Người tiên phong xây dựng chuỗi thịt lợn nạc sạch ở thị xã Cửa Lò

Đăng ngày 25/01/2018

Ở TX. Cửa Lò, nhiều người biết đến ông Phùng Đức Hạnh là chủ cơ sở chăn nuôi ở khối Cát Liễu, phường Nghi Thu và là cơ sở đầu tiên sản xuất, cung cấp lượng thịt lợn nạc sạch ra thị trường.
 
Ở TX. Cửa Lò, nhiều người biết đến ông Phùng Đức Hạnh là chủ cơ sở chăn nuôi ở khối Cát Liễu, phường Nghi Thu và là cơ sở đầu tiên sản xuất, cung cấp lượng thịt lợn nạc sạch ra thị trường.

Từng là một trong những trang trại chăn nuôi lớn của tỉnh, nhiều lần được UBND tỉnh khen thưởng về thành tích chăn nuôi thú y nhưng gần đây, để đảm bảo yêu cầu về môi trường, ông đã cắt giảm quy mô và chuyển một phần trại nuôi sang xã Nghi Thịnh, nên hiện tại cơ sở của ông tại khối Cát Liễu chỉ là mô hình gia trại tổng hợp, quy mô nhỏ, nằm ẩn phía cuối làng.

Ông Phùng Đức Hạnh chăm sóc đàn lợn nái tại gia trại của mình. Ảnh: Phương Hà
Là một quân nhân xuất ngũ, năm 1990, ông Hạnh mở trại sản xuất chăn nuôi. Đến năm 2000, được sự động viên của tỉnh, ông Hạnh bắt tay làm trang trại. Ông đã đến nhiều trang trại chăn nuôi trong nước để học hỏi cách làm. Trong gần 30 năm, ông nuôi từ lợn giống đến bò sữa và nay là làm vườn cây cảnh, nuôi lợn giống và lợn nạc sạch sinh học.
Thành công và thất bại ông đều nếm đủ nhưng điều đáng quý là ông vẫn tâm huyết với nghề chăn nuôi và coi đây là nghiệp gắn liền với đời mình. Ông luôn ấp ủ không chỉ xây dựng được chuỗi sản xuất mà còn từng bước cung cấp thịt lợn sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Năm 2017, trước tình hình chăn nuôi gặp khó khăn, giá lợn hơi và lợn giống là hai sản phẩm chủ lực của gia trại giảm mạnh, khiến người chăn nuôi như ông Hạnh điêu đứng. Ông nhận định nghề chăn nuôi ở thời điểm vô cùng bất lợi, người tiêu dùng quay lưng là do sản phẩm chăn nuôi dù sạch hay không sạch đều có giá như nhau; cùng đó là việc liên tục các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở chăn nuôi sử dụng chất tăng trưởng trái phép; cung cấp, chế biến các thực phẩm bẩn.

Mặt khác, ông cũng nhận thấy giá lợn có điều bất thường khi giá lợn hơi giảm thấp kỷ lục nhưng giá thịt vẫn không giảm nên ông mạnh dạn chuyển đổi, cùng với kiên trì theo đuổi nuôi lợn sạch mổ bán ra thị trường.
Để cung cấp thịt lợn sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Hạnh tiếp tục mày mò tìm hiểu; đồng thời tham gia các lớp tập huấn kiến thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do tỉnh và thị xã tổ chức. Quá trình chăn nuôi sản xuất, ông Hạnh nhận thấy phương thức công nghiệp dù hiệu quả nhưng về lâu dài khó tìm đầu ra và bền vững nên thay vì chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, ông đã quyết định chăn nuôi bằng thức ăn truyền thống.
Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, mời kỹ sư chăn nuôi thú y trực tiếp theo dõi, chăm sóc con giống từ nhỏ, ông Hạnh tiếp tục đầu tư cải tạo lại cơ sở giết mổ. Với 8 con lợn nái, bình quân mỗi lứa sản xuất 200 con giống, ông không chỉ có lợn giống để bán mà còn để tự mình chăn nuôi nguồn thịt lợn sạch.

Ông chỉ dùng bột ngô, đậu tương và các chất dinh dưỡng khác để xay, trộn lẫn sau đó ủ với men vi sinh để lên men sau đó cho lợn ăn, tuyệt đối không dùng các chất bị cấm. Bên cạnh đó, để lợn khỏe mạnh và sạch bệnh, ông làm chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, tiêm phòng và bổ sung các chất dinh dưỡng, nước uống hàng ngày của lợn là nước sạch được lọc cẩn thận… Với cách này, ông Hạnh tiết kiệm được khoảng 20% chi phí so với dùng thức ăn công nghiệp.

Thức ăn cho lợn chủ yếu nguyên liệu truyền thống như bột ngô xay và đậu tương. Ảnh: Phương Hà
Với phương châm trên, mặc dù thời gian xuất chuồng lợn nuôi của ông dài hơn (6-7 tháng thay vì chỉ 3 tháng) nhưng đầu ra sản phẩm ổn định. Ông Hạnh cho biết thêm: nuôi lợn bằng ăn thức ăn có chế phẩm sinh học, tiết kiệm được chi phí thức ăn, bù vào thời gian nuôi dài hơn. Lợi nhuận không cao do mổ bán trực tiếp dùng để bù đắp phần chi phí, giúp gia trại vượt qua khó khăn do giá lợn sụt giảm.
Trên thực tế, việc cung cấp lợn sạch ra thị trường của ông Hạnh là xuất phát từ “khó ló cái khôn”, đó là từ đầu năm 2017, khi lợn đến kỳ xuất chuồng nhưng không bán được và bán giá quá rẻ nên ông Hạnh mới buộc phải xẻ thịt ra để bán. Ban đầu, ông Hạnh chỉ nghĩ giải pháp “lấy ngắn nuôi dài” nhưng cùng với thời gian thấy đây là hướng đi tốt nên mạnh dạn duy trì. Hiện nay mỗi ngày, cơ sở mổ từ 1-2 con để bán cho các anh em, hàng xóm quanh nhà. Số còn lại ông mở quầy bán ở chợ thị xã Cửa Lò và chợ vùng xã Nghi Hợp (Nghi Lộc). Khi bán, ông Hạnh cũng cam kết có vấn đề về chất lượng thì gọi ngay cho ông (theo số 0912592408) để được giải đáp.

Hiện ông Hạnh và gia đình đang kiên trì phương châm “sạch từ nơi sản xuất đến bàn ăn”. Để làm được điều đó, ông đặt ra yêu cầu cao đối với công nhân của mình và giám sát chặt chẽ quy trình nuôi an toàn và sạch; khi chuyển sang cung cấp, ông đầu tư giết mổ và bán theo đúng quy trình đối với vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sắp tới, để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và dự kiến nâng công suất giết mổ lên 3 con/ngày, ông sẽ đầu tư, chỉnh trang lại khu vực giết mổ theo tiêu chuẩn quy định để mời cơ quan thú y đến kiểm tra, thẩm định. Hiện nay, với quy mô khoảng trên 2 ha, gia trại ông thường xuyên có đàn lợn khoảng 100 con siêu nạc, đảm bảo mỗi ngày mổ từ 2- 3 con nên hoàn toàn chủ động được nguồn gốc sản phẩm. Thời gian tới, sau khi làm xong cơ sở giết mổ, ông rất mong được Cơ quan Thú y Thị xã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận để yên tâm chăn nuôi sản xuất.
Một trong những khó khăn của các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch, an toàn hiện nay là giá cả vì thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng thường có giá thành cao, cụ thể giá thịt lợn do cơ sở ông Hạnh bán ra luôn “nhích” hơn từ 10-15% so với giá thịt lợn khác, nên vào đầu mối tiêu dùng thịt lớn như siêu thị hay nhà hàng, khách sạn, trường học, nhà máy khó khăn vì người tiêu dùng phải cân nhắc.
Vì vậy trong thời gian tới, cùng với tuyên truyền theo hướng động viên người nuôi tích cực ứng dụng công nghệ, chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, hạn chế thức ăn công nghiệp, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm. Về phần mình, ông Hạnh mong muốn được cơ quan chức năng tạo điều kiện kiểm tra, thẩm định để các cơ sở sản xuất, gia trại như ông được tham gia vào “chuỗi” nhằm cung ứng sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Khi đó không chỉ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có lợi và kích thích được sản xuất phát triển mà sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng và lợi ích của cộng đồng được tôn trọng, đề cao.