P.V: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023?
Đại tá Lương Thế Lộc: Tháng 11/2014, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Căn cước công dân, là tiền đề cho công cụ quản lý dân cư thay cho sổ hộ khẩu. Đến tháng 11/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Cư trú (sửa đổi).
Theo quy định của Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Như vậy, sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sử dụng, tức là sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/1/2023.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh hướng dẫn người dân tại phố đi bộ đăng ký tài khoản định danh điện tử. Ảnh tư liệu
Sau thời điểm bỏ sổ hộ khẩu giấy, từ ngày 1/1/2023, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử, hay còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy tức là bỏ hình thức quản lý dữ liệu cư trú bằng sổ sách, giấy tờ. Nhà nước vẫn duy trì quản lý hộ khẩu, chỉ là thay thế hình thức quản lý thông tin sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn.
P.V: Sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực, người dân sử dụng những phương thức nào khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự?
Đại tá Lương Thế Lộc: Sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực, người dân có thể sử dụng 1 trong 7 phương thức sau để thực hiện thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự:
– Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
– Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp, tích hợp với máy tính, thiết bị di động để đọc các thông tin công dân trên thẻ CCCD.
– Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.
– Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn và làm theo hướng dẫn.
– Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
– Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (do cơ quan công an cấp).
– Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chứng minh nơi cư trú của người dân.
P.V: Vậy, những người chưa làm thủ tục cấp hoặc chưa có căn cước công dân gắn chip, cần làm gì trước ngày sổ hộ khẩu bị “khai tử”?
Đại tá Lương Thế Lộc: Trước ngày sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, người dân có thể xin giấy xác nhận thông tin về cư trú. Khi sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, công dân có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế trong các trường hợp cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú. Nội dung của giấy này bao gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Đồng thời, công dân cần làm căn cước công dân gắn chip – là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm thủ tục tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Cùng với đó, tiến hành đăng ký tài khoản định danh điện tử. Với tài khoản định danh cá nhân mức độ 1, người đã có thẻ căn cước công dân gắn chíp tự đăng ký thông qua ứng dụng VNelD trên điện thoại. Với tài khoản định danh mức độ 2, công dân phải trực tiếp đến Công an cấp tỉnh, huyện để làm thủ tục đăng ký.
Chụp ảnh làm thẻ căn cước công dân tại Bộ phận Một cửa Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu
P.V: Không ít người dân chưa làm thủ tục cấp hoặc chưa có căn cước công dân lo lắng về việc sẽ không xác nhận được thông tin cư trú sau khi chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy. Đồng chí có thể thông tin thêm?
Đại tá Lương Thế Lộc: Sau khi sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023 thì chứng minh nhân dân đã được cấp vẫn còn hiệu lực sử dụng theo quy định. Do đó, khi cần xác nhận về cư trú, công dân trình chứng minh nhân dân thì cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có thể xác thực được các thông tin liên quan. Như vậy, người dân chưa làm thủ tục cấp hoặc chưa có căn cước công dân gắn chíp không cần phải lo lắng khi muốn làm các thủ tục cần xác nhận thông tin về cư trú, sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/1/2023.
Người dân đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Trung tâm Giao dịch một cửa huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự trong thời đại công nghệ số, người dân chưa có căn cước công dân gắn chíp hoặc đã có thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử nhưng chưa có tài khoản định danh điện tử cần bố trí thời gian để làm thủ tục cấp căn cước công dân và tiến hành đăng ký tài khoản định danh điện tử, tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, khi được cấp phê duyệt tài khoản định danh điện tử, người dân sẽ nhận được tin nhắn từ Bộ Công an gửi đến số điện thoại, với nội dung: “Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thông báo: Hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử của công dân đã được phê duyệt. Đề nghị truy cập ứng dụng VNeID hoặc địa chỉ https://vneid.gov.vn để kích hoạt tài khoản”. Khi đó, chỉ cần tải app VneID từ kho ứng dụng App Store; Google Play, kích hoạt theo hướng dẫn có trong tin nhắn để sử dụng tài khoản định danh điện tử của mình.
PV: Cảm ơn đồng chí!
Nguồn: Đặng Cường- Báo Nghệ An