Sẽ đóng cửa, cắt hợp đồng hơn 220 ki ốt, nhà nghỉ dưỡng tại biển Cửa Lò

Đăng ngày 25/07/2022

(Dân trí) – UBND thị xã Cửa Lò, Nghệ An sẽ đóng cửa, cắt hợp đồng đối với hơn 220 ki ốt, nhà nghỉ dưỡng, khách sạn… trên bãi biển này nhằm phục vụ công tác di dời, làm sạch bãi biển.

Cận cảnh các ki ốt, khách sạn, nhà nghỉ dưỡng trên bãi biển Cửa Lò

Theo lãnh đạo UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An), tất cả nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở bưu chính viễn thông… dọc bãi biển này sẽ phải di dời vào cuối năm nay. Chủ trương của thị xã từ nay đến cuối năm sẽ đóng cửa, cắt hợp đồng với hơn 220 ki ốt kinh doanh dịch vụ ăn uống, các nhà nghỉ, khách sạn trên bãi biển này để phục vụ việc di dời, làm sạch bãi biển trong thời gian sớm nhất.

Trong ảnh là nhà hàng Biển Ngọc nằm cuối bãi biển Cửa Lò theo kế hoạch sẽ không tồn tại trong năm tới.

Nhà nghỉ dưỡng 382 Bộ Công an là công trình lớn nhất nằm dọc trên bãi biển Cửa Lò cũng sẽ phải di dời trong thời gian tới.

Nằm dọc bãi biển này còn có khách sạn Bưu điện thị xã Cửa Lò với 4 tầng, nằm ngay trên bờ biển, cùng với các ki ốt và nhà nghỉ dưỡng… cũng trong danh sách 220 cơ sở phải di dời.

Trung tâm viễn thông Cửa Lò nằm ở mặt tiền đường Bình Minh cũng sẽ được di dời đến vị trí khác. Theo cán bộ Phòng Quản lý đô thị thị xã Cửa Lò, hiện nay đơn vị này đã có đất và sẽ thực hiện di dời theo lộ trình của UBND thị xã.

Những ki ốt kinh doanh, nhà nghỉ dưỡng, khách sạn… nằm sát bãi biển sẽ không được kinh doanh và nhường lại mặt bằng để làm sạch bãi biển. Các hộ dân thuê ki ốt tại đây sẽ được chuyển vào một khu vực khác để kinh doanh.

Trại nghiên cứu tôm giống của Công ty Nuôi trồng thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã bỏ hoang, xuống cấp. Công trình này nằm trên bãi biển Cửa Lò với diện tích lên đến gần 1.000m2.

“Hiện nay trại nghiên cứu tôm giống này không hiệu quả nữa nên họ đã bỏ hoang và đang chờ đền bù thì mới di dời được”, ông Võ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, nói.

“Dự kiến tháng 10 năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành giải tỏa hoàn toàn các ki ốt kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ dọc bãi biển này. Hiện nay, người dân thuê kinh doanh trên bãi biển này đều đã hết cơ sở pháp lý (hết hợp đồng – PV)”, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò thông tin thêm.

Một sân bóng đá nằm trên bãi biển Cửa Lò thuộc diện di dời.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Cửa Lò, Trạm đo nước nằm trên bãi biển này sẽ được giữ lại để phục vụ nhiệm vụ, chức năng dự báo nên không phải di dời.

Cũng theo ông Võ Văn Hùng, tại kỳ họp HĐND thị xã Cửa Lò vừa qua, Chủ tịch UBND thị xã đã phát biểu chỉ đạo, tuyên truyền tới người dân đang kinh doanh tại bãi biển nắm rõ kế hoạch của thị xã, từ nay đến cuối năm phải hoàn thành nhiệm vụ công tác giải phóng mặt bằng, để làm sạch bãi biển.

Cũng theo ông Võ Văn Hùng, tại kỳ họp HĐND thị xã Cửa Lò vừa qua, Chủ tịch UBND thị xã đã phát biểu chỉ đạo, tuyên truyền tới người dân đang kinh doanh tại bãi biển nắm rõ kế hoạch của thị xã, từ nay đến cuối năm phải hoàn thành nhiệm vụ công tác giải phóng mặt bằng, để làm sạch bãi biển.

Thị xã Cửa Lò là đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An, được thành lập ngày 29/8/1994 theo Nghị định 114/NĐ-CP của Chính phủ. Cách đây hơn 115 năm, người Pháp đã xây dựng một số biệt thự để tổ chức các kỳ nghỉ cuối tuần. 

Sở dĩ Cửa Lò được chọn làm nơi xây dựng khu nghỉ ngơi, bởi đây là một trong số ít những bãi biển ở Đông Dương có điều kiện tự nhiên tốt nhất vào thời điểm đó. Trong ảnh, là khu vực cuối bãi biển Cửa Lò xuôi về Cửa Hội còn hoang sơ và có ít các ki ốt kinh doanh sát bãi biển.

Biển Cửa Lò được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những bãi tắm lý tưởng nhất Việt Nam. Với chiều dài trên 10km, được bao bọc bởi hai con sông ở hai đầu, độ dốc thoải đều, nước biển trong xanh, sóng vừa phải, độ mặn thích hợp, là những đặc điểm mà không phải bãi tắm nào cũng có…

So với nhiều khu đô thị ven biển trên cả nước, Cửa Lò có hệ thống cơ sở hạ tầng khá phát triển. Hệ thống giao thông tại Cửa Lò khá đồng bộ và hiện đại, được nối liền với giao thông của cả nước và nước bạn Lào.  Hiện nay tại thị xã Cửa Lò có khoảng 400 cơ sở lưu trú, trong đó có nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn đáp ứng hoạt động và tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế.

Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí