưa ra lúc này là để đối phó lại với cạnh tranh trên thị trường, cần đưa ra những chiến lược quan trọng đó là cần liên kết các cơ sở sản xuất, chủ động tìm đầu ra, chú trọng công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các sở sản xuất kém chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo mẫu mã đẹp tạo ấn tượng với du khách. Địa phương cần đẩy mạnh đầu tư thu hút dự án phát triển để Cửa Lò hoạt động du lịch quanh năm mà không phải một mùa như hiện tại. Hỗ trợ kinh doanh thông qua chính sách cho vay vốn làm ăn với lãi suất thấp. Quảng bá sản phẩm thông qua các cuộc họp báo. Xây dựng từng thương hiệu cho làng nghề, giới thiệu trên các diễn đàn, website du lịch của tỉnh nhà, gắn phát triển làng nghề với du lịch tham quan, nghỉ mát. Liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các hình thức như đặt hàng, hợp tác, trao đổi từ đó giải quyết việc làm cho con em địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đưa những tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ cho quảng bá và sản xuất.
Cuối cùng cần quan tâm hơn nữa những mong muốn thiết thực của người dân, kết hợp hài hòa các nguồn vốn và ưu thế sẵn có mà tạo hóa đã ban tặng cho thị xã để ngày càng đưa các làng nghề chế biển thủy hải sản ở Cửa Lò thoát khỏi những khó khăn, thách thức, nhanh chóng hòa nhập với tốc độ phát triển của nền kinh tế khu vực và nước nhà.
Có thể khẳng định rằng, Chiến lược sinh kế là việc làm quan trọng để nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của du lịch và duy trì tính bền vững của các làng nghề./.
Nguyễn Hương