Phát triển văn hóa xã hội

Đăng ngày 26/03/2014

Với lợi thế là trung tâm du lịch nghỉ mát, là đầu mối giao thông quan trọng của Tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, Cửa Lò đang dần trở thành là một trong những trung tâm phát triển mạnh mẽ ngành đào tạo nguồn nhân lực và vận tải biển của Tỉnh Nghệ An. Và đặc biệt, cùng với thành phố Vinh, “liên hợp đô thị” Cửa Lò – Vinh đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của khu vực Bắc Trung Bộ, một trong những cửa ngõ ra Thái bình Dương quan trọng của các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) theo Hành lang Đông – Tây từ Miến Điện – Thái Lan – Lào ra bờ biển Việt Nam.Phát huy lợi thế của một thị xã du lich biển, Cửa Lò đã dần dần trở thành nơi mời gọi của nhiều dự án lớn trên nhiều lĩnh vực . Như lĩnh vực du lịch dịch vụ có các dự án vui chơi, giải trí: Khu du lịch 4 mùa của Tổng công ty du lịch Hà Nội đang triển khai tại phường Nghi Hoà; Dự án tổ hợp sân golf 18 lỗ, khách sạn, biệt thự cao cấp có tổng diện tích 132,7ha với vốn đầu tư lên đến 1.527 tỷ đồng đang xây dựng ở Nghi Hương, sẽ được đưa vào khai thác và sử dụng giai đoạn 1 trước ngày 30/4/2009; Dự án siêu thị – khách sạn BMC Cửa Lò có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng đã được khởi công ngày 30/4/2008 thực sự là những cơ sở dịch vụ cao cấp có giá trị góp phần thu hút khách du lịch đến với Cửa Lò. Dự án này dự kiến khoảng tháng 10/2010 thì sẽ hoàn thành. Đây là dự án lớn với hai toà nhà là 23 tầng và 21 tầng trên tháp cao có bố trí khu cà phê giải khát có sàn quay. Tại đây, du khách có thể vừa ngồi thưởng thức đồ uống, vừa có thể ngắm phong cảnh thị xã biển Cửa Lò từ trên cao.

Sau hơn15 năm thành lập và xây dựng, TX Cửa Lò đã có những bước phát triển mới.Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 18 đến 20 %.Trong đó các năm từ 2005-2007 đạt trên 19 %. Năm 2007 đạt ở mức 19,6 % (tương đương mục tiêu Đại hội III đề ra từ 19-19,5% và có xu thế tăng dần). Một điều đáng mừng là thu ngân sách trên địa bàn thị xã liên tục tăng. Năm 1995, tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn thị xã mới chỉ đạt 9,4 tỷ đồng thì đến năm 2007 đã đạt 118,5 tỷ đồng. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2005 đạt 10,7 triệu đồng, năm 2007 đạt 17,4 triệu đồng, tương đương với mức GDP bình quân của thành phố Vinh, cao gấp 1,7 lần khu vực ven biển và gấp 2,2 lần so với mức bình quân chung của toàn tỉnh (bình quân cả tỉnh năm 2007 là 7,5 triệu đồng).

Tỷ lệ hộ nghèo của thị xã đến năm 2007 chỉ còn lại 8,1%. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm giai đoạn 2003-2007 là 2,6 %, trong đó tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,89%< (1%) đảm bảo Tiêu chuẩn kế hoạch hoá phát triển dân số của thị xã.. Tổng số lao động trong độ tuổi khu vực nội thị là: 19.319 người, trong đó lao động phi nông nghiệp là 16.105 người;

– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt: 83,36 %, trong đó khu vực dịch vụ luôn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của thị xã. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp. Năm 2007 cơ cấu khu vực dịch vụ là 56,9 %, công nghiệp-xây dựng 33,8 %, khu vực nông-lâm-ngư nghiệp chỉ còn lại 9,3 %.

Để phát triển một cách toàn diện và bền vững theo hướng du lịch 4 màu, thị xã đã quan tâm đầu tư công tác quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch đô thị. Ưu tiên quỹ đất và khuyến khích các dự án du lịch, cao cấp, các dự án phục vụ vui chơi giải trí, văn hoá thể thao, phát triển các trường Đại học, cao đẳng dạy nghề, các dự án đầu tư công nghiệp sạch, các sản phẩm hàng mỹ nghệ. Đây cũng chính là những nội dung chủ yếu được đề cập trong Nghị quyết 05 ngày 26/9/2006 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về Xây dựng và phát triển Thị xã Cửa Lò trở thành đô thị du lịch. TX Cửa Lò cũng đang hoàn thiện thủ tục để trình các cấp có thẩm quyền cho mở rộng khai thác điểm du lịch. Đảo Ngư. Riêng 2 phường Nghi Tân và Nghi Thuỷ của Cửa Lò đã được Chỉnh phủ phê duyệt hình thành khu phi thuế quan trong khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Cùng với sự tăng trưởng chung, nhiều ngành nghề mới được mở mang, đời sống của người dân ở Cửa Lò đã được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ lệ nhà kiên cố trong khu vực nội thị của Thị xã Cửa Lò đã chiếm trên 66,9 %.

Là một đô thị du lịch, TX Cửa Lò đã ưu tiên quỹ đất cho xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Toàn bộ mặt bằng phía Đông đường Bình Minh đoạn từ đường Ngang số 1 Đảo Lan Châu đến Ngã ba Cửa Hội đã được dành để xây dựng 1 khu lâm viên liên hoàn chạy dài theo hơn10 Km bờ biển. Trên khu vực này cũng đã quy hoạch và xây dựng 1 hệ thống công viên, quảng trường, đường dạo bộ ven biển. 7/7 phường, xã và 100 % Khối xóm đã xây dựng được các thiết chế văn hoá thể thao đồng bộ. Trên địa bàn thị xã hiện nay có một số lượng lớn các công trình thể thao trong đó có: Sân vận động thị xã có sức chứa 2vạn người; 1 nhà tập luyện thể thao 500 chỗ

Ngoài ra còn khá nhiều công trình tập luyện các loại như: sân luyện tập bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, tennis. Tại các phường xã cũng đều có một sân vận động nhỏ, và các sân chơi ten nít, cầu lông, bóng đá …

Về với Cửa Lò ngày nay, du khách có thể dễ dàng đến với các khu du lịch nổi tiếng trong vùng bằng nhiều cách khác nhau.. Những tua du lịch từ Cửa Lò đến các điểm du lịch trong Tỉnh như: thành phố Vinh, Khu di tích Kim Liên-quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền Cuông,Vườn quốc gia Phù Mát; Cửa Lò với các điểm du lịch ở Hà Tĩnh như : rừng Vũ Quang, Hồ Kẻ Gỗ, Khu di tích Nguyễn Du, chùa Hương Tích, Xuân Thành, Thiên Cầm đã trở nên gần gũi với nhiều người

Hiện nay, Cửa Lò đang trăn trở để làm sao thu hút được khách du lịch về trong cả mùa đông. Và để Cửa Lò được biết đến không chỉ là du lịch nghỉ mát tắm biển mà còn là một Cửa Lò với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá tâm linh, thăm quan, vui chơi giải trí…. Chính vì vậy, việc xây dựng các điểm vui chơi giải trí công cộng như quảng trường Bình Minh, hệ thống công viên, đường dạo bộ ven biển, cầu cảng Đảo Lan Châu, Chùa Ngư trên Đảo Ngư… và các điểm vui chơi, giải trí khác là các công trình trọng điểm của thị xã trong thời gian qua.

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư lớn đã nhìn thấy tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ở Cửa Lò nên đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào đây để xây dựng các dự án vui chơi, giải trí. Khu du lịch 4 mùa của Tổng công ty du lịch Hà Nội đang triển khai ở phường Nghi Hoà , Dự án tổ hợp sân golf, khách sạn, biệt thự cao cấp, Dự án siêu thị – khách sạn BMC Cửa Lò, Trường đại học Vạn Xuân …..

Những dự án nói trên trong tương lai chắc chắn sẽ làm thay đổi lớn diện mạo của Cửa Lò. Còn hiện nay, 1 số khách sạn lớn như Sài Gòn Kim Liên, khách sạn Xanh, Hòn Ngư, Thái Bình Dương, Giao tế 2, Hạ Long vẫn là những cơ sở đón khách quanh năm nhờ có cơ sở vật chất tốt, phục vụ uy tín và quan hệ gắn bó với các Công ty lữ hành lớn trong cả nước. Khác với nhiều khu du lịch trong cả nước, Cửa Lò đã dành 1 diện tích đất đô thị khá lớn để quy hoạch và xây dựng các công trình giao thông. Tổng diện tích đất giao thông đô thị là 229,6 ha, chiếm tỷ lệ trên 27 %. Đặc biệt, Cửa Lò đã rất chú trọng đến việc quy hoạch và xây dựng công trình giao thông Tĩnh. Dọc đường Bình Minh-1 trong những tuyến đường lớn nhất, chạy dọc bờ biển, Cửa Lò đã cho xây dựng nhiều điểm đỗ xe thoáng rộng nên trong mùa du lịch hàng năm, mặc dầu lượng khách đổ về rất lớn nhưng vẫn không có hiện tượng tắc đường.

Hiện nay, Cửa Lò vẫn hàng ngày duy trì các tuyến xe buýt công cộng nối với thành phố Vinh. Nhiều doanh nghiệp nơi đây đã đầu tư kinh doanh vận tải, chuyên chở khách như: Công ty xe khách Nghệ An, Công ty tắc xi Mai Linh, Doanh nghiệp Văn Minh và các đội xe chất lượng cao có hành trình từ Cửa Lò, Vinh, Hà Nội..và ngược lại đã thật sự trở thành địa chỉ vận chuyển hành khách quen thuộc, uy tín của nhiều người

Thị xã Cửa Lò là đầu mối vận tải biển của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc trung bộ, với tuyến giao thông vận tải đường biển hiện là đầu mối quan trọng nhất của Tỉnh. Cảng biển quốc tế Cửa Lò có thể tiếp nhận tàu vận tải 1 vạn tấn vào bốc dỡ hàng hoá. Đây là nơi trung chuyển hàng hoá cho cả vùng Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào. Ngoài cảng công nghiệp Cửa Lò, thị xã còn có 1 hệ thống Cảng du lịch và cảng cá ở khu vực Cửa Hội. Đây chính là nơi neo đậu của hàng trăm phương tiện đánh bắt, chuyển chở hàng hải sản. Từ các cảng cá và bến cá này, hàng hải sản của nhân dan Cửa Lò và vùng phụ cận đã được tiếp nhận, bốc dỡ và tiêu thụ hàng hoá 1 cách nhanh chóngĐể Cửa Lò thực sự trở thành đô thị du lịch biển: Xanh,sạch, đẹp ngay từ khi mới thành lập, Thị xã đã xác định đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho việc cấp điện sản xuất, sinh hoạt và chiếu sáng, tạo mọi điều kiện tốt nhất đảm bảo cho du khách , người dân và doanh nghiệp hoạt động. Hiện nay, Cửa Lò đã có 1 nhà máy cấp nước sạch với công suất 3 ngàn m3/ ngày. Toàn thị xã đã có 85 % hộ dân được dùng nước sạch. Trong khu vực nội thị số hộ dùng nước máy đạt 5.381 hộ trên tổng số 8278 hộ dân, đạt tỷ lệ 65 %. Số dân còn lại dùng nước giếng khoan và đã có kiểm định đạt tiêu chuẩn nước sạch.. Hiện nay đang triển khai dự án nâng công suất nhà máy nước lên 8 ngàn m3/ngày.

Cửa Lò là địa phương đã được nhận nguồn viện trợ ODA từ Chỉnh phủ Bỉ hỗ trỡ để xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải có giá trị đến hàng chục triệu U S D. Hiện nay, Thị xã đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo thoát nước thải và xử lý nước thải triển khai giai đoạn 1 có giá trị lên đến 95 tỷ đồng. Giai đoạn II sau 2009 với tổng vốn đầu tư 12 triệu USD cho dự án thoát nước toàn bộ thị xã. Trong tương lai không xa, Cửa Lò sẽ là địa phương có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tốt nhất ở Nghệ An và khu vực.

Cửa Lò là địa phương đã đảm bảo việc cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất kinh doanh và đời sống. Mạng lưới điện đã được xây dựng đồng bộ, mở rộng đến khắp các khu vực, các tuyên đường chính được chiếu sáng đạt 86,2%. Mức tiêu thụ điện năng toàn thị xã là gần 21.000.000KW/ h , đạt bình quân 500 KW h/ người/ năm, 100 % hộ dân được dùng điện chiếu sáng

Trong những năm gần đây, hệ thống thông tin, liên lạc ở Cửa Lò phát triển nhanh chóng. Hiện nay, cứ 100 người dân thì có 22 máy điện thoại cố định. 100 % hộ dân đã được xem Truyền hình và nghe Đài phát thanh. Ngoài điểm bưu điện trung tâm, trên địa bàn Thị xã hiện có các điểm bưu điện văn hoá xã, hàng chục điểm truy cập Internet công cộng. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như: Vinaphonne, Mobinphon, Viêttell, Điện lực; Truyền hình cáp, truyền hình kỷ thuật số đã có mặt và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Cửa Lò

Đảm bảo vệ sinh, môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh-sạch-đẹp là mục tiêu hàng đầu ở Cửa Lò. Công ty cổ phần du lịch dịch vụ môi trường Thị xã là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc thu gom, xử lý rác thải, trồng mới, chăm sóc và làm các công tác về vệ sinh, môi trường trên địa bàn. Năm 2007, Công ty đã được nhận cúp về môi trường đô thị. Công ty đã có những trang thiết bị hiện đại như máy sàng cát dọc bãi biển, các phương tiện chuyên chở thu gom rác thải. Cửa Lò là đô thị có diện tích cây xanh lớn. Riêng khu vực nội thị đã có trên 102 ha đất trồng cây xanh, bình quân 24,92 m2/người. Đối với đất cây xanh công cộng trong khu dân dụng: hiện có 39,08 ha, đạt bình quân: 9,49 m2/người. Tại thị xã Cửa Lò vẫn giữ được nguyên vẹn hơn 10 cây số rừng phi lao phòng hộ ven biển

Trên lĩnh vực dịch vụ tài chính, tiền tệ,Thị xã Cửa Lò đã quy tụ được những Ngân hàng có uy tín. Ngân hàng công thương Cửa Lò, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội ..với 4 quỹ tín dụng phường xã đã thực sự là nơi luân chuyển nguồn vốn cho các doanh nghiệp, nhân dân và du khách.

Nhằm chăm sóc sức khoẻ cho nhân và du khách, hiện nay tại địa bàn thị xã đã có 1 Bệnh viện đa khoa với 65 giường bệnh với các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sỹ được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng khám chữa bệnh kịp thời cho nhân dân, 1 Trung tâm y tế dự phòng, 6 Trung tầm điều dưỡng lớn của Tỉnh và các ban, ngành TW, 6/7 trạm xá có bác sỹ, có 7/7 phường xã đạt 10 chuẩn quốc gia về y tế.

Bên cạnh những thành quả trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, thì Cửa Lò cũng dành được những kết quả hết sức to lớn trên lĩnh vực văn hoá-thể thao và các lĩnh vực khác. Các phong trào xây dựng đơn vị văn hoá, khối xóm văn hoá, gia đình văn hoá, gia đình thể thao đã được cán bộ và nhân dân trên toàn thị xã hưởng ứng tích cực và có kết quả tốt. Với truyền thống văn hoá lâu đời, điển hình hiện nay trên toàn thị xã đã có 72 % khối xóm và 95 % hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá. Hiện nay 100% khối xóm ở Cửa Lò đã có Nhà văn hoá và nơi sinh hoạt cộng đồng; QPAN tiếp tục được giữ vững; đề án 3 yên, 5 giảm đã triển khai và đạt được 1 số kết quả tốt.